| Hotline: 0983.970.780

Viện Khoa học trụ vững trong cơ chế thị trường

'Quân chủ lực' xây nòng cốt, tính đa dạng giữ thị phần

Thứ Năm 18/05/2023 , 06:00 (GMT+7)

Trước khó khăn chung của nền kinh tế, công tác nghiên cứu khoa học, lai tạo giống lúa giá trị kinh tế cao tại Viện Lúa ĐBSCL được dịch chuyển đa dạng, tập trung vào chất lượng.

Khu ruộng thí nghiệm, ruộng sản xuất quy mô lớn tại Viện Lúa ĐBSCL tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

Khu ruộng thí nghiệm, ruộng sản xuất quy mô lớn tại Viện Lúa ĐBSCL tại quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

Đặt nền móng phát triển nhóm giống lúa giá trị kinh tế cao

Trải qua 46 năm hình thành và phát triển, Viện Lúa ĐBSCL đã không ngừng nâng cấp, đổi mới và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, trang thiết bị để đáp ứng tốt hơn yêu cầu nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong lai tạo giống lúa theo bối cảnh cơ chế thị trường hiện nay.

Viện trưởng, TS Trần Ngọc Thạch tự hào, hiện nay Viện Lúa ĐBSCL đã có hai cơ sở, bao gồm khu nhà làm việc, nhà lưới, khu nhà cán bộ - viên chức, khu ruộng thí nghiệm, khu ruộng sản xuất với quy mô trên 360ha.

Trong giai đoạn 2018 - 2022, Viện Lúa ĐBSCL đã chọn tạo và chuyển giao vào sản xuất khoảng 44 giống lúa. Trong đó, có 16 giống lúa được công nhận chính thức hoặc công nhận cho lưu hành, 28 giống lúa được bảo hộ.

Đặc biệt, các giống lúa OM do Viện Lúa ĐBSCL lai tạo đang được trồng phổ biến trong vùng và chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu gạo xuất khẩu. Trong đó có nhiều giống lúa trở thành chủ lực trong sản xuất ở vùng ĐBSCL như OM5451, OM18 với diện tích gieo trồng hàng năm mỗi giống từ 750.000 - 850.000ha. Đây cũng được xem là 2 giống lúa đóng góp khoảng 70% lượng gạo xuất khẩu của nước ta hiện nay, đặt nền móng cho sự phát triển của nhóm giống lúa chất lượng cao được gieo trồng rộng khắp ĐBSCL.

TS Trần Ngọc Thạch cũng nhấn mạnh, công tác lai tạo giống lúa của Viện đang được điều chỉnh theo hướng đa dạng về phẩm chất gạo; cho năng suất, chất lượng cao; có giá trị kinh tế  và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Hàng năm, Viện Lúa ĐBSCL tiến hành khảo nghiệm và trình diễn các giống lúa mới với mục tiêu chọn được những giống lúa mới có đặc tính vượt trội để bổ sung vào cơ cấu sản xuất lúa của vùng. Ảnh: Kim Anh.

Hàng năm, Viện Lúa ĐBSCL tiến hành khảo nghiệm và trình diễn các giống lúa mới với mục tiêu chọn được những giống lúa mới có đặc tính vượt trội để bổ sung vào cơ cấu sản xuất lúa của vùng. Ảnh: Kim Anh.

Song song với quá trình nghiên cứu, chọn tạo và chuyển giao giống lúa vào sản xuất, Viện Lúa ĐBSCL cũng tập trung phát triển đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác lúa. Có thể kể đến là xây dựng quy trình canh tác lúa cho 4 tiểu vùng sinh thái hiện đang được áp dụng rộng rãi trong sản xuất lúa ở khu vực ĐBSCL. Ngoài ra, đứng trước xu hướng tiêu dùng chung của thế giới, Viện Lúa ĐBSCL đã xây dựng quy trình canh tác lúa theo hướng hữu cơ trong hệ thống canh tác tôm lúa vùng ven biển Tây. Xây dựng các mô hình ứng dụng máy cấy tích hợp bón phân với quy mô 10ha/tỉnh ở Sóc Trăng, Hậu Giang và TP Cần Thơ. Thông qua mô hình đã giúp bà con nông dân tiết kiệm từ 40 - 100kg lúa giống/ha, lượng phân bón cũng tiết giảm từ 20 - 30kg phân đạm/ha và giảm ít nhất 3 lần bón phân/vụ, tương đương giảm chi phí công lao động khoảng 600.000 đồng/ha.

