| Hotline: 0983.970.780

Phú Yên siết chặt quản lý nuôi biển, hướng phát triển bền vững

Thứ Ba 18/06/2019 , 09:10 (GMT+7)

Phú Yên có nhiều tiềm năng để phát triển nuôi biển, bởi nhiều ao đìa, đầm, vịnh. Tuy nhiên nghề nuôi biển ở tỉnh vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Ông Nguyễn Tri Phương, PGĐ Sở NN-PNT Phú Yên đã có buổi trao đổi với Báo NNVN.

Ông Nguyễn Tri Phương, PGĐ Sở NN-PTNT Phú Yên.

Thưa ông, lợi thế phát triển nuôi biển của tỉnh Phú Yên như thế nào?

Thực hiện Nghị quyết số 99 của HĐND tỉnh năm 2017, Phú Yên đã có quy hoạch nuôi biển đến năm 2030. Theo đó, nuôi ao đìa khoảng 1.881ha tại hạ lưu sông Bàn Thạch (Tây Hòa); đầm Ô Loan (Tuy An); đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu). Nuôi lồng, bè khoảng 1.650ha tại đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài và vùng biển ven bờ huyện Tuy An, trong đó chủ yếu là nuôi tôm hùm với tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản khoảng 19.360 tấn/năm.

Dự kiến tỉnh sẽ bổ sung 1.000ha vùng biển hở thuộc TX Sông Cầu. Cụ thể, vùng biển thôn Hòa Lợi, xã Xuân Cảnh diện tích khoảng 700ha và vùng biển thôn Dân Phú 2, xã Xuân Phương diện tích khoảng 300ha để phát triển nuôi biển công nghiệp.

Như vậy với lợi thế, tiềm năng ngoài vùng đầm Cù Mông, Ô Loan, vịnh Xuân Đài với các đối tượng nuôi chủ lực như tôm thẻ chân trắng, tôm hùm, tỉnh Phú Yên có vùng biển hở gần bờ, độ sâu lớn, diện tích hàng ngàn ha phù hợp phát triển nuôi cá biển công nghiệp. Đây là lợi thế lớn để tạo đột phá trong nghề nuôi trồng thủy sản trong tỉnh, giảm dần áp lực nuôi trong đầm, vịnh; đồng thời thay thế sản lượng khai thác biển ven bờ ngày càng sụt giảm.

Thực tế nuôi biển trong tỉnh ra sao, thưa ông?

Phú Yên hiện có khoảng 2.000ha ao đìa nuôi thủy sản các loại, chủ yếu là tôm thẻ chân trắng tại các vùng nuôi trọng điểm như hạ lưu sông Bàn Thạch, đầm Ô Loan, đầm cù Mông, vịnh Xuân Đài với sản lượng trên 10.000 tấn/năm và trên 100.000 lồng nuôi biển, chủ yếu là tôm hùm tại đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài và vùng biển ven bờ huyện Tuy An, sản lượng trên 1.000 tấn/năm.

Nuôi tôm hùm tại TX Sông Cầu.

Mặc dù nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi lồng, bè nói riêng mang lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên tình trạng người dân phát triển tự phát trong khi các ngành và địa phương chưa quản lý chặt, hoặc công tác quản lý chưa kịp thời.

Hiện các địa phương quy hoạch chi tiết các vùng nuôi chậm so với yêu cầu quản lý. Chưa xây dựng được cơ chế, chính sách hỗ trợ các hộ nuôi thuộc diện di dời, giải tỏa khi quy hoạch, sắp xếp lại các vùng nuôi. Công tác thống kê chưa được địa phương triển khai thiếu quyết liệt, nhất là UBND cấp xã, do đó không kiểm soát được sự gia tăng số lượng lồng, bè nuôi, diện tích nuôi trồng thủy sản.

Việc áp dụng hình thức xử lý vi phạm theo quy định tại Điểm 3, Khoản 5, Điều 34 Nghị định số 166/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ không thực hiện được tại các địa phương, do không đảm bảo được kinh phí, công cụ, phương tiện kỹ thuật và việc kiểm đếm, trông giữ, bảo quản tài sản như quy định. Hệ thống văn bản pháp luật chưa quy định chế tài xử lý đối với loại hình hoạt động kinh doanh dịch vụ bè nổi (cụ thể tại vịnh Vũng Rô) nên khó khăn trong việc lập hồ sơ xử lý.

Đa số các vùng nuôi chưa được cắm mốc chỉ giới nên công tác kiểm tra, thống kê gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, chính quyền địa phương các cấp triển khai thiếu quyết liệt, do đó không kiểm soát được sự gia tăng số lượng lồng, bè nuôi, diện tích nuôi trồng thủy sản; đa số các chủ lồng bè là người dân địa phương khác, ít có mặt tại lồng bè nuôi, chỉ có công nhân nên công tác nắm bắt thông tin, tuyên truyền, vận động di dời đến từng chủ bè còn hạn chế.

Ý thức chấp hành các quy định pháp luật của các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản trong công tác bảo vệ môi trường chưa cao. Do đầu tư nuôi tôm mang lại thu nhập cao nên tình trạng tự phát nuôi tăng vụ, nuôi dày và môi trường vùng nuôi bị ô nhiễm vẫn tiếp tục gia tăng…

Để phát triển nuôi biển bền vững, Phú Yên có định hướng ra sao?

