| Hotline: 0983.970.780

Phú Yên khẩn trương khảo nghiệm giống sắn kháng bệnh khảm lá

Thứ Năm 01/09/2022 , 12:42 (GMT+7)

Tỉnh Phú Yên đang tổ chức chức khảo nghiệm, đánh giá và nhân nhanh các giống kháng bệnh khảm lá sắn hiện nay để cung ứng cho nông dân.

Trên 14.500 ha nhiễm bệnh khảm lá

Theo Chi cục Trồng trọt – BVTV Phú Yên, niên vụ 2022-2023, toàn tỉnh xuống giống được 25.191 ha sắn. Trong đó tại huyện Sông Hinh 9.200 ha, Sơn Hòa 8.100 ha, Đồng Xuân 4.531 ha, Tây Hòa 2.288 ha, Phú Hòa 372 ha, Tuy An 371 ha và thị xã Sông Cầu 329 ha.

Đến nay, cây sắn trên địa bàn đang trong giai đoạn sinh trưởng phát triển thân lá và tích lũy tinh bột. Tuy nhiên hiện bệnh khảm lá virus gây hại với tổng diện tích 14.530 ha trên hầu hết các giống như KM419, KM94, KM140, KM98-5...trong đó nhiễm nặng 8.200 ha, tỷ lệ bệnh từ 20-100% cây.

Nhiều diện tích sắn ở tỉnh Phú Yên bị bệnh khảm lá. Ảnh: KS.

Nhiều diện tích sắn ở tỉnh Phú Yên bị bệnh khảm lá. Ảnh: KS.

Tại huyện Sông Hinh, bệnh khảm lá virus hại sắn phát sinh gây hại hiện khoảng 5.700 ha, trong đó 4.400 ha bị nhiễm nặng.

Ông Hồ Kim Lân, đại diện Trạm Trồng trọt -BVTV huyện Sông Hinh cho biết, những năm gần đây cây sắn trên địa bàn huyện liên tục bị nhiễm bệnh khảm lá. Nguyên nhân là trên địa bàn chưa có giống sạch bệnh, trạm đã khuyến cáo bà con không sử dụng sắn nhiễm bệnh khảm lá làm giống. Tuy nhiên bà con cứ lấy giống sắn nhiễm bệnh để trồng. Từ đó, bệnh khảm virus hại sắn lại phát sinh gây hại làm ảnh hưởng đến năng suất.

“Năm nay diện tích bị bệnh khảm lá virus hại sắn đã giảm so với năm trước, bởi bà con chuyển qua trồng giống sắn KM94. Qua theo dõi giống KM94 ít bệnh hơn các giống trồng phổ biến ở địa phương như KM419, KM140”, ông Lân chia sẻ.

Nông dân không dùng giống bị nhiễm bệnh khảm lá để trồng. Ảnh: KS.

Nông dân không dùng giống bị nhiễm bệnh khảm lá để trồng. Ảnh: KS.

Tại huyện Đồng Xuân, bệnh khảm lá virus gây hại với diện tích 4.200ha, với tỷ lệ bệnh từ 5-50% cây, trong đó diện tích nhiễm nặng 2.300 ha tại các xã trên địa bàn huyện này.

Ông Trần Văn Thành, một nông dân trồng sắn ở xã Xuân Long, huyện Đông Xuân cho biết, gia đình ông trồng 5 sào sắn đang giai đoạn tích lũy tinh bột. Tuy nhiên tất cả diện tích đều bị khảm lá với tỷ lệ bệnh 30%. Nguyên nhân do niên vụ vừa qua, ông không mua được giống chất lượng nên đành lấy lại trồng giống sắn nhà trồng đã bị bệnh khảm lá.

Khẩn trương tìm giống sắn kháng bệnh khảm lá

Ông Nguyễn Lê Lanh Đa, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt - BVTV Phú Yên cho biết, hiện diện tích trồng sắn tại một số tỉnh nói chung và trên địa bàn Phú Yên nói riêng bị bệnh khảm lá virus gây hại khá nhiều. Từ đó không đủ nguồn cung ứng giống sắn sạch bệnh để sản xuất, trong khi đó tập quán của bà con cứ sử dụng hom giống sắn vụ trước hoặc trao đổi trong vùng để làm giống trồng cho vụ sau.

