| Hotline: 0983.970.780

Quân, dân cùng đón Xuân về nơi biên giới

Thứ Hai 01/02/2021 , 10:32 (GMT+7)

Khi hoa mai nở vàng rực, cũng là lúc quân và dân trên tuyến biên giới Đông Nam của Tổ quốc chuẩn bị đón tết với thật nhiều khí thế và niềm tin.

Những ngày giáp tết Tân Sửu 2021, khi tới thăm các cụm dân cư biên giới Bình Phước, chúng tôi có thể cảm nhận rõ mùa xuân đang tới. Hầu hết các tuyến đường vành đai biên giới nơi đây đã được trang hoàng lộng lẫy với cờ hoa rực rỡ, người người, nhà nhà tươi vui, phấn khởi… Những hình ảnh đó tạo nên nhiều khí thế và niềm tin về một mùa xuân sung túc.

Người dân tại điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới trang hoàng đường xá, nhà cửa, chuẩn bị đón xuân. Ảnh: Trần Trung

Người dân tại điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới trang hoàng đường xá, nhà cửa, chuẩn bị đón xuân. Ảnh: Trần Trung

An cư để lạc nghiệp

Trong những ngày tiết trời lập xuân, vườn cỏ của ông Dương Thanh Sơn tại khu dân cư liền kề biên giới thuộc ấp 3 xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp đã xanh tốt trở lại sau những ngày đông lạnh lẽo. Đây là nguồn thức ăn dành cho hàng chục con dê của gia đình ông Sơn đang không ngừng sinh sôi, nảy nở. Sự phấn khởi được thể hiện rõ trên từng nét mặt, nụ cười của ông Sơn cũng như hàng chục hộ dân nơi đây.

Ông Sơn năm nay đã 71 tuổi, quê Ninh Bình. Năm 1983 ông tham gia chiến trường K, đến năm 1989 xuất ngũ và về Bù Đốp lập nghiệp. Sau nhiều năm lam lũ lao động ông vẫn không có một nơi ăn, chốn ở. Năm 2019, sau khi được chính quyền địa phương xét duyệt, ông được nhà nước cấp ngôi nhà xây với diện tích 72m² được bảo đảm điện, nước sinh hoạt. Ngoài ra, vợ chồng ông còn có thêm 500m² đất vườn và sắp nhận 1 ha đất nông nghiệp để sản xuất. Đặc biệt, với 2 con dê giống được hỗ trợ ban đầu, đến nay, ông đã sở hữu đàn dê hơn 13 con, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Ông Dương Thanh Sơn (áo thun trắng) phấn khởi bên đàn dê của gia đình không ngừng sinh sôi nảy nở. Ảnh: Trần Trung

Ông Dương Thanh Sơn (áo thun trắng) phấn khởi bên đàn dê của gia đình không ngừng sinh sôi nảy nở. Ảnh: Trần Trung

Chỉ tay vào căn nhà vẫn còn thơm mùi sơn mới, khang trang, sạch đẹp, ông Sơn phấn khởi chia sẻ: “Nếu không có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, không bao giờ vợ chồng tôi dám mơ sẽ có một căn nhà to và đẹp như vậy, Vợ chồng tôi quyết tâm bám biên giới để sống”. 

“Thế trận lòng dân” bảo vệ tuyến biên giới 

Khu dân cư liền kề biên giới ấp 3 xã Thanh Hòa được khởi công xây dựng từ tháng 3 năm 2019 với quy mô 50 hộ dân, đến nay, địa phương đã hoàn tất và bàn giao 30 căn nhà cho 30 hộ dân thuộc các đối tượng là đảng viên, hộ nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số, và dân quân thường trực làm việc trên tuyến biên giới có hoàn cảnh khó khăn thụ hưởng.

Lễ khánh thành điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới. Ảnh: Trần Trung.

Lễ khánh thành điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới. Ảnh: Trần Trung.

Theo lãnh đạo địa phương, điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới là một trong những cột mốc sống, điểm tựa cho các lực lượng làm nhiệm vụ biên cương. Ngoài ra, việc bố trí nhà ở, đất sản xuất cho các đối tượng đã kịp thời động viên, khích lệ, giúp họ yên lòng, chung tay cùng địa phương bảo vệ nơi phên dậu của Tổ quốc.

