| Hotline: 0983.970.780

Hơn 800ha lúa ở Thừa Thiên - Huế bị nhiễm đạo ôn

Thứ Năm 02/03/2023 , 11:02 (GMT+7)

Từ nay đến giữa tháng 3/2022, còn có khả năng xẩy ra mưa rét, là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá phát sinh, phát triển, có khả năng gây hại nặng...

z4147710487121_bf5f1c4976bf4d87eb6e3d2ccd86e844

Nông dân tỉnh Thừa Thiên – Huế phun thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ sâu bệnh. Ảnh: CĐ.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thừa Thiên – Huế, do ảnh hưởng của thời tiết cũng như cách chăm sóc lúa chưa đúng kỹ thuật của nông dân, đã tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát triển.

Theo thống kế của đơn vị, đến ngày 1/3, đã có hơn 800ha lúa đông xuân niên vụ 2022 – 2023 bị nhiễm bệnh đạo ôn với tỷ lệ nhiễm từ 5 - 10%, cục bộ có nơi tỷ lệ nhiễm lên đến 30 - 50%. Trong đó, diện tích nhiễm nặng khoảng 15ha xảy ra tại xã Phú Hồ, huyện Phú Vang.

Các giống lúa bị nhiễm bệnh đạo ôn đợt này chủ yếu là Nếp, X21, Xi23, JO2…

Cũng theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thừa Thiên – Huế, nguyên nhân xảy ra nhiều diện tích lúa nhiễm bệnh đạo ôn là do ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh và không khí lạnh tăng cường gây mưa rét, nhiệt độ thấp, xen kẽ là những ngày âm u, nắng nhẹ, sáng sớm và chiều tối nhiều sương mù.

Đồng thời, do nhiều nông dân không tuân thủ kỹ thuật chăm sóc lúa, bón phân thúc giai đoạn đẻ nhánh chưa cân đối, bón thừa đạm tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá phát triển gây hại.

Trước tình hình đó, để quản lý tốt, phòng trừ bệnh đạo ôn lá kịp thời, hiệu quả, hạn chế bệnh lây lan trên diện rộng và gây hại nặng, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thừa Thiên - Huế đề nghị các địa phương, đơn vị chức năng tập trung bố trí cán bộ kỹ thuật theo dõi diễn biến thời tiết, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đồng ruộng.

Đồng thời, điều tra phát hiện sớm bệnh đạo ôn lá phát sinh gây hại, đặc biệt trên các giống nhiễm như X21, Xi23, BT7, JO2, Nếp… và hướng dẫn nông dân biện pháp quản lý và phòng trừ bệnh đạo ôn lá kịp thời, hiệu quả. Ngoài ra, cần tiếp tục theo diễn biến thời tiết và các đối tượng sinh vật hại khác để có biện pháp quản lý và phòng trừ kịp thời.

z4147710478046_f9c7917b456598d8916f8e6394f113cc

Đến nay, đã có hơn 800ha lúa đông xuân tại tỉnh Thừa Thiên - Huế nhiễm bệnh đạo ôn. Ảnh: CĐ.

Để tuân thủ biện pháp kỹ thuật phòng bệnh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thừa Thiên – Huế khuyến cáo nông dân tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không bón phân cho cây lúa khi nhiệt độ dưới 18 độ C.

Chỉ phun phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại khi thời tiết tạnh ráo, phun đảm bảo lượng nước thuốc trên đơn vị diện tích và đảm bảo theo nguyên tắc “4 đúng”.

Cần giữ nước trong ruộng, không để ruộng khô. Phun vào buổi sáng khi đã ráo sương hoặc chiều mát. Không được hỗn hợp với các loại phân bón lá khi phun trừ bệnh. 

Vụ đông xuân 2022 - 2023, toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế gieo cấy khoảng 28.075ha. Hiện nay, diện tích lúa đại trà đang giai đoạn đẻ nhánh - đứng cái. Trước đó, nông dân địa phương này liên tục gánh chịu 2 đợt mưa lớn kéo dài khiến hàng ngàn ha lúa đông xuân bị ngập úng, phải gieo cấy lại.

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Thừa Thiên - Huế, từ nay đến giữa tháng 3/2022, địa phương còn chịu ảnh hưởng 2 - 3 đợt không khí lạnh và không khí lạnh tăng cường gây mưa rét. Đây là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá phát sinh, phát triển, có khả năng gây hại nặng, đặc biệt trên các giống nhiễm như X21, Xi23, BT7, JO2, Nếp… nếu không phát hiện và phun phòng trừ kịp thời.

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.