Tỉnh Phú Yên đang tổ chức khảo nghiệm, đánh giá và nhân nhanh các giống kháng bệnh khảm lá sắn. Ảnh: NH.

Tỉnh Phú Yên đang tổ chức khảo nghiệm, đánh giá và nhân nhanh các giống kháng bệnh khảm lá sắn. Ảnh: NH.

Bên cạnh đó, hiện diện tích canh tác sắn trên địa bàn lớn nhưng chủ yếu trồng trên đồi núi, đất dốc, thiếu nước nên việc chăm sóc, cũng như phòng trừ môi giới truyền bệnh khảm lá virus hại sắn còn gặp nhiều khó khăn. Từ đó bệnh khảm lá này vẫn tiếp tục lây lan trên diện tích trồng sắn.

Theo ông Đa, hiện trên địa bàn tỉnh chưa có nguồn giống sắn kháng bệnh đủ để trồng thay thế những giống đang sản xuất bị nhiễm bệnh. Một số giống mới có khả năng kháng bệnh vẫn còn đang khảo nghiệm tính thích nghi và tính chống chịu bệnh trong điều kiện sản xuất trên địa bàn.

“Hiện chúng tôi đang tổ chức khảo nghiệm, đánh giá và nhân nhanh các giống kháng bệnh khảm lá sắn hiện nay như: HN1, HN3, HN5…để kịp thời cung ứng cho nông dân sản xuất. Đồng thời xây dựng khu vực sản xuất giống sắn để đảm bảo nguồn giống sạch bệnh và kháng bệnh cung cấp cho sản xuất; cùng với đó đẩy mạnh công tác truyên truyền cho người trồng sắn làm tốt công tác phòng bệnh”, ông Đa chia sẻ.

Giống sắn HN5 được trồng trên địa bàn tỉnh Phú Yên để đánh giá khả năng kháng bệnh khảm lá. Ảnh: NH.

Giống sắn HN5 được trồng trên địa bàn tỉnh Phú Yên để đánh giá khả năng kháng bệnh khảm lá. Ảnh: NH.

Tuy nhiên trước mắt đối với diện tích trồng sắn đã bị bệnh khảm lá nặng, có khả năng chuyển đổi cây trồng khác, Chi cục khuyến cáo nông dân luân canh cây trồng khác nhưng không được trồng cây thuốc lá, cà chua, cà pháo, cà bát, bầu bí, ớt...

Bên cạnh đó, để quản lý tốt bọ phấn trắng môi giới truyền bệnh khảm lá, nông dân thường xuyên sử dụng bẫy dính màu vàng phòng trừ bọ phấn, khi bọ phấn xuất hiện rộ nhanh chóng sử dụng thuốc BVTV hoạt chất Dinotefuran hoặc Pymetrozine để phòng trừ. Đặc biệt, nông dân không lấy giống từ những vườn bị bệnh và sử dụng giống sạch bệnh để trồng. Cùng với đó tăng cường chăm sóc giúp cây sắn khỏe để chống chịu bệnh, hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá gây ra.

Ông Nguyễn Lê Lanh Đa, Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt-BVTV Phú Yên cho biết, hiện địa phương cũng đang triển khai thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học tuyển chọn giống sắn năng suất tinh bột cao, kháng được sâu bệnh hại chính, phù hợp với điều kiện sản xuất tại tỉnh.

Xem thêm
Trâu, bò vỗ béo 'cái nghèo teo đi'

THÁI NGUYÊN Ngoài được hỗ trợ toàn bộ con giống, người dân còn được hỗ trợ 50% thức ăn theo định mức và tập huấn kỹ thuật vỗ béo trâu, bò.

Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Cây mì Bình Định được mùa nhưng mất giá

Năm nay nhờ thời tiết thuận lợi và sử dụng giống sạch bệnh nên cây mì (sắn) ở Bình Định cho năng suất khá, nhưng do biến động thị trường nên giá mì giảm thấp.

Phê duyệt Đề án công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Ngày 24/12, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1639/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đến năm 2030.