| Hotline: 0983.970.780

Phú Quý - Những giai thoại truyền kỳ: Truyền thuyết Ông Nam Hải

Thứ Tư 18/05/2022 , 06:42 (GMT+7)

Khi được khơi lại ký ức về chuyện Ông Nam Hải, những ngư dân cả đời gắn với biển trên đảo Phú Quý không giấu được xúc động, kể lại bằng sự tôn kính.

Suốt dải đất ven biển Việt Nam, từ Thanh Hóa đến mũi Cà Mau, tỉnh nào cũng có đền thờ cá voi (Ông Nam Hải). Bởi với ngư dân, cá voi được coi là thần hộ mệnh, là phúc thần. Trên đảo Phú Quý, có đến 10 vạn (đền) thờ Ông Nam Hải, và là nơi có bộ cốt Ông Nam Hải lớn thứ 2 Việt Nam, chỉ sau bộ cốt ở dinh Vạn Thủy Tú, TP Phan Thiết, Bình Thuận.

Vạn An Thạnh trên đảo Phú Quý, di tích lịch sử cấp Quốc gia. Ảnh: Phúc Lập.

Vạn An Thạnh trên đảo Phú Quý, di tích lịch sử cấp Quốc gia. Ảnh: Phúc Lập.

Không chỉ là truyền thuyết

Anh Trần Thắng, người đã đồng hành từ lúc tôi đặt chân lên đảo Phú Quý, bảo: “Ra Phú Quý, một trong những nơi nên đến là vạn An Thạnh (thôn Triều Dương, xã Tam Thanh - PV). Đây không chỉ là một trong 2 di tích lịch sử Quốc gia trên đảo, mà còn là nơi rất linh thiêng đối với tất cả người dân trên đảo, đặc biệt là ngư dân”. Nghe anh nói, tôi gật đầu ngay.

Vạn An Thạnh được xây dựng từ năm 1781, là nơi thờ cá voi đầu tiên trên đảo Phú Quý. Người đang trông coi vạn An Thạnh là ông Trần Trọng, 76 tuổi. Lúc chúng tôi đến, ông Trọng không có ở đây, Thắng móc điện thoại ra gọi, vài phút sau, ông Trọng đã lạch cạch đạp xe đến. “Trong lịch sử hàng trăm năm, chuyện Ông cứu ngư dân là sự thật, chứ không phải lời đồn, truyền thuyết đâu. Trên đảo này có rất nhiều người từng được Ông cứu. Bên xã Long Hải có ông Ngô Chức, Trần Hùng, đi biển hơn 60 năm, từng được Ông cứu. Cậu đến họ kể chuyện Ông cho mà nghe”, ông Trọng nói tiếp rổi dẫn tôi vào bên trong khu thờ những bộ xương cá voi.

Lão ngư Trần Hùng, người từng được cá Ông cứu. Ảnh: Trần Thắng.

Lão ngư Trần Hùng, người từng được cá Ông cứu. Ảnh: Trần Thắng.

Bên trong, ngoài bộ xương lớn nhất, dài gần 20m, còn 5 bộ xương nhỏ hơn xung quanh. Ông Trọng cho biết: Bộ lớn là là Ông Nam Hải, còn 5 bộ nhỏ này có 3 bộ xương cá heo và 2 bộ cá Ông chuông. “Sao lại gọi là Ông chuông”, tôi hỏi. “Loài này khi di chuyển thường nhô lên măt nước phun nước để lấy ô xy, khi phun nước thường tạo ra âm thanh như tiếng chuông, nên ngư dân gọi là Ông chuông. Còn theo khoa học giải thích thì do Ông chuông có phần đầu tròn, nhô lên như quả chuông nên gọi là cá Ông chuông”, ông Trọng giải thích.

Theo chân anh Thắng, chúng tôi đến nhà lão ngư Trần Hùng trên đường Nguyễn Thông, xã Long Hải. Ông Hùng năm nay đã 72 tuổi, nhưng thân hình còn rắn chắc lắm, nước da sạm nắng gió, giọng nói sang sảng. Lúc chúng tôi đến, ông vừa trở về sau chuyến đi biển dài 1 tháng.

Ông Nguyễn Trọng, quản vạn An Thạnh, Phú Quý. Ảnh: Phúc Lập.

Ông Nguyễn Trọng, quản vạn An Thạnh, Phú Quý. Ảnh: Phúc Lập.

“Tôi theo cha đi biển từ năm lên 11 tuổi. Đến nay cũng 60 năm có lẻ rồi. Nói về tâm linh liên quan đến Ông thì kể cả ngày không hết. Tôi nhớ gì nói đó nghen.

