| Hotline: 0983.970.780

Xã biên giới Phước Chỉ ‘chuyển mình’

Thứ Ba 06/10/2020 , 11:02 (GMT+7)

Phước Chỉ vừa hiện đại dáng dấp của phố xá, vừa yên bình thoáng mát của một miền quê với những con đường trải nhựa sạch sẽ sóng hàng cùng những bờ kênh thông thoáng…

Đi lên từ gian khó…

Nằm ở cánh Tây thị xã Trảng Bàng (Tây Ninh), được bao bọc bởi hệ thống sông Vàm Cỏ, trên 70% phần người dân sống bằng nghề canh tác lúa nước… xã biên giới Phước Chỉ gần như biệt lập với phần sôi động còn lại của tỉnh Tây Ninh. Thế nhưng, từ khi bắt tay vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt nông thôn của địa phương này ngày một khởi sắc, đổi thay.

Nhà nhà, người người thi đua xây dựng NTM. Ảnh: Trần Trung.

Nhà nhà, người người thi đua xây dựng NTM. Ảnh: Trần Trung.

Ông Nguyễn Phước Nhiên, Chủ tịch UBND xã Phước Chỉ chia sẻ, xã Phước Chỉ có 8,9 km đường biên giới giáp Campuchia, toàn xã có 12 ấp, trong đó có 4 ấp Ven Sông, 1 ấp ven rạch và 7 ấp Giồng. Người dân Phước Chỉ chủ yếu  độc canh cây lúa, không có ngành nghề truyền thống, không có thế mạnh địa phương trong phát triển kinh tế, lực lượng lao động đông đảo của xã đi làm công nhân tại các khu công nghiệp….  Từ khi đón nhận và triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, Đảng bộ và nhân dân Phước Chỉ vừa mừng vừa lo.

Để đưa xã Phước chỉ về đích NTM đúng hẹn, ngay từ khi nhận nhiệm vụ, cấp uỷ Đảng, chính quyền đã chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể cho từng giai đoạn. Các bước tiến hành được tính toán một cách khoa học, trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, trong đó xác định nhiệm vụ ưu tiên làm khâu đột phá, để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đồng thời thực hiện tốt việc công khai, dân chủ, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và giám sát.

Nhà nhà, người người thi đua xây dựng NTM. Ảnh: Trần Trung.

Nhà nhà, người người thi đua xây dựng NTM. Ảnh: Trần Trung.

“Với phương châm “Lấy sức dân để lo cho dân” đến nay sau 9 năm triển khi xây dựng, Phước Chỉ vinh dự là 1 trong 3 xã biên giới của TX. Trảng Bàng chuẩn bị được công nhận là xã NTM. Đây là một bước ngoặt lớn trong lịch sử xã nhà, cũng như đời sống của bà con nhân dân Phước Chỉ. Tất cả đều nhờ sự đồng tình lớn trong nhân dân”, ông Nhiên nhấn mạnh.  

 Đổi thay từng ngày…

Đến với xã Phước Chỉ những ngày này, có thể cảm nhận rõ đổi thay trong diện mạo nông thôn mới. Nhà nhà, người người cùng thi đua xây dựng đời sống văn hóa, tăng gia sản xuất để có thêm thu nhập, nâng cao đời sống, đường sá khang trang, những căn nhà thơm mùi sơn mới, ruộng đồng tươm tất, cá tôm vẫy vùng… là những minh chứng rõ nét.

Ấp Phước Trung là ấp khó khăn nhất của xã Phước Chỉ, dù chưa hoàn tất cứng hóa các tuyến đường nhưng cả thôn đang sôi động như một công trường lớn. Người tháo dỡ công trình hiến đất mở rộng đường, tuyến kia máy trộn vật liệu, nhóm thợ nhanh tay đổ bê tông dưới sự giám sát của người dân.

Ông Trương Tấn Lộc (trái) hiến 5.000 m2 đất góp phần hình thành con đường vào ấp Phước Trung. Ảnh: Trần Trung.

Ông Trương Tấn Lộc (trái) hiến 5.000 m2 đất góp phần hình thành con đường vào ấp Phước Trung. Ảnh: Trần Trung.

Là một trong những người sẵn sàng hiến gần 3.000 m2 đất trị giá gần 500 triệu đồng, ông Trương Tấn Lộc, ấp Phước Trung chia sẻ: “Để có đường mới, rộng thì việc bỏ vài ngàn mét vuông đất có đáng gì. Trước kia hầu hết người dân ở đây vận chuyển lúa dựa vào ghe thuyền, con nước, nay có đường đẹp nên nông sản được vận chuyển dễ dàng, lúa được thương lái thu mua cao hơn 3 giá nên khi chính quyền vận động hiến đất gia đình tôi đồng thuận ngay”.  

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn xã Phước chỉ đã có 47/49 tuyến đường với dài 60,73km/64,13km được nâng cấp cứng hóa bằng nhựa hóa, bê tông xi măng, sỏi đỏ và 27 công trình cầu chiều dài 472 mét, với tổng kinh phí  trên 102 tỷ đồng. Trong đó vận động nhân dân đóng góp gần 10 tỷ đồng. Nhờ đó đã kết nối các tuyến đường giao thông nội đồng trong các ấp ven sông và tạo điều kiện thuận lợi việc vận chuyển hàng hóa, vật tư nông sản, góp phần đáng kể vào việc giảm giá thành sản xuất cho người dân.

Mô hình lúa hữu cơ của HTX Phước Bình. Ảnh: Trần Trung.

Mô hình lúa hữu cơ của HTX Phước Bình. Ảnh: Trần Trung.