Ông Vũ Viết Quý, Chốt trưởng chốt dân quân khu dân cư liền kề biên giới ấp 3, xã Thanh Hòa cho biết, từ khi khu dân cư được hình thành, tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội tại địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, người dân rất phấn khởi và yên tâm lao động sản xuất. Người dân còn chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng bảo vệ đường biên cột mốc; đoàn kết, vận động nhau chấp hành tốt chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; giúp nhau xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống.

Bàn giao điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới. Ảnh: Trần Trung.

Bàn giao điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới. Ảnh: Trần Trung.

Đặc biệt, trong bối cảnh toàn lực lượng vũ trang đang ra sức kiểm soát dịch Covid-19, ngăn chặn đẩy lùi tình trạng nhập cư bất hợp pháp, buôn lậu, gian lận thương mại qua biên giới, mỗi người dân nơi đây trở thành một chiến sỹ trên mặt trận cung cấp thông tin tình báo, phát hiện, tố giác tội phạm góp phần bảo vệ vững chắc biên giới Tổ quốc.

Theo ông Quý, từ đầu năm 2020 đến nay, người dân địa phương đã cung cấp hàng chục thông tin có giá trị, qua đó cùng với các lực lượng vũ trang tại địa phương ngăn chặn, xử lý hàng chục vụ và nhiều đối tượng xuất nhập cảnh trái phép và buôn lậu qua biên giới.

Ông Vũ Viết Quý cùng lực lượng dân quân tự vệ tại điểm dân cư tuần tra kiểm soát biên giới nơi đơn vị đứng chân. Ảnh: Trần Trung.

Ông Vũ Viết Quý cùng lực lượng dân quân tự vệ tại điểm dân cư tuần tra kiểm soát biên giới nơi đơn vị đứng chân. Ảnh: Trần Trung.

Ông Vũ Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã Thanh Hòa cho biết thêm, chủ trương triển khai xây dựng và thực hiện “Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới” là một chủ trương đúng và  là một trong những chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước. “Trong không khí hân hoan cùng cả nước thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội lần thứ XIII của đảng và mừng Đảng quang vinh, mừng xuân Tân Sửu, xã Thanh Hòa là xã thứ 4/6 xã biên giới của huyện Bù Đốp vừa được công nhận là xã nông thôn mới, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của người dân tại điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới thuộc ấp 3 của địa phương”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Cột mốc sống giữ biên cương

Được biết, đề án xây dựng “Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới” do Quân khu 7 phát động, thực hiện trên địa bàn quân khu quản lý giai đoạn 2019 - 2025” (gọi tắt là Đề án 811) nhằm ổn định dân cư tuyến biên giới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng biên, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Theo đó, tại Bình phước, sau gần 2 năm triển khai, địa phương này đã khởi công xây dựng và hoàn thành 7 điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới với 35 căn nhà với tổng kinh phí xây dựng 11 tỷ đồng. Trong đó Bộ Tư lệnh Quân khu 7 hỗ trợ 1 tỷ đồng, số còn lại do địa phương hỗ trợ.

Người dân tại điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới vui tươi phấn khởi dịp tết đến xuân về. Ảnh: Trần Trung.

Người dân tại điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới vui tươi phấn khởi dịp tết đến xuân về. Ảnh: Trần Trung.

Đại tá Nguyễn Thanh Bình, Phó chính ủy Bộ CHQS tỉnh cho biết: Bình Phước có 260,433km đường biên qua 15 xã thuộc 3 huyện (Lộc Ninh, Bù Đốp và Bù Gia Mập), tiếp giáp 3 tỉnh Kratie, Tbong Khmum và Mundulkiri thuộc Vương quốc Campuchia. Đời sống người dân khu vực biên giới còn nhiều khó khăn, kinh tế kém phát triển, trình độ dân trí thấp, nhận thức về pháp luật còn hạn chế.

Cuộc sống ổn định khiến các hộ dân đón xuân về trong niềm vui, phấn khởi. Ảnh: Trần Trung.

Cuộc sống ổn định khiến các hộ dân đón xuân về trong niềm vui, phấn khởi. Ảnh: Trần Trung.

“Việc xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới là một trong những việc làm rất có ý nghĩa nhằm tạo thế liên hoàn, tăng cường lực lượng, nâng cao sức mạnh bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; góp phần đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo khu vực vùng biên; thu hút dân cư lên sinh sống và từng bước hình thành các khu dân cư trên tuyến biên giới; phát huy vai trò mỗi người dân là cột mốc sống giữ biên cương”, Đại tá Bình nhấn mạnh.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm