Từng thất bại
Vùng đất xã Kiến Quốc trước đây từng nổi tiếng về trồng dưa. Do đặc điểm đất đai, thổ nhưỡng của vùng đất 'lợ' nên dưa trồng ở đây sẽ có ngọt đậm, được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, theo thời gian, việc trồng dưa dần bị mai một do hiệu quả kinh tế ngày càng kém đi, thay vì trồng dưa, người dân chuyển sang canh tác loại cây trồng khác, nuôi thủy sản hoặc thay đổi nghề.
Nhớ lại thuở ban đầu, anh Hưng cho biết, khu đất này hơn 6ha, sau khi gia đình tôi thầu lại đã phải bỏ rất nhiều công sức để cải tạo rồi thiết kế các khu để nuôi, trồng, một phần đầm để khai thác tôm cá tự nhiên. Nhưng hiệu quả kinh tế thấp do côn trùng, sâu bệnh, thời tiết thất thường.
Qua tìm hiểu từ các kênh thông tin và từ trên mạng internet, phát hiện một số giống dưa chất lượng cao phù hợp để trồng tại địa phương như: dưa lưới Nhật Bản, dưa lê siêu ngọt Đài Loan và dưa chuột Israel, anh Hưng muốn thử nghiệm ngay nhưng bài toán đặt ra là để có hiệu quả kinh tế cao thì không thể trồng bằng phương pháp thông thường như người dân địa phương vẫn làm lâu nay mà phải đầu tư nhà kính và trang thiết bị kĩ thuật.
“Năm 2015, tôi đưa dưa lê siêu ngọt về trồng thử rồi mới tính tiếp, lúc đó tôi chỉ trồng ngoài trời và sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt của Israel và bất ngờ là hiệu quả rất cao, trồng trong diện tích 6.000m2 nhưng thu được khoảng 4 tấn. Trên đà thành công, tôi quyết tâm đầu tư nhà kính và trồng thêm 2 loại dưa khác. Năm 2016, 1 khu nhà kính được thiết kế đơn giản với diện tích 4.000m2 được hoàn thiện với tổng kinh phí gần 400 triệu đồng đã hoàn thành và được đưa vào để phục vụ việc trồng dưa. Nhưng không may, sau khi làm xong và đang trồng lứa đầu tiên thì có bão, hệ thống nhà kính bị hỏng sạch” – anh Hưng nhớ lại.
Từ thất bại này cùng với sự phát triển bùng nổ của công nghiệp, dịch vụ tại Hải Phòng, nhiều người đã khuyên anh Hưng nên làm nghề khác, không nên tiếp tục trồng dưa. Nhưng anh đã không từ bỏ mà tiếp tục mày mò học hỏi các hệ thống nhà kính có thể hạn chế thiệt hại do bão, gió… và cuối cùng đã thành công.
Thu quả ngọt
Sau khi nghiên cứu thành công mô hình nhà kính có thể hạn chế ảnh hưởng của bão, gió, năm 2018, anh Hưng xây dựng 1 nhà kính, năm 2019, nhân thêm 3 hệ thống nhà kính với tổng kinh phí hơn 800 triệu đồng.
Trước khi trồng dưa, đất được xử lí kĩ càng, lên luống, bón vôi, phân chuồng, trải nilon trên luống và bạt phủ kín dưới rãnh luống để không bị thất thoát nước đồng thời ngăn cỏ dại mọc. Để giảm chi phí tối đa cho vụ dưa anh đã phải mua hạt về tự ươm thành cây rồi mới đem trồng.
Lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt công nghệ Isreal, nước được tưới nhỏ giọt đến từng gốc cây. Còn phân bón được hòa vào nước rồi theo hệ thống tưới nhỏ giọt cung cấp dinh dưỡng cho cây, giúp dưa phát triển đều, cho quả to. Kết quả, anh Hưng liên tiếp thu được thắng lợi, với năng suất cao. Như giống dưa lưới Nhật Bản, với 1.000m2, anh thu hoạch được khoảng 3 tấn dưa, thu về từ 140-160 triệu đồng/3 tháng.
“Mô hình nhà kính này có ưu điểm là chống được mưa nắng, sâu bệnh, điều chỉnh tốt lượng nước tưới, cho chất lượng quả đồng đều, hiệu quả kinh tế trên 1 đơn vị diện tích đạt cao hơn so với ngoài trời. Trồng dưa trong nhà kính ổn định, không phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Hiện tại, tôi có hơn 2.000m2 nhà kính, chia làm 4 nhà, mỗi năm trồng được 3 vụ, tổng thu khoảng 500 triệu đồng và thường không đủ để bán. Đến bây giờ mô hình, kinh nghiệm các thứ thành công hết rồi, giờ chỉ xây dựng quy trình cơ bản thật bài bản để phát triển” – anh Hưng chia sẻ.
Theo lãnh đạo xã Kiến Quốc, với những thành công bước đầu đó, ngoài góp phần cải thiện kinh tế gia đình, anh Nguyễn Sĩ Hưng còn góp phần làm thay đổi nhận thức của nhiều người làm nông nghiệp tại địa phương, đồng thời cũng phần nào khơi lại tiềm năng nông nghiệp của địa phương.
Ông Đào Văn Lanh – Phó Chủ tịch UBND xã Kiến Quốc cho hay: "Đây là mô hình của hộ gia đình, thầu diện tích quỹ đất đai của địa phương ngoài đê, ở đó có 1 mùa nước mặn, 1 mùa nước ngọt. Mô hình này sản xuất hiệu quả, có giá trị kinh tế cao được các đơn vị thu mua luôn tại chỗ, giá cao. Nếu như ngoài chợ bán chỉ 15 nghìn đồng/1 kg thì anh Hưng bán đến gấp rưỡi mà vẫn có nhiều người mua, thường thì dưa không đủ để bán. Xã chúng tôi là xã thuần nông, sự thành công này cũng là một trong những nhân tố tích cực để những hộ dân khác học tập”.