Linh hoạt tái cơ cấu nông nghiệp

Cùng với xây dựng nông thôn mới, xã Phước Chỉ đã vận dụng linh hoạt các giải pháp trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, theo đó xã lựa chọn xây dựng thành công 4 mô hình liên kết 4 nhà, cánh đồng mẫu lớn tại ấp Phước Lập, Phước Long với tổng diện tích 270 ha. Hiện nay trên địa bàn xã có 2 HTX dịch vụ nông nghiệp gồm: HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Bình, HTX dịch vụ nông nghiệp Thanh Niên Phước Chỉ đã đi vào hoạt động hiệu quả.

Theo đó, HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Bình được thành lập vào năm 2018 với 30 thành viên, diện tích sản xuất 135 ha. Lĩnh vực hoạt động của HTX là sản xuất giống lúa xác nhận, lúa thương phẩm; cung ứng vật tư nông nghiệp và là đầu mối bao tiêu nông sản cho nông dân.

Mô hình lúa – cá lóc góp phần cải thiện thu nhập cho người dân Phước Chỉ. Ảnh: Trần Trung.

Mô hình lúa – cá lóc góp phần cải thiện thu nhập cho người dân Phước Chỉ. Ảnh: Trần Trung.

Ông Cao Văn Thả, Giám đốc HTX cho biết, tham gia vào chuỗi giá trị của địa phương, vụ Hè Thu vừa qua, HTX trồng thí điểm 8 ha các giống lúa ST 24, OM 18, hương Cửu Long. Kết quả cho thấy các giống lúa sinh trưởng, phát triển tốt, đạt bình quân khoảng 7 tấn/ha. Đây sẽ là tiền đề để HTX phát triển các giống lúa chất lượng cao, theo hướng hữu cơ. “Mới đây, thành viên HTX còn tham gia nuôi cá lóc liên kết theo chuỗi giá trị, trong đó, Nhà nước hỗ trợ kinh phí 50% giống, 50% thức ăn; còn lại là vốn đối ứng của nông dân với quy mô 60.000 con cá lóc/năm đã được công ty, doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu đầu ra”, ông Thả phấn khỏi nói.

Ông Trương Tấn Đạt, Bí thư Đảng ủy xã Phước Chỉ cho biết thêm, từ nay đến năm 2025, đối với cây lúa, địa phương hình thành 600 ha lúa chất lượng cao, lúa đặc sản (ST24, ST25, hương cửu long, OM 18, nếp...) theo nhu cầu của thị trường; đáp ứng nguồn giống cho vùng chuyên canh lúa chất lượng cao; từng bước phát triển mô hình lúa hữu cơ.

Mô hình trồng nấm, một trong những mô hình nông nghiệp công nghệ cao phát huy hiệu quả kinh tế. Ảnh: Trần Trung.

Mô hình trồng nấm, một trong những mô hình nông nghiệp công nghệ cao phát huy hiệu quả kinh tế. Ảnh: Trần Trung.

Ngoài ra, xã cơ cấu lại diện tích sản xuất lúa theo hướng giảm vụ sản xuất, giảm diện tích gieo trồng gắn với luân canh cây trồng cạn, chuyển đổi cây trồng cạn, nhất là cây ăn trái nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trên đất lúa. Bên cạnh đó, giai đoạn 2023 – 2025, xã sẽ xây dựng thêm hai chuỗi giá trị về nông nghiệp công nghệ cao (trồng rau trong nhà màng) và nấm rơm (từ việc tận dụng rơm trong sản xuất lúa).

Xã còn định hướng phát triển một số ngành nghề, trong đó, có những sản phẩm là đặc sản của địa phương như: các loại mắm; cà cuống; trái cà na; rau móp; chuối nước… Từ đó, hình thành chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, đưa các sản phẩm vào hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn; kêu gọi, thu hút đầu tư các nhà máy sơ chế, chế biến, đóng gói, bảo quản rau với công nghệ, thiết bị hiện đại.

Những con đường ý đảng lòng dân đổi thay bộ mặt NTM tại xã Phước Chỉ. Ảnh: Trần Trung

Những con đường ý đảng lòng dân đổi thay bộ mặt NTM tại xã Phước Chỉ. Ảnh: Trần Trung

“Từ  kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế và bằng nhiều phương thức hỗ trợ cho nhân dân vay từ nguồn tín dụng của ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng Agribank... với tổng số vốn tín dụng 164,89 tỷ đồng.  Kết quả đời sống nhân dân đã từng bước nâng cao rõ nét, tỷ lệ hộ nghèo năm 2011 là 5,6 % giảm xuống còn 0,48% (rà soát nghèo năm 2019), bộ mặt nông thôn ngày có sự chuyển biến tích cực, đổi mới toàn diện; thu nhập của người dân năm 2011 là 16,5 triệu đồng/năm đến cuối năm 2019 tăng lên 60 triệu đồng”, ông Đạt nhấn mạnh.

Về vùng nông thôn xã biên giới Phước Chỉ hôm nay, ta như thấy một bức tranh tươi mới mà người hoạ sĩ tài năng chính là những người dân quê hiền hoà, chân thực. Bức tranh quê hương Phước Chỉ vừa hiện đại dáng dấp của phố xá, vừa yên bình thoáng mát của một miền quê với những con đường trải nhựa sạch sẽ sóng hàng cùng những bờ kênh thông thoáng. Những con đường vươn xa len lỏi tới từng ngõ, bao quanh những thửa ruộng thẳng cánh cò bay. Có thể, miền quê hương Phước Chỉ còn nhiều khó khăn, nhưng tất cả cùng đồng lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tin và tương lai tươi sáng của bức tranh làng quê nông thôn mới mà Chính phủ đã đề ra.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

350 gian hàng tại Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ

Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Phú Thọ có 237 sản phẩm được chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên, chiếm 85% là nhóm ngành thực phẩm.