| Hotline: 0983.970.780

Tái đàn lợn ở bắc Tây Nguyên: Gặp khó vì giá lợn giống cao

Thứ Tư 01/04/2020 , 10:17 (GMT+7)

Sau dịch, giá lợn giống đột ngột tăng cao. Cộng thêm rào cản tâm lý, sợ tái đàn đến khi xuất chuồng giá lợn thịt hạ xuống...

Người dân dè dặt khi tái đàn lợn.

Người dân dè dặt khi tái đàn lợn.

Gia Lai: Dân ngại tái đàn

Sau dịch tả lợn châu Phi, giá lợn giống trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên bỗng tăng đột biến. Thậm chí nhiều nơi còn không có lợn giống để bán.

Bên cạnh đó, giá lợn thịt hiện đang ở mức cao, tuy nhiên người chăn nuôi vẫn lo sau 3,5- 4 tháng nuôi, đến khi xuất chuồng, liệu giá lợn thịt có còn cao? Theo đó, việc tái đàn sau dịch ở Gia Lai đang gặp không ít khó khăn.

Hộ ông Nguyễn Văn Thuần (thôn Kế Tân, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) trước đây thường xuyên duy trì đàn lợn thịt từ 20- 30 con. Sau đợt dịch tả lợn châu Phi vừa qua, giá lợn giống bỗng tăng vọt, khiến ông đang rất phân vân trong việc tái đàn.

“Giá lợn giống khoảng 2 triệu đồng mỗi con, trong khi các chủ lợn giống chỉ bán nguyên đàn nên những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ rất khó mua.

Tuy đang khó khăn, nhưng tôi vẫn phải mua mười con giống để tái đàn. Nếu không nuôi thì chuồng trại bỏ không mà không biết làm gì ra tiền, mà nuôi đến khi xuất chuồng, liệu giá lợn thịt có giữ được như bây giờ?”, ông Thuần chia sẻ.

Ở phường Yên Thế (TP Pleiku), ông Nguyễn Xuân Vỵ không có nỗi lo như ông Thuần, bởi ông Vỵ chủ động được khâu lợn giống. Với 5 nái đẻ thường xuyên, ông luôn để lại 2 bầy làm giống nuôi cho mình, còn lại bán cho những hộ chăn nuôi khác.

Chi cục Chăn nuôi- Thú y tỉnh Gia Lai cho biết, tỉnh hiện có tổng đàn lợn khoảng trên 330.000; khoảng 100 trang trạng chăn nuôi tập trung với qui mô từ 500 con đến 4.800 con.

Ông Dương Ngọc Thanh, Phó Chi cục trưởng cho biết, giá lợn giống hiện tại giao động từ 240.000- 270.000/kg đối với con giống 10 kg. Nguồn cung cấp giống gồm Trung tâm Giống gia súc tỉnh, các trại giống của C.P và từ các hộ chăn nuôi… nhưng vẫn không đủ đáp ứng cho việc tái đàn.

Cũng theo ông Thanh, đối với các trang trại chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn sinh học, ngay trong thời gian còn dịch họ vẫn chủ động tái đàn.

Từ tháng 4/2019 đến nay, chưa có trang trại nào bị dịch tả lợn châu Phi, do các trang trại đều thực hiện nghiêm các quy định về chăn nuôi tập trung.

Kon Tum: Con giống thiếu!

Theo kết quả rà soát, tổng hợp về tình hình nuôi lợn trên địa bàn tỉnh, nhìn chung tác động của dịch bệnh Covid-19 không ảnh hưởng nhiều. Nguyên nhân là do thời gian qua các hộ, chủ trang trại nuôi lợn đã chủ động chọn thị trường, tìm đầu ra nên việc ứ đọng là rất ít.

Trong khi đó, dịch tả lợn châu Phi chỉ phát sinh tại một vài hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và đã được khống chế, dập tắt kịp thời.

Theo đó, tổng đàn lợn của Gia Lai vẫn tiếp tục ổn định. Đến thời điểm hiện tại, tổng đàn lợn có 123.568 con,tăng 4,2% so với năm 2019. Trong đó có 19 trang trại chăn nuôi tập trung.

Theo Chi cục Thú y tỉnh, chăn nuôi lợn chủ yếu theo hình thức nhỏ lẻ và được tiêu thụ phần lớn tại địa phương.

Trong đó, số lượng lợn thịt xuất chuồng bình quân hàng tháng khoảng 7.500 con, chưa kể lượng lợn thịt nhập vào địa bàn khoảng 1.000 con, trọng lượng trung bình 110kg/con, bình quân tiêu thụ khoảng 935.000 kg/tháng. Như vậy, mỗi người dân tiêu thụ khoảng 1,73 kg/ tháng.

Ông Đoàn Văn Quyết, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Kon Tum cho biết, việc tái cơ cấu ngành chăn nuôi, trong đó tái đàn lợn đang được tỉnh đặc biệt chú trọng.

Kon Tum thường xuyên kiểm tra việc triển khai kế hoạch tái đàn lợn tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi, gồm TP Kon Tum, các huyện Sa Thầy, Ngọc Hồi, Đăk Tô, Đăk Hà...

Về cơ bản, các chủ trang trại, hộ chăn nuôi vẫn triển khai tái đàn lợn theo đúng quy định.

Tuy nhiên việc tái đàn gặp phải trở ngại khi giá lợn giống quá cao. Hiện tại, giá lợn giống tại Kon Tum khoảng 230.000 đồng/kg, gần gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2019.

“Đối với các công ty, trang trại lớn chủ động được con giống thì không gặp trở ngại gì. Tuy nhiên, đối với những nông hộ nhỏ lẻ thì giá con giống cao thực sự đang khiến người dân dè dặt.

Chúng tôi vẫn khuyên các hộ gia đình nếu có điều kiện mua con giống với giá vừa phải và áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, mới nên tái đàn”, ông Quyết chia sẻ.

Ông Cao Nguyên Khanh, Giám đốc Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh Gia Lai: “Thực tế hiện nay, giá lợn thịt và lợn giống trên thị trường tăng cao, nhất là lợn giống siêu nạc giá khoảng 2 triệu đồng mỗi con, tuy nhiên vẫn khan hiếm. Tại trung tâm, với 200 con lợn nái sinh sản và 35 con lợn đực giống, mỗi tháng cung ứng từ 300- 400 con giống kèm tinh dịch, đáp ứng một phần cho việc tái đàn. Trung tâm đang nỗ lực sản xuất để cung cấp lợn giống cho người chăn nuôi, đảm bảo chất lượng, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi lợn phát triển trở lại sau dịch bệnh”.

Xem thêm
Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.