| Hotline: 0983.970.780

Phú Yên: Số lồng nuôi thủy sản vượt quy hoạch 3,8 lần

Chủ Nhật 28/07/2024 , 17:24 (GMT+7)

Đến cuối 6/2024, số lồng nuôi trồng thủy sản tại tỉnh Phú Yên gấp 3,8 lần so với quy hoạch theo nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh, tăng 87% so với năm 2019.

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, việc nuôi trồng thủy sản lồng bè không theo quy hoạch ở các khu vực vịnh Vũng Rô, vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông, đầm Ô Loan trên địa bàn tỉnh đã kéo dài nhiều năm.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức kiểm tra và ban hành kết luận số 360 ngày 22/11/2019 về kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quy hoạch nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2006 – 2018 trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Nuôi trồng thủy sản lồng bè trên đầm Cù Mông, thị xã Sông Cầu (Phú Yên). Ảnh: KS.

Nuôi trồng thủy sản lồng bè trên đầm Cù Mông, thị xã Sông Cầu (Phú Yên). Ảnh: KS.

Sau đó, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 44 ngày 25/02/2020 và kế hoạch số 190 ngày 22/10/2021, theo đó giao nhiệm vụ, lộ trình cho các địa phương thực hiện sắp xếp lồng, bè nuôi trồng thủy sản theo đúng quy hoạch, đảm bảo phát triển bền vững. Tuy nhiên, số lượng lồng, bè nuôi trồng thủy sản không giảm mà tiếp tục gia tăng.

Cụ thể, đến cuối tháng 6/2024, toàn tỉnh có 186.036 lồng nuôi trồng thủy sản, gấp 3,8 lần so với quy hoạch theo Nghị quyết số 99 ngày 08/12/2017 của Hội đồng Nhân dân tỉnh và tăng 87% so với năm 2019. Trong đó, thị xã Sông Cầu có 134.612 lồng, gấp 4,4 lần so với quy hoạch và tăng 66% so với năm 2019. Tiếp đến là thị xã Đông Hòa có 38.500 lồng, gấp 5,3 lần so với năm 2019. Huyện Tuy An có 12.924 lồng, dù không vượt quá quy hoạch song nhiều lồng bè nuôi ngoài vùng quy hoạch theo Nghị quyết số 99.

Điều đáng nói, thời gian gần đây, tình trạng tôm hùm, cá biển tại thị xã Sông Cầu liên tục bị chết do môi trường. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc và xác định nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng trên là do mật độ lồng nuôi quá dày.

Vào tháng 5 vừa qua, nhiều hộ nuôi thủy sản tại thị xã Sông Cầu bị thiệt hại nặng do môi trường. Ảnh: KS.

Vào tháng 5 vừa qua, nhiều hộ nuôi thủy sản tại thị xã Sông Cầu bị thiệt hại nặng do môi trường. Ảnh: KS.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT Phú Yên cho rằng, việc số lồng nuôi vượt quy hoạch như hiện nay là do các địa phương chưa thực hiện quyết liệt, đầy đủ các nội dung tại kết luận 360 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, kế hoạch 44 và 190 của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, quy hoạch không gian biển chưa được phê duyệt; quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2023 và mới được công bố.

Ngoài ra theo khoản 4, Điều 8, Nghị định 11 ngày 10/02/2021 của Chính phủ thì UBND cấp huyện thực hiện giao khu vực biển cho các hộ nuôi trồng thủy sản lồng, bè nằm trong vùng biển 3 hải lý, tuy nhiên các địa phương chưa triển khai thực hiện.

Cũng theo Sở NN-PTNT Phú Yên, việc chỉ đạo, lãnh đạo của các địa phương chưa kiên quyết, chưa kịp thời để ngăn chặn lồng bè mới phát sinh, dẫn đến vấn đề ngày càng trầm trọng hơn. Ngoài ra, các địa phương còn thiếu căn cứ pháp lý và giải pháp phù hợp để cưỡng chế, kiểm đếm, trông giữ, bảo quản tài sản là lồng bè và thủy sản nuôi.

Trước tình hình trên, thời gian tới, tỉnh Phú Yên giao trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương tổ chức quản lý chặt, không để phát sinh mới lồng bè nuôi trồng thủy sản so với kết quả kiểm đếm đến hết tháng 6/2024. Đồng thời xây dựng kế hoạch, phương án sắp xếp, giải tỏa lồng bè với lộ trình cụ thể. Trong đó, đối với những lồng bè lấn chiếm mặt nước đã quy hoạch cho chức năng khác và những ngư cụ khai thác thủy sản bị cấm thì kiên quyết giải tỏa, xử lý theo quy định.

Phú Yên đang triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm chấn chỉnh, sắp xếp lại lồng bè nuôi trồng thủy sản để hướng tới phát triển bền vững. Ảnh: KS.

Phú Yên đang triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm chấn chỉnh, sắp xếp lại lồng bè nuôi trồng thủy sản để hướng tới phát triển bền vững. Ảnh: KS.

Cùng với đó, tỉnh sẽ xem xét bố trí nguồn tài chính phù hợp để triển khai thực hiện thí điểm mô hình nuôi trồng thủy sản ở vùng biển mở theo Quyết định số 1746 ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án tổng thể phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030. Hiện Sở NN-PTNT Phú Yên đang lấy ý kiến phản biện xã hội cho Đề án này, dự kiến khi hoàn thành sẽ trình hội đồng thẩm định trước khi trình UBND tỉnh trong tháng 7/2024.

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, các địa phương căn cứ quy hoạch sử dụng đất, theo định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh để xây dựng phương án, đề án chi tiết nhằm sắp xếp lại nuôi trồng thủy sản. Đồng thời thực hiện giao khu vực biển, đất có mặt nước cho các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, ổn định.

Xem thêm
Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.