| Hotline: 0983.970.780

Bệnh khảm lá sắn lại hoành hành

Thứ Tư 13/07/2022 , 07:13 (GMT+7)

GIA LAI 'Đến hẹn lại lên', bệnh khảm lá hiện đang hoành hành tại nhiều địa phương ở vựa sắn Gia Lai. Tại huyện Krông Pa, chỉ 2 xã đã có hơn 4.000ha sắn bị khảm lá.

Năm nào cũng vậy, bệnh khảm lá luôn mang đến nỗi lo cho những nông dân trồng sắn trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Tại huyện Phú Thiện, vụ mùa 2022, toàn huyện có 2.228ha sắn. Thống kê mới nhất từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết, trên cây sắn, toàn huyện đã có 47ha bị bệnh khảm lá với tỷ lệ hại cây từ 5 - 30%.

Những cây sắn ở giai đoạn làm củ bỗng nhiên 'đổ bệnh' khảm lá. Ảnh: Minh Quý.

Những cây sắn ở giai đoạn làm củ bỗng nhiên "đổ bệnh" khảm lá. Ảnh: Minh Quý.

Các xã bị hại như Chư A Thai (19ha), Ia Sol (5ha), Ia Peng (11ha). Ngoài cây sắn, một số cây trồng khác cũng bị sâu bệnh gây hại như mía rải rác bị bọ hung, xén tóc gây hại; rau, đậu các loại đang trong giai đoạn sinh trưởng, bị bọ nhảy, sâu xanh và bệnh lở cổ rễ...

Ông Mai Ngọc Quý, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phú Thiện cho biết: Trước tình hình bệnh khảm lá gây hại nặng những năm gần đây, địa phương đã chủ trương thay thế diện tích sắn bị bệnh bằng những giống có khả năng kháng bệnh tốt như KM 94. Với những diện tích sắn đã trồng, khi phát hiện bị bệnh nặng thì vận động chủ vườn tổ chức tiêu hủy để tránh lây lan sang diện rộng; khử khuẩn bằng vôi bột và các biện pháp kỹ thuật...

Krông Pa là địa phương có diện tích sắn lớn nhất tỉnh Gia Lai. Thống kê từ Phòng NN-PTNT huyện này cho thấy vụ mùa năm 2022, toàn huyện trồng được 21.100ha sắn. Đến nay, chỉ tính riêng 2 xã Chư Ngọc và Ia Rsai đã có hơn 4.000ha sắn đang mắc bệnh khảm lá, các xã khác của huyện vẫn đang tiếp tục thống kê.

Theo kiểm tra của ngành nông nghiệp huyện, bệnh khảm lá sắn xảy ra trên một số giống như KM98, KM94, KM419, KM140… Nguyên nhân là do người dân tự ý tích trữ hom giống không có chọn lọc từ các giống canh tác từ vụ trước hoặc mua giống không rõ nguồn gốc trên địa bàn huyện, nên tỷ lệ nhiễm bệnh cao.

Gia đình ông K’sor Thuông ở buôn B’ha (xã Ia R’mok) trồng được 1,7ha sắn ở vụ mùa năm nay bằng giống KM98-5, hiện đã có khoảng 30% diện tích bị bệnh khảm lá. Ông Thuông cho biết: “Nếu không kịp thời khống chế diện tích sắn đã bị bệnh khảm lá thì cả vườn sắn sẽ bị lây bệnh. Vụ sắn năm nay, cầm chắc cái lỗ rồi”.

Bệnh khảm lá sắn đang hoành hành dữ dội tại huyện Krông Pa. Ảnh: Đăng Lâm.

Bệnh khảm lá sắn đang hoành hành dữ dội tại huyện Krông Pa. Ảnh: Đăng Lâm.

Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp huyện Krông Pa đã thường xuyên tổ chức các cuộc kiểm tra đột xuất đối với các tổ chức, cá nhân buôn bán, trao đổi, vận chuyển giống sắn từ địa phương khác vào huyện tại các xã, thị trấn, chốt kiểm dịch động, thực vật của huyện. Đồng thời tổ chức tuyên truyền, thông báo trên loa đài, tổ chức các lớp tập huấn cho người dân về việc sử dụng giống kháng bệnh khảm lá sắn và các biện pháp phòng trừ bệnh khảm lá sắn.

Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Pa, ông Võ Ngọc Châu khuyến cáo: Người dân nên mua hom giống tại các địa điểm bán có uy tín, rõ nguồn gốc xuất xứ; không mua hom giống có nguồn gốc từ các tỉnh đang bị bệnh khảm lá gây hại nặng. Không sử dụng hom giống ở khu vực đã nhiễm bệnh cho vụ sau, thực hiện vệ sinh đồng ruộng sau thu hoạch. Đối với ngành nông nghiệp huyện, sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình đưa các giống kháng bệnh khảm lá sắn vào sản xuất như HN3, HN5 và nhân rộng mô hình này cho các năm sau.

Bên cạnh hai địa phương là Phú Thiện và Krông Pa, bệnh khảm lá sắn còn diễn ra ở một số địa phương khác như Thị xã An Khê (137ha), Thị xã Ayun Pa (52ha), huyện Ia Pa (125 ha)…

Bên cạnh bệnh khảm lá sắn, một số loại cây trồng khác trên địa bàn tỉnh Gia Lai cũng bị nhiễm bệnh như 3.020 ha cà phê bị bệnh gỉ sắt, 2.635 ha bị rệp sáp; 980 ha hồ tiêu bị bệnh vàng lá chết chậm (tăng 11 ha); gần 133 ha mía bị xén tóc gây hại (tăng 4,5 ha so với cùng kỳ năm trước), chủ yếu tại các huyện, thị xã: An Khê, Kbang, Đak Pơ, Krông Pa…

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.