| Hotline: 0983.970.780

Phú Yên: Chấm dứt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

Thứ Ba 05/11/2019 , 08:41 (GMT+7)

Đó là khẳng định ông Nguyễn Tri Phương, PGĐ Sở NN-PTNT Phú Yên với Báo NNVN trong việc nỗ lực khắc phục “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC).

Ngư dân tuân thủ

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, toàn tỉnh có khoảng 4.150 tàu cá, trong đó 1.180 tàu cá có công suất từ 90CV trở lên. Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền giúp ngư dân hiểu rõ và ý thức tôn trọng và chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam và các nước tiếp giáp về khai thác hải sản trên biển.

14-53-13_2
Ngư dân Phú Yên đã chấm dứt vi phạm vùng biển nước ngoài. Ảnh: Lê Khánh.

Bên cạnh đó, tỉnh còn triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo tồn và quản lý nguồn lợi, gắn với kế hoạch quản lý nghề cá, kiểm soát cường lực khai thác, từng bước giải quyết dứt điểm các hành vi vi phạm về hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Nhờ vậy, ý thức của ngư dân được nâng cao, không còn tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Tri Phương, PGĐ Sở NN-PTNT Phú Yên xác nhận và cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh Phú Yên không có tàu nào vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản. Đây là nhờ các biện pháp quyết liệt mà tỉnh áp dụng đối với tàu cá vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.

Cụ thể, đối với tàu cá vi phạm trước đó, Sở NN-PTNT chỉ đạo Chi cục Thủy sản không cấp giấy phép khai thác thủy sản, không cho đóng mới tàu cá và buộc chủ tàu chi trả kinh phí đưa các thuyền viên đi trên tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, xử lý về nước. Đồng thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo kiểm điểm ngư dân và chính quyền địa phương có tàu cá bị nước ngoài bắt giữ. Sau đó, Chỉ huy trưởng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Phú Yên sẽ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tàu cá và ngư dân khai thác hải sản trái phép.

Bên cạnh đó, qua hệ thống giám sát tàu cá, tỉnh Phú Yên đã kịp thời thông báo ngay cho chủ tàu và thuyền trưởng tàu cá có dấu hiệu vượt ranh giới và vượt ranh giới cho phép trên biển lập tức đưa tàu trở lại. Sau đó sẽ xử lý nghiêm theo quy định khi tàu về bờ.

Ngư dân Nguyễn Văn Chúng, khu phố Phú Thọ 1, thị trấn Hòa Hiệp cho biết, thời gian qua, ngành nông nghiệp, Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương thường xuyên phổ biến về vùng biển được phép khai thác, không được phép khai thác nên khi ra khơi, ngư dân thường xuyên liên lạc với ngành chức năng để biết và không vi phạm vùng khai thác.

14-53-13_3
Ảnh: Lê Khánh.

“Các tàu cá chúng tôi ký cam kết với cơ quan chức năng không đánh bắt hải sản bất hợp pháp và tuân thủ việc ghi chép nhật ký đánh bắt cẩn thận”, ông Chúng chia sẻ.

Còn ngư dân Trần Hào, ở phường 6 (TP Tuy Hòa) cho rằng, bây giờ ngư dân chẳng dại mà đánh bắt bất hợp pháp vì nhiều trường hợp tàu vi phạm đã bị thiệt hại và xử lý rất nặng.

“Chúng tôi thường đi theo tổ đội từ 5 - 7 tàu, vừa nhắc nhở nhau không vi phạm vùng biển nước ngoài, vừa hỗ trợ thông tin cho nhau về luồng cá để cùng khai thác, cũng như giúp đỡ nhau khi tàu gặp sự cố trên biển”, ông Hào nói.
 

Cơ bản khắc phục khuyến nghị của EC

Theo ông Nguyễn Tri Phương, đến nay tỉnh Phú Yên cơ bản thực hiện theo đúng khuyến nghị của EC. Cụ thể, tỉnh đã thành lập 4 văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại 4 cảng cá: Đông Tác, Phú Lạc, Tiên Châu và Dân Phước, đến nay đã đi vào hoạt động ổn định và hiệu quả. Việc kiểm tra, kiểm soát tại các cảng cá trong tỉnh được tăng cường, tất cả các tàu cá xa bờ đều lên cá tại các cảng cá, ngư dân chủ động ghi, nộp nhật ký khai thác.

Các DN thu mua cá ngừ đại dương đưa đi tiêu thụ. Ảnh: Lê Khánh.

Kết quả, đến nay tỉnh đã thu sổ nhật ký khai thác thủy sản 1.840 quyển; kiểm soát tàu rời cảng 3.127 lượt tàu; kiểm soát tàu cập cảng 2.713 lượt tàu. Giám sát thủy sản qua cảng đã được BQL cảng cá thẩm định, cấp 82 hồ sơ xác nhận nguồn gốc nguyên liệu (SC), với sản lượng hơn 2,3 triệu kg. Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản cấp 18 giấy chứng nhận thủy sản khai thác (CC) với tổng khối lượng thủy sản hơn 105.000 kg.

Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động vùng khơi cũng được tỉnh triển khai quyết liệt. Toàn tỉnh hiện có 3 đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình tàu cá đã được Sở TT-TT thẩm định gồm: Công ty TNHH MTV Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam (hệ thống Vifish.18), Viettel (hệ thống S-Tracking), VNPT (hệ thống VNPT-VSS. Đến nay, đã lắp đặt được 239 thiết bị/239 tàu. Trong đó Vifish.18: 159 thiết bị, S-Tracking 78 thiết bị, VNPT-VSS 6 thiết bị. Các cơ quan quản lý quan sát, theo dõi được các tàu cá có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên phần mềm của các đơn vị cung cấp.

Ngoài ra, đến hết tháng 2/2019, tỉnh đã thu hồi được 95/120 thiết bị Movimar và đang tiếp tục thu hồi và bàn giao một số bộ thiết bị cho Đài TT Duyên hải Phú Yên. Đồng thời đã lắp thiết bị Movimar cho các tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên là 13/13 phương tiện.

Về cấp phép khai thác thủy sản, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã cấp 537 giấy phép, trong đó vùng khơi 222, vùng lộng 292, vùng biển ven bờ 23 và gia hạn 183 giấy phép khai thác thủy sản.

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, thực hiện các quy định mới về Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn Luật Thủy sản, đến nay Chi cục Thủy sản đã phối hợp với Ban Quản lý cảng cá, Đồn Biên phòng Tuy Hòa, Đồn Biên phòng Tuy An tổ chức 2 đợt tuyên truyền cho ngư dân tại TP Tuy Hòa và tại xã An Ninh Tây (Tuy An).

Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản tổ chức hội nghị tuyên truyền về Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cho các cấp quản lý thủy sản địa phương, lực lượng biên phòng, các nghiệp đoàn nghề cá tại TP Tuy Hòa. Chi cục Thủy sản phối hợp với BCH Hội Nông dân tỉnh tổ chức truyên truyền, phổ biến triển khai Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thủy sản cho cán bộ, hội viên Hội Nông dân huyện Đông Hòa, Tuy An và TX Sông Cầu với 165 lượt người tham dự (55 người/lớp).

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.