Hồi tôi đi biển chắc khoảng hơn chục năm thì lấy vợ, ra riêng. Cha cho 1 cái ghe lớn làm vốn. Chắc do chưa có kinh nghiệm nên tôi đi mấy chuyến toàn thua, bắt đầu phải vay nợ. Rồi lần đi kế tiếp ra vùng đảo Hoàng Sa, một đêm, lúc ghe đang đậu giữa biển lặng thì nghe tiếng động bên hông. Tôi ra ngó xuống thì thấy một Ông nhỏ, chắc vài trăm ký. Hình như Ông đang hấp hối, cố tình lao vào tàu báo động cho chúng tôi thì phải.

Tôi lập tức gọi anh em ra cùng nhau dưa Ông lên bong tàu. Một lát sau thì Ông lụy (cách ngư dân gọi cá voi chết là - PV). Tụi tôi ai cũng sững sờ, nghĩ Ông muốn được vào bờ chôn cất. Ngay sáng hôm sau, tôi bỏ dở chuyến biển, giong ghe về làm lễ chôn chất cho Ông.

Sau đó không lâu, trước khi đi biển, tôi ra mộ Ông khấn vái, xin Ông phù hộ cho một chuyến biển thành công, nếu không, tôi có thể phải bán ghe trả nợ. Và không ngờ, chuyến biển ấy, chỉ trong 2 tuần đã đầy ghe hải sản quý. Và những chuyến sau cũng vậy, đều thuận buồm xuôi gió”, ông Hùng kể, giọng trầm trầm, đầy thành kính.

Lão ngư Ngô Chức. Ảnh: Phúc Lập.

Lão ngư Ngô Chức. Ảnh: Phúc Lập.

Một lát sau, ông Hùng kể tiếp: “Năm 2006 xảy ra cơn bão Chanchu kinh hoàng. Thằng Ý, con trai cả của tôi khi đó đang đánh bắt ghe riêng ở vùng biển Hoàng Sa, không về kịp. Tôi tưởng mất con rồi chứ, ai dè mấy ngày sau thấy ghe nó được tàu bộ đội lai dắt về cảng. Vợ chồng tôi, vợ nó mới cưới, mừng khóc như mưa. Sau đó, tôi sắm lễ ra đền khấn vái, cảm tạ ngay”.

“Chú nghĩ cá voi đã cứu anh Ý hay sao?”, tôi hỏi. Ông Hùng trầm ngâm, rồi kể tiếp: “Con trai tôi kể, ghe tụi nó gặp bão ở vùng biển đông bắc Hoàng Sa. Không thể chạy thẳng vào bờ, nó nương theo gió xuôi về hướng đảo Hải Nam. Cứ nghĩ ghe sắp được vào đảo trú bão, ai dè còn cách khá xa thì nghe tiếng súng bắn chỉ thiên liên tục, ý là họ không cho vào. Nếu quay ra thì chắc chắc dính bão, ghe không thể chịu nổi. Đang phân vân thì thấy ghe lao đi rất nhanh về hướng bắc. Chừng 1 giờ sau đã thấy tàu đã ra khỏi vùng nguy hiểm, biển bớt sóng. Khi tàu chậm lại, mọi người nhìn ra phía sau thì thấy mấy Ông Nam Hải, thân hình to lớn, đang vẫy đuôi lặn sâu”.

Hàng năm, vào ngày rằm tháng 10 âm lịch, vạn An Thạnh tổ chức lễ giỗ Ông Nam Hải. Ngoài những nghi thức long trọng, còn có thêm nghi thức rước ông Sanh (Ông Nam Hải) từ biển khơi với hàng chục chiếc ghe mới, và trang trí lộng lẫy cùng cờ trống ra khơi nghinh đón những vị thần sống về vạn chứng kiến ngày tế lễ. Những bài văn tế Thần, Tiền hiền và Hậu hiền được đọc long trọng trong buổi lễ. Hiện nay, vạn An Thạnh còn lưu giữ bài văn tế dày 124 trang viết bằng chữ Hán cổ.

Ly kỳ chuyện an táng Ông Nam Hải

Cách nhà ông Hùng không xa, là nhà lão ngư Ngô Chức, người được mệnh danh là “kỳ nhân” của biển. Ông Chức nay gần 80 tuổi, đã nghỉ đi biển từ hơn chục năm nay, nhưng ông có thể ngồi cả ngày để kể những chuyện về biển, về Ông Nam Hải.

