| Hotline: 0983.970.780

Trồng dưa lưới thu lãi cao

Thứ Tư 10/06/2020 , 13:10 (GMT+7)

Ngoài việc chăn nuôi, đồng áng, bà con nông dân còn xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế vườn đồi.

Chị Phan Thị Sen bảo vườn dưa lưới 1.000m2 của nhà chị sẽ cho thu lãi 95 triệu đồng/ vụ trồng. Ảnh: Hồ Quang.

Chị Phan Thị Sen bảo vườn dưa lưới 1.000m2 của nhà chị sẽ cho thu lãi 95 triệu đồng/ vụ trồng. Ảnh: Hồ Quang.

Trong đó việc trồng dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGAP được mọi nhà muốn đầu tư áp dụng, bởi nguồn lợi thu về rất lớn.

Ông Lê Viết Xường, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn, Nghệ An) say sưa kể chuyện về những hộ gia đình làm kinh tế giỏi. Đoạn ông gọi thêm một cán bộ xã đi cùng, dẫn chúng tôi đến thăm một trang trại điển hình. Đó là trang trại sản xuất, chăn nuôi tổng hợp Thêm Sen.

Thấy khách vào thăm, người phụ nữ đon đả mời nước chúng tôi rồi giới thiệu: "Em tên là Phan Thị Sen còn chồng là Trần Văn Thêm. Bởi vậy trang trại này mang tên Thêm Sen. Nhà em trước đây ở ngoài trung tâm, nhưng đã bán đi để đầu tư làm trang trại.

Trang trại này diện tích chỉ có 1,7 ha, trước đây là đồi hoang, đất cằn sỏi đá, đến nay xung quanh người ta cũng chỉ biết trồng cây keo, hoặc bạch đàn.

Nhưng nhà em thì đổ vốn vào đây cải tạo đất rồi làm đủ thứ, từ chăn nuôi gà, đào ao thả cá, đến xây dựng các mô hình sản xuất cây ăn quả chất lượng cao. Trong đó có cây dưa lưới là đạt hiệu quả kinh tế cao nhất".

Lúc đầu nghe báo đài và người ta nói nhiều về hiệu ích kinh tế thu được từ việc trồng dưa lưới theo tiêu chuẩn VietGAP là rất cao, nên chị Sen đã đi nhiều nơi để học hỏi. Đến xã Nghĩa An, thật may mắn cho chị vì đã tận mắt xem được mô hình trồng dưa lưới của anh Võ Mạnh Hậu.

Anh Hậu say sưa kể cho chị Sen nghe về quy trình làm đất đến xây dựng nhà màng, rồi công việc thả giống và chăm sóc theo chế độ đặc biệt. Còn việc tiêu thụ thì khỏi phải bàn, vì đây là giống quả siêu sạch nên thị trường rất ưa chuộng.

Đến bên vườn dưa, chị Sen bảo: Đây là khu nhà lưới có diện tích 1.000m2 được anh Hậu hướng dẫn cho nhân công làm. Kể cả hệ thống tưới phun tự động theo công nghệ của nước ngoài đã ngốn hết 300 triệu đồng.

Nhà lưới được kết cấu vững vàng, xung quanh và phía trên đều được gắn kết bởi các màng lưới chuyên dụng để chống côn trùng, ruồi muỗi xâm nhập. Đây cũng là điều kiện để cây trồng được bảo đảm an toàn sạch sẽ và tuyệt đối không sử dụng thuốc BVTV cũng như các chất kích thích khác.

Thi công xong nhà lưới, đầu tháng 3/2020 chị Sen tiến hành ươm 2.500 gốc dưa. Chi phí kỹ thuật cho tất cả các công đoạn kể từ khi thi công nhà lưới, hệ thống tưới, làm đất, thả giống, chăm sóc, thụ phấn đến thu hoạch hết 7 triệu đồng.

Việc chăm sóc dưa lưới đòi hỏi phải thực hành đúng kỹ thuật, như phương thức pha trộn phân vào hệ thống tưới, cách phát hiện khi nào thì đất và cây thiếu độ ẩm. Lúc cây đã ra hoa thì phải thụ phấn bằng tay, bởi trong nhà lưới này thì không thể có ong bướm bay vào để làm thay cho con người được.

Khi cây đậu quả thì phải quan sát tuyển chọn kỹ càng để mỗi gốc cây chỉ để lại đúng 1 quả. Thế cho nên dưa trong nhà lưới quả nào cũng mập ú căng tràn chất dinh dưỡng.

Số còn lại khi chúng mới đậu quả bằng quả trứng cút, trứng gà là phải hái đi, loại này cũng rất ngon, người ta có thể ăn ngay tại vườn.

Tuy nhiên vì đây là đặc sản đặc biệt nên nhà chị không bán mà chỉ dùng để biếu, tặng làm quà cho người thân ăn sống, hoặc xào và nấu canh.

Chủ tịch xã Nghĩa Khánh ông Lê Viết Xường bảo: Sắp tới chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình trồng dưa lưới như thế này để khuyến khích những gia đình có điều kiện cùng nhau thực hiện. Ảnh: Hồ Quang.

Chủ tịch xã Nghĩa Khánh ông Lê Viết Xường bảo: Sắp tới chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình trồng dưa lưới như thế này để khuyến khích những gia đình có điều kiện cùng nhau thực hiện. Ảnh: Hồ Quang.

Hiện vườn dưa lưới của nhà chị Sen có 2.500 quả, tuy chưa thu hoạch nhưng chị bảo đã có các thương lái từ TP Vinh và Hà Nội vào đây xem xét và đặt cọc đăng ký mua toàn bộ để nhập sỉ cho các siêu thị với giá 35.000 đ/kg. Năm ngoái giá 45.000 đ/kg.

“Vườn dưa lưới nhà em chi phí giống và phân hết 30 triệu, tiền công 10 triệu, tiền công kỹ thuật 7 triệu, điện nước hết 3 triệu, tổng hết 50 triệu. Trong khi đó khi thu hoạch, mỗi quả khiêm tốn chỉ tính 2 kg và giá 35.000 đồng/kg, thì 2.500 quả sẽ thu được 175 triệu đồng. Trừ chi phí, kể cả khấu hao nhà lưới 30 triệu đồng/vụ, thi mỗi vụ dưa lưới 1.000 m2 trồng hơn 3 tháng, nhà em sẽ thu lãi 95 triệu đồng”, chị Phan Thị Sen chia sẻ.

Xem thêm
Ứng dụng ruồi lính đen trong chăn nuôi: [Bài 1] Tạo nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn bền vững

Ruồi lính đen không chỉ mở ra cho ngành chăn nuôi nhiều cơ hội về nguồn thức ăn ổn định, mà còn giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tận dụng nguồn phế phụ phẩm.

Tăng tốc giải ngân hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do dịch bệnh

Hơn 46 tỷ là số tiền Hà Tĩnh cấp cho các địa phương để hỗ trợ người chăn nuôi thiệt hại do bệnh viêm da nổi cục trâu, bò và dịch tả lợn Châu Phi.

Khám tổng thể sức khỏe đất: [Bài 6] Đất trồng cam ở miền Bắc càng thâm canh càng thoái hóa

TS Lương Đức Toàn, Trưởng Bộ môn Sử dụng đất thuộc Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu sức khỏe đất trồng cam ở miền Bắc cho biết như vậy.