Bề dày sự nghiệp khoa học
Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển Nông nghiệp Nha Hố đóng tại tỉnh Ninh Thuận, là đơn vị sự nghiệp khoa học công lập trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Tiền thân của Viện là Trại Nghiên cứu chăn nuôi gia súc do người Pháp thành lập từ năm 1938. Với bề dày lịch sử hình thành và phát triển, sự nghiệp khoa học xuyên suốt, đơn vị đã tạo ra nhiều thành tựu khoa học công nghệ, sản phẩm giống, quy trình kỹ thuật phục vụ hiệu quả cho phát triển sản xuất cây trồng nông nghiệp tại Việt Nam, đặc biệt là vùng Nam Trung bộ.
Nổi bật như các thành tựu trong tạo giống có ưu thế lai cao; tạo thành công giống cây trồng biến đổi gen kháng sâu, chống chịu thuốc trừ cỏ; quy trình quản lý dịch hại tổng hợp; sản xuất các chế phẩm sinh học từ virus NPV, vi khuẩn Bt; quy trình canh tác nông nghiệp hữu cơ; thiết kế nhà màng và xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện nắng nóng và gió lớn tại vùng cực Nam Trung bộ.
“Từ khi chuyển về trực thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (năm 2017), Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố không ngừng đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và các hoạt động sản xuất, dịch vụ khoa học công nghệ. Trong quá trình hoạt động, Viện đã có các đóng góp kịp thời, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tế cho phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt của vùng Nam Trung bộ”, TS Mai Văn Hào, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố, chia sẻ.
Trong giai đoạn 2017 - 2023, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố đã được các Bộ, địa phương đặt hàng thực hiện 30 nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp; trong đó, có 3 nhiệm vụ cấp Nhà nước, 14 nhiệm vụ cấp Bộ và 13 nhiệm vụ cấp tỉnh. Theo đó, Viện đã tạo ra một số sản phẩm giống cây trồng và quy trình kỹ thuật công nghệ chuyển giao cho sản xuất tại vùng Nam Trung bộ.
Có thể đơn cử, Viện đã tuyển chọn, xác định được các giống cây trồng phù hợp với vùng khô hạn Nam Trung bộ gồm 6 giống nho, 2 giống táo, 2 giống xoài, 1 giống mít, 2 giống mãng cầu, 1 giống ổi, 5 giống cây làm thức ăn chăn nuôi, 2 giống măng tây xanh và 1 giống lúa.
Ngoài ra, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố đã xây dựng và hoàn thiện 20 quy trình kỹ thuật canh tác cho các giống cây trồng cho vùng khô hạn Nam Trung bộ. Xây dựng 5 quy trình kỹ thuật canh tác, tiết kiệm nước cho giống cây ăn quả triển vọng được tuyển chọn phù hợp với điều kiện khô hạn; 5 quy trình trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và chế biến cho nhóm cây làm thức ăn chăn nuôi phù hợp với điều kiện khô hạn; 2 quy trình tiến bộ kỹ thuật cấp Bộ cho cây măng tây xanh gồm quy trình nhân giống bằng hạt và quy trình canh tác, thu hái, bảo quản măng tây xanh ứng dụng công nghệ cao tại Nam Trung bộ.
Viện cũng đã xây dựng được quy trình quản lý tổng hợp ruồi đục quả và một số bệnh hại chính trên cây táo tại Nam Trung bộ; quy trình quản lý sâu bệnh hại lúa bằng biện pháp sinh học; quy trình nhân giống cây đinh lăng lá nhỏ bằng phương pháp giâm cành và invitro; xây dựng mô hình trồng nho ứng dụng công nghệ cao, trồng nho trong nhà màng, cải tiến kiểu giàn, điều kiện vi khí hậu, quản lý cây trồng tổng hợp, sức khỏe của đất… để nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm và thương hiệu sản phẩm.