Những biện pháp phòng trừ sinh học, thuốc trừ sâu sinh học Ometar/Biovip và chế phẩm 3M đang được Viện Lúa ĐBSCL thử nghiệm trên diện rộng qua các mùa vụ cũng chứng minh hiệu quả rất tốt trong phòng trừ rầy nâu và sâu cuốn lúa, đã được một số địa phương như Sóc Trăng, Bạc Liêu…. áp dụng.

Hàng năm, Viện Lúa ĐBSCL đã tổ chức sản xuất tại chỗ 220ha và liên kết sản xuất trên 500ha. Đồng thời phối hợp với các đơn vị trong vùng ĐBSCL cung ứng từ 50 - 60 tấn lúa giống siêu nguyên chủng, 800 - 900 tấn lúa giống nguyên chủng và 3.500 - 4.000 tấn lúa giống xác nhận cho các địa phương. Qua đó góp phần đưa tổng diện tích sản xuất lúa ở ĐBSCL sử dụng hạt giống đạt tiêu chuẩn các cấp từ dưới 10% vào năm 1999 đến nay tăng lên từ 50 - 60%.

Đẩy mạnh hợp tác, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học

Theo số liệu điều tra của Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), diện tích các giống lúa OM trong sản xuất ở vùng ĐBSCL chiếm từ 60 - 70% trong giai đoạn 2015 - 2019. Tuy nhiên, đến năm 2021 diện tích giống lúa OM trong sản xuất ở vùng ĐBSCL chỉ chiếm khoảng 48 - 50% vì có sự tham gia ngày càng nhiều của các doanh nghiệp và cá nhân trong công tác nghiên cứu, chọn tạo và công nhận giống mới, điều này đã đặt ra nhiều thách thức cho Viện Lúa ĐBSCL.

Năm 2020, Viện Lúa ĐBSCL đã tiến hành sắp xếp lại bộ phận sản xuất và kinh doanh giống lúa bằng việc sáp nhập phòng sản xuất và dịch vụ giống, xây dựng lại phương án sản xuất kinh doanh theo hướng tự chủ, nhiều hiệu quả rõ nét đã được ghi nhận.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thăm và làm việc tại Viện Lúa ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến thăm và làm việc tại Viện Lúa ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh.

Viện đã chủ động mở rộng việc ký kết hợp tác với nhiều tổ chức và cá nhân trong công tác nghiên cứu khảo nghiệm và hoàn thiện các sản phẩm như phân bón và thuốc BVTV với kinh phí từ 3 - 4 tỷ đồng/năm. Đồng thời, Viện đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ cùng với các doanh nghiệp và đơn vị trong việc lai tạo và phát triển các giống lúa có chất lượng tốt cho các địa phương.

Bên cạnh đó, Viện cũng thực hiện ký kết với nhiều đối tác là các doanh nghiệp, HTX và trung tâm giống các tỉnh trong vùng để khai thác quyền sử dụng giống lúa OM trong sản xuất và kinh doanh ở ĐBSCL. Đến nay, Viện Lúa ĐBSCL đã ký kết chuyển giao quyền sử dụng chung các giống lúa OM cho 51 đơn vị, chuyển giao quyền sở hữu 8 giống lúa và ủy quyền cho 10 đơn vị để phát triển và khai thác quyền sử dụng cho 25 giống lúa.

Hàng năm, Viện Lúa ĐBSCL cũng tiến hành khảo nghiệm các giống lúa mới ở các địa phương với mục tiêu chọn được những giống lúa mới có đặc tính vượt trội để bổ sung vào cơ cấu sản xuất lúa.

Trong bối cảnh kinh tế thị trường, khó khăn chung của nền kinh tế, đặc biệt hoạt động nghiên cứu khoa học đứng trước yêu cầu tự chủ hoạt động, đòi hỏi Viện Lúa ĐBSCL phải không ngừng nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo. Nhất là phải có cơ chế chính sách tốt để “giữ chân” các nhà khoa học cùng gắn bó.

