Tăng cường kiểm tra đồng ruộng
Hiện nay nhiều diện tích lúa đông xuân 2022-2023 trên địa bàn tỉnh Phú Yên trong giai đoạn sinh trưởng mạ - đẻ nhánh.
Theo Đài Khí tượng thủy văn Phú Yên dự báo thời tiết trong thời gian tới diễn biến bất thuận cho sản xuất nông nghiệp, khả năng có 3 – 5 đợt không khí lạnh và mưa lớn xuất hiện, đồng thời gió mùa Đông Bắc tăng cường hoạt động, gây mưa rải rác các nơi.
Điều này làm tăng khả năng phát sinh phát triển của sinh vật gây hại cho cây trồng, nhất là trên cây lúa, trong vụ đông xuân.
Trước tình hình trên, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên đề nghị Trạm Trồng trọt và BVTV phối hợp phòng NN-PTNT hoặc phòng Kinh tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường chỉ đạo các địa phương và các Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thực hiện công tác theo dõi và phòng, chống đối tượng sinh vật gây hại chính trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão.
Cụ thể, các địa phương cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng để sớm phát hiện một số đối tượng sinh vật gây hại có khả năng phát sinh và gây hại cây lúa như: bệnh đạo ôn gây hại lá, bệnh đạo ôn gây hại cổ bông, rầy nâu, rầy lưng trắng, bọ xít dài, sâu cuốn lá nhỏ, ruồi đục lá, sâu đục thân, bệnh nghẹt rễ lúa, bệnh khô vằn, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen…Từ đó, tổ chức phun thuốc phòng trừ kịp thời, không để bệnh phát sinh gây hại nặng và lây lan.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tích cực chăm sóc cây lúa, làm cỏ, bón phân cân đối và theo nguyên tắc 4 đúng (đúng lúc, đúng loại, đúng liều lượng, đúng cách) để hạn chế bệnh. Cũng như hướng dẫn nông dân cách phát hiện và các biện pháp phòng trừ đối tượng sinh vật gây hại trên cây lúa. Khuyến cáo nông dân áp dụng các phương pháp quản lý đồng ruộng như: quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), 3 giảm - 3 tăng, 1 phải - 5 giảm…Hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc BVTV để tránh bộc phát các đối tượng sinh vật gây hại này về sau.
Ngoài ra, theo dõi bẫy đèn xác định thời điểm ra rộ của muỗi năn, rầy nâu, rầy lưng trắng để có biện pháp quản lý các đối tượng sinh vật gây hại này phù hợp…
Tăng cường phòng trừ sâu bệnh gây hại
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Yên, sâu năn là đối tượng sinh vật gây hại phổ biến trên đồng ruộng.
Sâu năn thường bám dính trên các khóm lúa gần mặt nước hay cỏ dại ở bờ ruộng, đặc biệt lưu trú ở những chân ruộng bón thừa đạm, sạ dày trong điều kiện nhiệt độ thấp và ẩm độ cao như ruộng ven đồi núi, ven làng, ruộng có nhiều gò đất cao. Điển hình như tại các xã Hòa Tân Tây, Hòa Thịnh, Hòa Mỹ Tây (Tây Hòa), Hòa Quang Bắc, Tây Hòa An, Hòa Định Tây (Phú Hòa)…
Do đó, các Trạm phối hợp địa phương tăng cường công tác kiểm tra sâu năn, đặc biệt trên trà lúa muộn và chú trọng lứa muỗi ra rộ vào tháng 2/2023. Khi cây lúa hơn 30 ngày sau sạ phải tăng cường theo dõi tình hình thiên địch (ong ký sinh), nếu xuất hiện nhiều thì không nên sử dụng thuốc BVTV để tránh hiện tượng bộc phát đối tượng sinh vật gây hại này.
Đối với bệnh đạo ôn do nấm Pyricularia oryzae gây ra là đối tượng sinh vật gây hại nguy hiểm làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng hạt lúa. Nấm gây bệnh có thể tấn công trên lá, thân, cổ bông, cổ gié hoặc hạt lúa. Khi bệnh đạo ôn diễn biến nặng, nhiều vết bệnh liên kết với nhau làm cho toàn lá bị "cháy". Nguy hiểm nhất là khi nấm tấn công trên cổ bông và cổ gié, làm cho toàn bộ bông hoặc gié bị khô và gãy, làm giảm năng suất lúa.
Hiện lúa đông xuân trà chính vụ trên địa bàn tỉnh Phú Yên đang giai đoạn đẻ nhánh. Trong thời gian sắp tới từ giữa tháng 1 đến tháng 2 với điều kiện thời tiết âm u, sáng sớm có sương mù rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn gây hại trên lá dễ phát sinh và phát triển.
Tương tự, với điều kiện thời tiết vụ đông xuân có mưa rải rác, ẩm độ cao rất phù hợp cho quá trình sinh trưởng và phát sinh gây hại của rầy nâu. Mật độ rầy nâu có thể tăng đột ngột trong thời gian ngắn, mật độ rầy cánh ngắn cao báo trước nguy cơ “cháy rầy”. Rầy nâu có thể gây hại trong suốt quá trình sinh trưởng của cây lúa, giai đoạn mẫn cảm nhất của cây lúa với rầy nâu là giai đoạn đòng – trỗ, chú ý hiện tuợng “cháy rầy” thường xảy ra trong giai đoạn này.
Đối với đối tượng sinh vật gây hại khác thường xuất hiện trên cây lúa vụ đông xuân như: chuột, ốc bươu vàng, bọ trĩ, sâu keo, sâu cuốn lá, bệnh khô vằn, thối bẹ, thối thân, đốm sọc vi khuẩn, nghẹt rễ sinh lý… Các địa phương cần tăng cường công tác điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo và chỉ đạo phòng trừ khi mật độ sâu, tỷ lệ bệnh đến ngưỡng gây hại kinh tế.