| Hotline: 0983.970.780

Phú Yên loay hoay giải tỏa, sắp xếp lồng bè nuôi trồng thủy sản

Thứ Tư 13/03/2024 , 15:23 (GMT+7)

Tỉnh Phú Yên cần chủ trì cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về vùng nuôi, diện tích nuôi, phương án giải tỏa, sắp xếp lại lồng bè.

Nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè trên đầm Cù Mông, thị xã Sông Cầu. Ảnh: KS.

Nuôi trồng thủy sản bằng lồng bè trên đầm Cù Mông, thị xã Sông Cầu. Ảnh: KS.

Loay hoay 

Thời gian qua các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã vào cuộc sắp xếp lại các vùng nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên các đầm, vịnh. Tuy nhiên theo Sở NN-PTNT tỉnh, đến nay việc giải tỏa, sắp xếp lồng, bè NTTS vẫn chưa hoàn thành theo các nội dung chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và UBND tỉnh.

Tại thị xã Sông Cầu đến cuối năm 2023 thông kê có khoảng 1.830 hộ NTTS với khoảng 62.550 lồng tôm hùm thịt, 1.800 bè nuôi hàu, vẹm và gần 335 rớ khai thác thủy sản.

Theo UBND thị xã Sông Cầu, qua rà soát trên địa bàn thị xã có hơn 4.000 hộ đủ điều kiện và gần 1.500 hộ không đủ điều kiện giao mặt nước để NTTS lồng, bè. Để không phát sinh số lượng lồng, bè NTTS mới tại vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông, hiện các xã, phường trên địa bàn tăng cường công tác quản lý NTTS.

Còn tại vịnh Vũng Rô, theo UBND thị xã Đông Hòa có khoảng 390 hộ, cơ sở NTTS với khoảng 16.850 lồng. Trong đó 198 hộ là người dân thị xã Đông Hòa với khoảng 7.745 lồng, còn lại là hộ ngoài địa phương. Trong năm 2023, địa phương đã ngăn chặn, xử lý kịp thời 13 bè phát sinh kéo vào vịnh Vũng Rô để NTTS.

Các địa phương vào cuộc giải tỏa, sắp xếp lồng bè nuôi thủy sản tuy nhiên còn nhiều vướng mắc. Ảnh: KS.

Các địa phương vào cuộc giải tỏa, sắp xếp lồng bè nuôi thủy sản tuy nhiên còn nhiều vướng mắc. Ảnh: KS.

Tại huyện Tuy An tính đến cuối năm 2023, tổng số lồng, bè NTTS trên địa bàn huyện này là 14.750 lồng, trong đó khoảng 12.950 lồng nuôi tôm hùm.

Theo báo cáo của UBND huyện Tuy An, qua 4 năm triển khai giải tỏa, sắp xếp lại vùng NTTS ở đầm Ô Loan, địa phương đã tháo dỡ hơn 6.160 hàng que đăng (mỗi hàng dài khoảng 100m), thu giữ hơn 5.000 lờ bóng Thái Lan.

Đối với khu vực mặt nước Di tích quốc gia, nhất là danh thắng gành Đá Đĩa, địa phương đã tuyên truyền và triển khai biện pháp ngăn chặn nên việc NTTS trái phép tại khu vực này không còn xảy ra. Hiện các địa phương tiếp tục giải tỏa hồ nuôi tôm xây dựng trái phép ở khu vực đầm Ô Loan và xây dựng kế hoạch sắp xếp, giao mặt nước NTTS khoảng 650 ha sau khi có quy hoạch.

Theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, so với năm 2019 tại vịnh Vũng Rô hiện số lồng NTTS tăng 2,3 lần. Còn tại vịnh Xuân Đài và đầm Cù Mông, số lồng NTTS hiện nay không giảm so với năm 2019 mà còn phát sinh thêm 1.800 bè nuôi hàu, vẹm. Các địa phương đã triển khai thực hiện việc thống kê, đánh giá hiện trạng, số lượng lồng, bè NTTS trên các đầm, vịnh, thế nhưng vẫn còn thiếu một số nội dung chưa thống kê như loại vật liệu làm lồng, bè. Ở huyện Tuy An và thị xã Sôg Cầu chưa thực hiện việc phân theo các nhóm để có phương án, giải pháp xử lý.

Cần tháo gỡ vướng mắc

Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Đông Hòa, công tác giải tỏa lồng, bè NTTS ở Vũng Rô gặp nhiều khó khăn, vì tồn tại đã hàng chục năm. Trong khi các chủ bè chưa tự giác di dời mặc dù địa phương đã tổ chức ký cam kết, lập biên bản và xử lý vi phạm hành chính. Đặc biệt việc tổ chức cưỡng chế giải tỏa, khó khăn nhất hiện là việc xử lý tài sản tôm, cá sống. Vì địa phương chưa có nơi và các điều kiện để lưu giữ tôm, cá theo quy định. Do đó, trước mắt địa phương đang nỗ lực không để phát sinh thêm lồng bè.

Tỉnh Phú Yên cần chủ trì cuộc họp để tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương. Ảnh: KS.

Tỉnh Phú Yên cần chủ trì cuộc họp để tháo gỡ vướng mắc cho các địa phương. Ảnh: KS.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy An, địa phương đang sắp xếp vùng NTTS khu vực Hòn Yến, với diện tích khoảng 20ha, vùng nuôi dịch chuyển về phía đông nam Hòn Yến có độ sâu trên 6m, cách bờ khoảng 400m và cách khu vực bảo tồn rạn san hô tối thiểu 200m. Tuy nhiên, chưa thống nhất vì lý do vị trí đề xuất nằm trong quy hoạch không gian biển quốc gia về lĩnh vực quốc phòng trên địa bàn tỉnh, huyện đã có văn bản xin ý kiến của UBND tỉnh.

Còn thị xã Sông Cầu kiến nghị Sở NN-PTNT đẩy nhanh tiến độ lập, trình phê duyệt Đề án tổng thể phát triển ngành NTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, sớm tham mưu UBND tỉnh có văn bản đề nghị Chính phủ, Bộ ngành liên quan có ý kiến về các quy hoạch khác với quy hoạch vùng phát triển NTTS ở vịnh Xuân Đài để địa phương có cơ sở giao khu vực biển cho hộ NTTS, cấp mã số cơ sở nuôi, cũng như thực hiện việc truy xuất nguồn gốc, xuất khẩu tôm hùm chính ngạch.

Trước những vướng mắc, đề xuất các địa phương, ông Nguyễn Tri Phương cho rằng, UBND tỉnh cần chủ trì tổ chức cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương về vùng nuôi, diện tích nuôi, phương án giải tỏa, sắp xếp lại lồng bè, ao đìa NTTS, nhất là tại các đầm, vịnh. Đồng thời, UBND tỉnh cần chỉ đạo làm rõ trách nhiệm quản lý thiếu chặt chẽ để gia tăng trái phép số hộ, số lồng, bè NTTS trên các đầm, vịnh.

 Đối với kiến nghị của thị xã Sông Cầu, ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT Phú Yên cho biết: Về xây dựng Đề án tổng thể phát triển ngành NTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đến nay cơ bản hoàn thành một số nội dung lập đề án. Sở đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các nội dung còn lại, dự kiến trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trong quý II/2024.

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.