“Với những người đi biển, thường xuyên phải đối mặt với hiểm nguy, tính mạng gần như không tự quyết được, thì Ông là chỗ dựa tinh thần, là niềm tin không thể thiếu. Ông là thần độ mạng. Bất cứ khi nào gặp nạn trên biển, chỉ cần chắp tay cầu khẩn là Ông đến cứu”, ông Chức nói. “Nhưng vẫn có ngư dân bị nạn trên biển mà?, tôi thắc mắc. “Dĩ nhiên, Ông đâu thể nào cứu hết được. Đó là quy luật, là nhân quả của cá nhân. Chính vì thế, tại sao chúng ta coi trọng nhân nghĩa”, ông Chức nói.

Lễ giỗ Ông Nam Hải và cầu ngư của vạn Liên Thành, một trong số các vạn thờ Ông Nam Hải trên đảo Phú Quý năm 2020. Ảnh: Phúc Lập.

Lễ giỗ Ông Nam Hải và cầu ngư của vạn Liên Thành, một trong số các vạn thờ Ông Nam Hải trên đảo Phú Quý năm 2020. Ảnh: Phúc Lập.

Ngừng giây lát, ông kể tiếp: “Ông không linh tại sao mỗi khi lụy tít ngoài khơi vẫn dạt vào đây? Trong khi hòn đảo này nhỏ xíu, biển thì mênh mông. Không linh tại sao trước khi lụy lại lao vào ghe báo động cho con người?

Tài liệu ở vạn An Thạnh ghi, khi Ông Nam Hải lớn nhất, mà chúng tôi gọi là “Ông cố” lụy cách đảo 20 lý, giữa lúc sóng to, nhưng vẫn có một ghe của ngư dân trên đường về tránh bão đã phát hiện, sau đó về đảo thông báo cho bà con ra đưa ông vào bờ. Nhưng khi đưa chuẩn bị đưa ông về an táng thì do Ông quá nặng, lên đến hơn 50 tấn, nên mấy chục người làm đủ mọi cách cũng không làm sao di chuyển được. Đến khi người tìm thấy Ông suy nghĩ, rồi về làm lễ cúng tế, xin phép, thì lúc này mọi người mới đưa được ông về nơi an táng”.

Ông Chức cho biết, khi ngư dân phát hiện Ông lụy, thì người phát hiện đầu tiên sẽ là người “chịu tang” như con chịu tang cha mẹ. Trong lúc làm lễ, người này sẽ mặc trang phục màu đỏ, đội khăn đỏ. Ngày xưa, người chịu tang này còn phải cúi đầu lạy đáp lễ những người đến viếng. Sau này, các vạn đã lập ban đại diện nên thủ tục này được bỏ. Sau khi chôn cất 2 năm hoặc 3 năm, tùy theo Ông lớn hay nhỏ, mộ Ông được cải táng, bốc cốt mang về vạn thờ.

Chèo Ba trạo, một trong số những hoạt động trong lễ giỗ, nghinh Ông năm 2020. Ảnh: Phúc Lập.

Chèo Ba trạo, một trong số những hoạt động trong lễ giỗ, nghinh Ông năm 2020. Ảnh: Phúc Lập.

“Tại sao người chịu tang phải mặc trang phục đỏ, khăn tang đỏ?”, tôi hỏi. Ông Trọng, người coi vạn An Thạnh cho biết, màu đỏ là màu tang của vua chúa và hoàng tộc. Tục truyền cá Ông đã được vua Gia Long sắc phong Thần. Vì thế, mỗi khi cá Ông lụy, người chịu tang phải vận trang phục màu đỏ”.

Thời Nhà Nguyễn, vua Gia Long từng được cá voi 2 lần cứu thoát chết vì bão và sự truy sát của quân nhà Tây Sơn. Nên sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã phong tước cho cá voi là “Nam Hải Cự tộc Ngọc Lân Thượng đẳng Thần” và “Nam Hải Đại Tướng Quân”. Đồng thời, người nào phát hiện Ông lụy, làm lễ an táng chu đáo, sẽ được miễn sưu dịch 3 năm.

Xem thêm
Các nhà báo đã chung tay lan tỏa 'câu chuyện Việt Nam'

Gặp gỡ báo giới đầu năm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng các nhà báo đã cùng nhau kể 'câu chuyện Việt Nam', đẹp và đáng tự hào.

Hàng trăm chậu cúc chết cháy sau một đêm, nghi bị kẻ xấu đầu độc

BÌNH ĐỊNH Hơn 300 chậu cúc Tết đang trỗ búp rực rỡ đã được thương lái đặt cọc bỗng dưng chết cháy sau một đêm, chủ nhà vườn ‘chết đứng’, nghi có kẻ xấu ‘đầu độc’…

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ông Hồ Văn Hà làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

Đồng Nai Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai khóa X vừa tổ chức kỳ họp thứ 24 và bầu thêm một Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhằm kiện toàn công tác nhân sự.