Ngoài ra, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố cũng đã chuyển giao tiến bộ kỹ thuật bao chùm quả trên cây nho, góp phần giảm thiệt hại do sâu bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế cho nông dân. Xây dựng các vườn đầu dòng cây ăn quả gồm nho, táo, xoài, mít, mãng cầu, nhãn, ổi để sản xuất cây giống có chất lượng cung cấp cho thị trường. Chuyển giao các quy trình sản xuất lúa; quy trình canh tác tỏi an toàn; quy trình kỹ thuật thâm canh các loại giống mới, ngô lai mới, đậu xanh… cho vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
“Chúng tôi cũng đã tổ chức đào tạo nghề cho nông dân, đào tạo thực hành sản xuất nông nghiệp tốt phục vụ phát triển một số cây trồng chủ lực cho cán bộ kỹ thuật và nông dân, đào tạo TOT, FFS cho cán bộ kỹ thuật của địa phương trong vùng”, Viện trưởng Mai Văn Hào cho hay.
Tạo nguồn thu từ sản phẩm khoa học
Theo TS Mai Văn Hào, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố là đơn vị được Nhà nước giao thực hiện tự chủ 100% kinh phí chi thường xuyên. Do đó, song song với công tác nghiên cứu khoa học, Viện đã không ngừng đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh và làm dịch vụ khoa học công nghệ để tạo nguồn thu.
Về dịch vụ khoa học công nghệ, Viện tập trung phát triển các dịch vụ kỹ thuật chuyên ngành như khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật, phân bón; kiểm nghiệm chất lượng hạt giống ngô, lúa; làm dịch vụ tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất nho, táo, măng tây ứng dụng công nghệ cao. Về hoạt động sản xuất kinh doanh, Viện tổ chức sản xuất và chuyển giao hàng ngàn tấn giống lúa thuần, hàng trăm tấn ngô lai cùng dưa lai và đậu đỗ các loại phục vụ sản xuất nông nghiệp vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, Viện còn tổ chức sản xuất và chuyển giao cây giống tốt phục vụ sản xuất tại vùng khô hạn Nam Trung bộ như nho, táo, mãng cầu; măng tây; cây đinh lăng… với số lượng bình quân hàng năm từ 200.000 - 300.000 cây.
“Các hoạt động sản xuất kinh doanh và dịch vụ khoa học công nghệ mang lại doanh thu hàng năm cho Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố từ 55 - 65 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 500 triệu đồng, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động, hỗ trợ nguồn kinh phí cho hoạt động bộ máy và nghiên cứu phát triển của Viện”, TS Mai Văn Hào cho biết.
Trong thời gian tới, Viện ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu phát triển và chuyển giao các loại giống cây trồng mới gồm cây ăn quả, cây lương thực, cây làm thức ăn chăn nuôi, cây rau, cây dược liệu, cây công nghiệp. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học, kỹ thuật ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ nông nghiệp thông minh; cơ giới hóa, tự động hóa trong nhân giống và sản xuất nhằm tăng năng suất lao động nông nghiệp, nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất; tăng quy mô sản xuất hàng hóa cho các loại cây chủ lực có giá trị kinh tế và tiềm năng phát triển cao trong vùng, đặc biệt các loại cây trồng cho vùng bán khô hạn Nam Trung bộ.
Tập trung nghiên cứu phát triển, nhân giống, chế biến giống, chuyển giao các giống cây trồng có khả năng chịu nhiệt, chịu hạn cao; các loại vật tư và giải pháp kỹ thuật canh tác, quản lý dịch hại kèm theo để nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng giá trị sản xuất nông nghiệp của vùng khô hạn Nam Trung bộ và các vùng lân cận, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đầu tư lưu trữ, khai thác phát triển các nguồn gen một số loại cây trồng đặc thù; xây dựng vườn đầu dòng cho các giống cây ăn quả để phục vụ phát triển chuyển giao giống vào sản xuất, phát triển, chuyển giao cây giống đạt tiêu chuẩn chất lượng và đảm bảo theo quy định của pháp luật.
Phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nước để đẩy mạnh hợp tác và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, các dịch vụ khoa học công nghệ cho các cây trồng đặc thù, cây trồng mới có triển vọng phù hợp với điều kiện của địa phương và của vùng Nam Trung bộ.
TS Mai Văn Hào: “Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố là đơn vị hoạt động tự chủ, nguồn vốn lưu động hạn chế nên hàng năm phải vay vốn từ các ngân hàng để đảm bảo hoạt động dịch vụ, sản xuất, chi phí tài chính cao và không ổn định đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động dịch vụ của Viện".