Theo Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Yên, vụ đông xuân 2022 – 2023, tỉnh này đã gieo cấy hơn 26.739ha, với các giống lúa gồm ML49, ML48, ML213, Khang dân 18, ĐV108, PY1, PY2, PY8, PY10, BĐR27, QN9, ĐB6, Đài thơm 8, HT1, MT10... Đến nay, cây lúa chủ yếu trong giai đoạn làm đòng, trỗ.
Hiện một số diện tích lúa đã bị sâu bệnh gây hại. Điển hình như bệnh đạo ôn lá với tổng diện tích nhiễm 12,7ha trên lúa trong giai đoạn sinh trưởng cuối đẻ nhánh – đòng, tỷ lệ bệnh 5 – 10% lá, tập trung tại các huyện Đồng Xuân (10ha), Sơn Hoà (2,5ha) và Tuy An (0,2ha). Bọ xít đen gây hại với diện tích 0,4ha, mật độ 10 – 20 con/m2 tại TP Tuy Hòa. Bên cạnh đó, chuột gây hại 24ha, tập trung tại Thị xã Đông Hòa, huyện Tuy An và TP Tuy Hòa.
Ngoài ra, còn có một số đối tượng sinh vật gây hại khác như bệnh bạc lá, bệnh đen lép hạt, bệnh khô vằn, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng… gây hại rải rác dưới mức nhiễm tại các địa phương.
Đối với cây ngô, hiện diện tích gây hại 7,8ha, với mật độ từ 2 - 6 con/m2 trong giai đoạn ngô sinh trưởng 3 đến 7 lá – hạt sữa tại các huyện Phú Hòa, Sông Hinh, Tuy An và Thị xã Đông Hòa. Sâu cuốn lá gây hại trên cây lạc trong giai đoạn sinh trưởng đâm tia – quả non với diện tích 2,5ha, mật độ 10 – 20 con/m2 tại một số xã, thị trấn thuộc huyện Đồng Xuân.
Đối với cây rau, trong tuần vừa qua có một số đối tượng sinh vật gây hại như bọ nhảy, sâu ăn lá gây hại rải rác dưới mức nhiễm tại Thị xã Đông Hoà và Sông Cầu.
Theo dự báo, tình hình thời tiết thời gian tới trên địa bàn Phú Yên sẽ có mưa rải rác, nhiệt độ thấp, là điều kiện dễ phát sinh các đối tượng sinh vật gây hại phổ biến trên lúa như sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bệnh đạo ôn trên lá, bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh đen lép hạt, bệnh khô vằn…
Do đó, ông Nguyễn Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV Phú Yên đề nghị các trạm trồng trọt và BVTV phối hợp với phòng NN-PTNT hoặc phòng kinh tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác điều tra, theo dõi để phát hiện và phòng, chống kịp thời.
Trong đó, đối với lúa trà sớm, cần tăng cường kiểm tra, theo dõi, phát hiện kịp thời và phòng, chống các đối tượng gây hại như bọ xít đen, rầy, bệnh đạo ôn cổ bông, khô vằn, thối thân…
Đối với lúa trà chính vụ - trà muộn với tổng diện tích 24.563ha, tiếp tục tập trung chăm sóc, làm cỏ, bón phân cân đối và hợp lý… Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, theo dõi, phát hiện kịp thời và phòng, chống các đối tượng gây hại như chuột, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, rầy, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn, thối thân...
Tương tự, đối với cây rau, với thời tiết có mưa rào một vài nơi cũng là điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sinh vật gây hại như bệnh bệnh thối nhũn, bệnh héo xanh, bệnh đốm lá… phát sinh gây hại.
Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Yên đề nghị các địa phương tăng cường khuyến cáo nông dân nên áp dụng sản xuất rau theo đúng quy trình canh tác cây rau, quy trình IPM, VietGAP, hữu cơ, sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc "4 đúng"...
Đối với cây ngô, tiếp tục áp dụng Quy trình kỹ thuật phòng, chống sâu keo mùa thu do Bộ NN-PTNT ban hành trong công văn số 218 ngày 16/01/2020. Đối với cây lạc, với những vùng có mật độ sâu cuốn lá cao, nông dân cần áp dụng các biện pháp quản lý tổng hợp, nhất là giai đoạn sâu mới nở tuổi 1 - 2.
Biện pháp phòng trừ bệnh đạo ổn trên lúa
Ông Nguyễn Văn Minh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Yên cho biết, bệnh đạo ôn do nấm Pyricularia oryzae gây ra, đây là đối tượng bệnh thường gây hại nặng trên lúa đông xuân. Để hạn chế bệnh đạo ôn phát sinh gây hại trên lá, cổ bông làm ảnh hưởng đến năng suất, các địa phương cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, sớm phát hiện bệnh đạo ôn gây hại lúa và tổ chức phun thuốc phòng trừ kịp thời, không để bệnh gây hại và lây lan.
Cùng với đó, cần tích cực chăm sóc, làm cỏ, bón cân đối N, P, K giúp hạn chế bệnh. Khi bệnh phát sinh gây hại, cần giữ nước trong ruộng, khoanh vùng những ruộng có tỷ lệ bệnh cao; huy động lực lượng phun trừ theo nguyên tắc "4 đúng" (đúng lúc, đúng thuốc, đúng cách, đúng liều lượng) bằng các loại thuốc đặc hiệu như hoạt chất Isoprothiolane (Fuan 40EC, Fuji-one 40EC); hoạt chất Fenoxanil + Isoprothiolane (Ninja 35EC); hoạt chất Tricyclazole (NewBem 750WP); hoạt chất Propiconazole + Tricyclazole (Filia 525 SE); hoạt chất Hexaconazole + Tricycyclazole (Newtec 300SC).