Chúng tôi thấy cần tập trung triển khai nghiêm Luật Thủy sản trong việc cấp phép nuôi trồng, nhất là đối với nuôi biển và nuôi đối tượng chủ lực. Phát triển nuôi trồng thủy sản đúng tọa độ, đúng vị trí, đúng quy mô quy hoạch. Kiên quyết giải tỏa, sắp xếp lại lồng, bè nuôi trồng thủy sản đúng số lượng quy hoạch, không để tự phát thả nuôi vượt quá quy định.

Quy định và quản lý chặt chẽ người nuôi sử dụng thức ăn tươi cho tôm hùm phải được xử lý đảm bảo chất lượng, thu gom phần dư thừa, xác, vỏ, rác đưa vào bờ xử lý đúng quy định; thay thế dần thức ăn tươi bằng thức ăn công nghiệp để giảm ô nhiễm môi trường, an toàn dịch bệnh. Xây dựng cơ chế, vận dụng các chính sách hiện có để hỗ trợ các hộ nuôi thuộc diện di dời, giải tỏa khi quy hoạch, sắp xếp lại các vùng nuôi.

Bổ sung vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh 1.000ha vùng biển hở để phát triển nuôi biển công nghiệp. Có chính sách tín dụng ưu đãi và tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người người nuôi trồng thủy sản tiếp cận dễ dàng nguồn vốn. Tăng cường quản lý nguồn giống và vật tư đầu vào.

Về quản lý môi trường và dịch bệnh, khuyến khích chuyển sang nuôi trồng những đối tượng góp phần hồi phục môi trường như: rong nho, rong sụn, rong câu; trồng, khôi phục rừng ngập mặn ven đầm, vịnh, ở các ao nuôi bị ô nhiễm.

Công nghệ nuôi biển công nghiệp lồng Nauy có thể nuôi tại vùng quy hoạch 300ha cù lao Mái Nhà.

Xây dựng kế hoạch phối hợp quan trắc môi trường và giám sát cảnh báo dịch bệnh giữa các cơ quan nhà nước để mang lại hiệu quả cao.

Về khoa học công nghệ, khuyến ngư, nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ KHKT các công nghệ mới an toàn môi trường, an toàn dịch bệnh cho vùng nuôi ven bờ, đầm, vịnh; thử nghiệm mô hình nuôi trồng thủy sản tại các vùng biển xa bờ để giảm áp lực môi trường vùng ven bờ, góp phần duy trì và phát triển sinh kế cho các cộng đồng ngư dân chủ yếu sống dựa vào nuôi trồng thủy sản.

Xây dựng cơ chế thu hút các doanh nghiệp, cơ quan khoa học nghiên cứu, sản xuất giống tôm hùm, thực nghiệm mô hình nuôi tôm hùm trên bờ theo công nghệ RAS, công nghệ nuôi vùng biển hở; nghiên cứu sản xuất thức ăn công nghiệp thay thế dần các loại cá tạp, giảm khai thác hủy diệt nguồn lợi thủy sản ven bờ, nghiên cứu các loại vật liệu làm lồng mới có khả năng chịu được sóng, bão lớn.

Xin cảm ơn ông!

Loạt bài nuôi biển mới đây đăng trên Báo NNVN, có thể áp dụng gì cho Phú Yên, thưa ông?

Các bài viết về nuôi biển đã tổng kết thực tiễn ứng dụng khoa học - công nghệ, mô hình nuôi trồng thủy sản mới, đạt hiệu quả cao, phù hợp với từng vùng sinh thái khác nhau, các mô hình đó đã và sẽ áp dụng vào các vùng nuôi trồng thủy sản của tỉnh Phú Yên như: công nghệ nuôi biển công nghiệp lồng Nauy có thể nuôi tại vùng quy hoạch 300ha cù lao Mái Nhà, xã An Hải, huyện Tuy An và vùng biển hở TX Sông Cầu; mô hình nuôi cá chẽm, cá mú lai, ốc hương ao đất đã nuôi có hiệu quả cao ở các ao nuôi thuộc đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài; mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ 2 giai đoạn có thể nuôi tốt tại hạ lưu sông Bàn Thạch, đầm Ô Loan.

Tuy nhiên để phát triển có hiệu quả và bền vững, nhà nước cần hỗ trợ một số điều kiện như đầu tư hạ tầng thiết yếu về điện, kênh cấp thoát nước chính, đường cho các vùng nuôi tập trung của tỉnh như hạ lưu sông Bàn Thạch, đầm Ô Loan, đầm Cù Mông; xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ mới lồng Nauy nuôi cá, tôm hùm để dân học tập áp dụng.

Các ngân hàng đồng hành với chủ trương phát triển NTTS của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tiếp cận được các nguồn tín dụng ưu đãi để đủ vốn đầu tư nuôi biển công nghệ cao.


>>Muốn phát triển nuôi biển cần ứng dụng công nghệ cao

>>Thử nghiệm nuôi tôm hùm... trên bờ

>>Làng nuôi cá lồng đổi đời!

>>Sự thống trị của con cá mú lai

>>Nuôi cá bớp 'đớp' tiền

>>Nuôi ốc hương công nghiệp mật độ siêu dày

>>Sản xuất nhân tạo giống hải sâm quý

>>Cặp đôi hoàn hảo ốc hương, hải sâm

>>Đột phá nhân tạo giống cá song vua

>>Nuôi đặc sản cá chim vây vàng bằng lồng Na Uy

Xem thêm
Đầm Hà hướng đến phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững

QUẢNG NINH Hiện huyện Đầm Hà có 5.656ha đất bãi triều và mặt nước biển đã được cập nhật, tích hợp vào quy hoạch tỉnh phê duyệt.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.