Trong một báo cáo thường niên hôm 12/3, Ủy viên Nghị viện Đức về Các lực lượng vũ trang Eva Hoegl cho biết Đức vẫn đang chật vật giải quyết các vấn đề trong quân đội trong nhiều thập kỷ qua. Bà Hoegl thừa nhận dù đã thực hiện nhiều nỗ lực để tăng cường lực lượng, tình trạng thiếu binh sĩ đã thực sự trở nên tồi tệ hơn trong năm 2023.
Hồi tháng 5/2022, Thủ tướng Olaf Scholz đã công bố một kế hoạch đầy tham vọng nhằm tăng cường đáng kể lực lượng chiến đấu của Đức. Chính phủ khi đó cho biết họ có kế hoạch rót một khoản tiền khổng lồ 100 tỷ euro (107,35 tỷ USD) nhằm xây dựng lực lượng quân đội lớn nhất NATO ở châu Âu. Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh xung đột giữa Moscow và Kiev đang ở giai đoạn đầu.
Tuy nhiên, báo cáo của ủy viên Hoegl cho thấy những nỗ lực trên chưa đạt được kết quả đáng kể nào. Đến cuối năm 2023, quân số của Đức chỉ xấp xỉ 182.000 quân, con số này thực sự giảm so với 183.000 binh sĩ vào cùng kỳ năm 2022. Báo cáo cũng chỉ ra rằng quân đội Đức sẽ không đạt được mục tiêu của chính phủ là 203.000 quân vào năm 2031.
Theo ủy viên, tỷ lệ giải ngũ trong quân đội "vẫn còn rất cao", trong khi số lượng đơn đăng ký nhập ngũ mới thậm chí còn thấp hơn năm trước.
"Quân đội Đức đang ngày càng già đi và thu hẹp lại", bà Hoegl cảnh báo, đồng thời cho biết thêm rằng khoảng 20.000 vị trí trong lực lượng vũ trang vẫn còn bỏ trống.
Vấn đề này dường như đã khiến Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius sẵn sàng cân nhắc việc đưa những người không mang quốc tịch Đắc vào quân đội. "Chúng tôi sẽ không phải là lực lượng vũ trang đầu tiên ở châu Âu làm điều này", ông Pistorius cho biết hồi tháng 1/2024, nói thêm rằng có những người sống ở Đức qua nhiều thế hệ mà không có quốc tịch.
Theo báo cáo, với số lượng giảm sút, quân đội Đức vẫn đang phải vật lộn để cung cấp cho lực lượng những trang thiết bị cần thiết. Theo tổng quan hàng năm, quân đội phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược, phụ tùng thay thế, xe tăng, tàu và máy bay.
Việc thiếu các thiết bị vô tuyến hiện đại cho quân đội đã đến mức gây khó khăn trong liên lạc, bao gồm cả với các đối tác NATO, đồng thời ảnh hưởng đến nhóm chiến đấu đa quốc gia do Đức dẫn đầu đóng quân ở Litva.
"Quân đội Đức thiếu nguyên vật liệu từ thiết bị lớn đến phụ tùng thay thế", Ủy viên Hoegl cho biết, đồng thời cho biết thêm rằng sự thiếu hụt đã trở nên "trầm trọng hơn" do viện trợ quân sự mà Berlin đã cung cấp cho Kiev.
Đức là quốc gia viện trợ quân sự lớn thứ hai cho Ukraine trong suốt cuộc xung đột. Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel của Đức, Berlin đã chi khoảng 19 tỷ USD để mua vũ khí cho Kiev, điều đã làm dấy lên lo ngại của một số nhà lập pháp Đức.
Hồi tháng 11/2023, nghị sĩ Johann Wadephul cảnh báo rằng một số đơn vị "quan trọng" sẽ chỉ trụ được không quá 2 ngày nếu chiến tranh xảy ra. Khi đưa báo cáo hôm 12/3, bà Hoegl cũng thừa nhận rằng quân đội Đức "vẫn còn quá nhiều thiếu sót" và "những cải tiến đáng kể vẫn còn một chặng đường dài".