Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, trước khi xảy ra dịch tả lợn Châu Phi, số lượng xuất chuồng năm 2018 là 49 triệu con, tương đương 3,82 triệu tấn thịt lợn hơi. Trong năm 2019, giảm còn 38 triệu con, với sản lượng gần 3,3 triệu tấn thịt lợn hơi.
Sau thời kỳ đỉnh dịch tháng 6-7/2019, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp tái đàn, chú trọng vào an toàn sinh học.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng chỉ đạo các đơn vị trong Bộ tái cơ cấu chăn nuôi để bù đắp vào thiếu hụt thịt lợn, vừa đáp ứng nhu cầu trong nước vừa hỗ trợ xuất khẩu.
Đến tháng 3/2020, cả nước có 9 tỉnh, thành phố có đàn lợn lớn hơn trước dịch, 24 tỉnh có tổng đàn đạt khoảng 80% so với trước khi xảy ra dịch.
Sang tháng 4/2020, theo báo cáo của các địa phương, tổng đàn lợn cả nước đạt gần 24,9 triệu con, tương đương hơn 80% so với trước khi có Dịch tả lợn Châu Phi.
Trong 15 doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn, chiếm khoảng 35% đàn lợn thương phẩm đang có tốc độ tái đàn rất lớn, đạt trên 17%.
Theo các địa phương, tính đến tháng 4/2020, tổng đàn nái của cả nước là gần 2,86 triệu con, tăng gần 5% so với 31/12/2019, đạt 98% so với kế hoạch quý II của năm 2020, trong đó có 115 nghìn con cụ kỵ và ông bà.
Cùng với đàn nái, tháng 4/2020, cả nước có hơn 64.000 lợn đực giống, đủ để sản xuất tinh và phối giống cho tổng đàn nái.
Với số lượng đã bù đắp kịp thời và tăng trưởng 0,5%/tháng như hiện nay, tổng đàn lợn nái cụ kỵ và ông bà năm 2020 sẽ đạt khoảng 126 nghìn con.
Về giá thịt lợn (hơi), từ 1-3/2019, giá lợn chỉ từ 45.000-47.000 đồng/kg, sau đó, từ tháng 4-7/2019 giảm xuống 35.000 đồng/kg, có lúc xuống dưới 30.000 đồng/kg.
Do ảnh hưởng của Dịch tả lợn Châu Phi, nguồn cung giảm, mất cân đối cung - cầu nên thịt lợn tăng giá, từ 42.000 lên đến 90.000 đồng/kg vào tháng 8-12/2019.
Đầu năm 2020 đến nay, giá giảm từ 90.000 xuống 73.000 đồng/kg rồi tăng lên và duy trì ở mức trên dưới 80.000 đồng/kg lợn hơi.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, điều này là do giá lợn xuất chuồng đến tay người tiêu dùng phải qua 2-5 khâu trung gian, làm tăng khoảng 43% giá.
Bên cạnh đó, mới chỉ các doanh nghiệp lớn cam kết hạ giá xuất chuồng, còn các doanh nghiệp nhỏ, trang trại và hộ gia đình không đồng bộ xuống giá nên vẫn còn sự chênh lệch, chưa đủ sức kéo giá lợn xuống dưới 70.000 đồng/kg.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn không xuất hoặc hạn chế xuất lợn thịt, thiếu nguồn cung, đẩy giá lợn lên cao.
Khó khăn trong tái đàn
Hiện nay, một số địa phương đã qua 30 ngày không có dịch nhưng chậm công bố, thông báo hết dịch, mặt khác cũng không ít nơi chưa quyết tâm trong chỉ đạo, hướng dẫn tái đàn, tăng đàn vì e ngại tái phát dịch.
Ngoài ra, một số địa phương chậm thanh toán tiền hỗ trợ Dịch tả lợn Châu Phi cho người dân nên người chăn nuôi chưa có tiền để duy trì sản xuất.
Đầu năm 2020, vấn đề con giống cũng bị ảnh hưởng nguồn cung. Dự kiện, đến quý III, IV của năm 2020 mới có thể đảm bảo cơ bản nhu cầu lợn giống và lợn thương phẩm.
Để tái đàn và tăng đàn, Thứ trưởng Tiến cho rằng, cần kiểm soát tốt dịch bệnh, kịp thời công bố hết dịch để tạo điều kiện cho người chăn nuôi tiếp tục sản xuất.
Các địa phương cần tạo môi trường thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư như ở Bình Phước đã đạt 149% so với tổng đàn trước Dịch tả lợn Châu Phi, đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng các chuỗi chăn nuôi khép kín, an toàn dịch bệnh.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác sản xuất, chủ động cung ứng giống sản xuất tại các địa phương. Tăng cường công tác hướng dẫn kỹ thuật cho các cơ sở chăn nuôi, có giải pháp phòng chống, không để dịch bệnh xâm nhiễm vào cơ sở chăn nuôi và dùng nguyên liệu có sẵn ở địa phương làm thức ăn để giảm giá thành.