Hòa Thịnh - tâm hạn của Phú Yên
Vừa có chuyến thị sát nắm bắt tình hình khô hạn trong tỉnh, ông Nguyễn Lê Lanh Đa,Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt-BVTV Phú Yên, cho biết tình hình khô hạn ở Phú Yên đang diễn biến phức tạp. Hiện nhiều vùng trên địa bàn thiếu nước tưới nghiêm trọng như xã Hòa Xuân Đông (Đông Hòa); các xã Hòa Kiến, Bình Kiến, phường 9 (TP Tuy Hòa) và một số xã huyện Tuy An, huyện Phú Hòa...Tuy nhiên căng thẳng nguồn nước nhất phải kể đến xã Hòa Thịnh (Tây Hòa).
Tại xã này, vụ hè thu sản xuất 867 ha lúa, thì đã có khoảng 730 ha thiếu nước tưới. Không chỉ thế xã này còn có 1.220/3.890 hộ thiếu nước sinh hoạt, chiếm gần 90% số hộ thiếu nước toàn huyện.
Xã Hòa Thịnh các nguồn nước tưới đều cạn kiệt. |
Ông Trần Quốc Sách, Chủ tịch UBND xã Hòa Thịnh, cho biết, chưa năm nào tình hình hạn hán trên địa bàn lại khốc liệt như năm nay. Hiện nguồn nước chính trên địa bàn là 2 đập An Sang và Phú Hữu đều cạn kiệt, nên không còn cách nào để chống hạn. Trước tình hình đó, chính quyền đã hỗ trợ cho 10 thôn khoan 10 giếng để bà con lấy nước sinh hoạt. Đối với diện tích lúa còn có khả năng phục hồi, địa phương cũng khoan 10 giếng bằng nguồn xã hội hóa để cứu lúa cho bà con.
“Số diện tích lúa còn lại (PV-132 ha) của địa phương hiện chưa thiếu nước tưới là nhờ 2 trạm bơm Đầu Ngõ và Phú Hữu còn hoạt động được. Tuy nhiên trạm bơm Đầu Ngõ nguồn nước tưới cũng bắt đầu cạn kiệt và nếu trong thời gian tới, trời vẫn không mưa thì số diện tích “ăn” nước từ trạm bơm này cũng sẽ thiếu nước tưới nghiêm trọng”, anh Sách nói.
Nhiều diện tích lúa ở Hòa Thịnh đã chuyển sang khô, cháy vì không còn nguồn nước tưới. |
Ông Nguyễn Dũng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, cho biết thêm, qua kiểm tra thực tế nhiều diện tích lúa nằm giữa đồng tại xã Hòa Thịnh đã bị khô cháy, vì không có nguồn nước nào chống hạn. Đối với diện tích này nếu bây giờ trời có mưa xuống cũng không thể nào phục hồi được.
“Do đó hiện địa phương đang lập danh sách xem xét theo Nghị định 02, để hỗ trợ bà con phục hồi sản xuất”, ông Dũng nói.
Giải pháp
Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, đến nay, toàn tỉnh có hơn 5.800/2.400 ha lúa vụ hè thu bị thiếu nước tưới. Trong đó có 1.315ha khả năng bị mất trắng do không còn nguồn nước để bơm tưới chống hạn và 4.524 ha phải bơm tưới tăng ca. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có hơn 6.047 ha lúa đang có nguy cơ thiếu nước, tập trung chủ yếu ở các huyện Tây Hòa, Đông Hòa, Tuy An và hàng chục ngàn ha cây trồng cạn cũng đang bị thiếu nước, sinh trưởng kém. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có khoảng 6.000 hộ thiếu nước sinh hoạt.
Trước tình hình khô hạn, thiếu nước tưới, ông Nguyễn Trọng Tùng, GĐ Sở NN-PTNT Phú Yên, cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương và các ngành liên quan chỉ đạo các xã, các đơn vị quản lý thủy nông kiểm tra, đánh giá thực tế nguồn nước ở đầu mối, quản lý chặt chẽ nguồn nước để điều tiết nước hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.
Đồng thời, kiểm tra hiện trạng từng hệ thống thủy nông, tu bổ nạo vét kênh dẫn, bể hút để khơi thông nguồn nước; sửa chữa các trạm bơm điện, bơm dầu dã chiến, thủ công để hỗ trợ cấp nước phòng chống hạn cho cây trồng.
Hiện Phú Yên đang lắp nhiều máy bơm để bơm nước vào các kênh để chống hạn vùng thiếu nước. |
“Hiện chúng tôi đã lắp thêm nhiều trạm bơm dã chiến tại các vị trí có nguồn nước như Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3 (Đồng Xuân), Vạn Lộc, xã Hòa Mỹ Đông (Tây Hòa) và trạm dã chiến xi phông: Bến Lội, xã Hòa Trị 2 (Phú Hòa) cũng như lắp các trạm bơm để bơm nước từ sông vào các kênh để phục vụ chống hạn. Bên cạnh đó, chúng tôi còn phối hợp với các địa phương khoan giếng tại những vị trí có nguồn nước để cứu cây trồng.
Đối với giải pháp cấp nước sinh hoạt cho người dân, bên cạnh hỗ trợ người dân khoan giếng, tỉnh cũng chỉ đạo giao Cty môi trường và BCH quân sự bố trí các xe bồn phối hợp các địa phương để chở nước tới phục vụ người dân…” ông Tùng chia sẻ.