Theo định hướng chiến lược khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong năm 2030 của Bộ NN-PTNT, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo và phục vụ Đề án xây dựng và phát triển bền vững 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL, Viện Lúa ĐBSCL xác định công tác nghiên cứu chọn tạo giống lúa theo hướng nâng cao chất lượng gạo (phẩm chất cơm, chất lượng xay chà, giá trị dinh dưỡng và sử dụng) là trọng tâm.

Trong đó, chú trọng lai tạo giống lúa có khả năng chống chịu sâu hại và điều kiện thời tiết bất lợi, phù hợp với bối cảnh BĐKH hiện nay ở khu vực ĐBSCL. Hơn nữa Viện Lúa cũng “đánh” vào xu thế và nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu là các loại gạo thơm, chất lượng cao, có thể phục vụ chế biến. Trên cơ sở đánh giá tiềm năng dinh dưỡng của các giống lúa và phát triển các sản phẩm có giá trị cao từ gạo và các phế phụ phẩm trong sản xuất và chế biến lúa gạo.

Viện Lúa ĐBSCL thường xuyên tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào trong sản xuất cho nông dân. Ảnh: Kim Anh.

Viện Lúa ĐBSCL thường xuyên tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào trong sản xuất cho nông dân. Ảnh: Kim Anh.

Việc đẩy mạnh các nghiên cứu khoa học theo hướng ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, ứng dụng các chế phẩm vi sinh và hữu cơ để tiết kiệm vật tư đầu vào cũng là vấn đề cần thiết. Nghiên cứu phát triển các mô hình sản xuất lúa luân canh với các đối tượng cây trồng và thủy sản, thích ứng với BĐKH, nhất là trong điều kiện ngập nước, hạn và mặn ở vùng khó khăn, vùng nhiễm nước mặn trong hệ thống nuôi cá và tôm ven biển để có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu sản xuất của nông dân vùng ĐBSCL hiện nay.

Hiện nay, Viện Lúa ĐBSCL đang tiến hành nghiên cứu, đánh giá và khai thác nguồn gen cây bản địa như lúa mùa địa phương để thực hiện việc phục tráng các giống lúa mùa đặc sản phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Đồng thời, phát triển các giống lúa có khả năng thích ứng tốt hơn với BĐKH, sử dụng hiệu quả phân bón, phù hợp với cơ giới hóa, gia tăng chất lượng gạo và dinh dưỡng, chống chịu sâu bệnh và có giá trị kinh tế cao, tiến đến xây dựng những vùng sản xuất gạo đặc sản chuyên canh có giá trị hàng hóa cao, gắn liền với việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm gạo.

TS Trần Ngọc Thạch cũng mong muốn xây dựng một chiến lược nghiên cứu dài hạn về cây lúa và hệ thống canh tác trên nền đất lúa ở ĐBSCL, tăng cường trang thiết bị, nhất là các thiết bị ứng dụng công nghệ cao phục vụ cho công tác nghiên cứu chọn tạo giống lúa mới và dịch vụ khoa học công nghệ. Đồng thời mong muốn Bộ NN-PTNT xem xét đầu tư dây chuyền chế biến hạt giống khép kín, hiện đại với quy mô công nghiệp làm mô hình mẫu cho công nghệ chế biến giống lúa trong vùng.

Vừa qua, trong chuyến thăm và làm việc với Viện Lúa ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, hiện nay, với 134 cán bộ viên chức được đào tạo chuyên sâu, Viện Lúa ĐBSCL đã đáp ứng được yêu cầu công tác nghiên cứu khoa học, bắt nhịp với thị trường, gắn kết với doanh nghiệp để nghiên cứu, lai tạo ra các giống lúa chất lượng, năng suất cao, phục vụ nhu cầu phát triển ngành hàng lúa gạo.

Trong xu thế tự chủ kinh tế hiện nay, Thứ trưởng mong rằng, Viện Lúa ĐBSCL tiếp cận nhanh thị trường, tăng cường công tác truyền thông, phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, Sở NN-PTNT các tỉnh, thành vùng ĐBSCL để nhân rộng các kết quả nghiên cứu khoa học.

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Chuyển từ tranh mua, tranh bán sang liên kết trồng chè

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng những người làm chè xuất khẩu trong tình trạng dễ mua dễ bán, đang rơi vào bẫy giá rẻ của thế giới.