Theo Bộ Nội vụ Đức, kể từ khi cuộc xung đột giữa Kiev và Moscow nổ ra hồi đầu năm 2022, 1,1 triệu người Ukraine đã tị nạn ở nước này. Trong khi đó, dòng người di cư từ các quốc gia khác, gồm Syria, Afghanistan và nhiều quốc gia châu Phi, không có dấu hiệu giảm bớt.
Năm 2023, hơn 350.000 người đã nộp đơn xin tị nạn ở Đức, con số cao nhất kể từ năm 2016, Văn phòng Di cư và Tị nạn Liên bang (BAMF) báo cáo hồi tháng 1/2024.
Chính phủ Đức ước tính rằng khoảng 10 triệu người sẽ sơ tán khỏi Ukraine nếu đất nước tan rã, tờ Die Welt, trích dẫn các quan chức an ninh giấu tên và một nhà lập pháp, cho biết trong một bài báo hôm 10/2. Phần lớn những người tị nạn này sẽ đi về phía tây với hy vọng đến Đức, tờ báo đưa tin.
Roderich Kiesewetter, một nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ Kitô giáo (CDP) đối lập, trả lời báo giới rằng các quốc gia châu Âu nên chủ động hỗ trợ Ukraine khi gói viện trợ của Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn bế tắc tại Quốc hội nước này.
"Nếu chúng ta không thay đổi chiến lược hỗ trợ Ukraine, kịch bản xấu nhất là một cuộc di cư ồ ạt khỏi Ukraine và lan rộng chiến tranh sang các quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ rất có thể xảy ra", nhà lập pháp này dự đoán. Ông Kiesewetter cũng cảnh báo rằng trong trường hợp này, "ít nhất 10 triệu người tị nạn sẽ đến đây".
Hồi tuần trước, Thống đốc bang Hesse của Đức Boris Rhein tuyên bố rằng chính phủ liên bang và tất cả 16 bang đã nhất trí về kế hoạch phát hành thẻ ghi nợ đặc biệt cho người tị nạn, được cho là sẽ thay cho việc phát trợ cấp hàng tháng bằng tiền mặt.
Theo quan chức này, việc phát hành thẻ sẽ "ngăn chặn việc chuyển tiền từ trợ cấp của chính phủ về quê nhà và giúp hạn chế nạn buôn người".
Thẻ trả trước dường như sẽ bị hạn chế chức năng, với các tính năng như rút tiền mặt và chuyển khoản trong và ngoài nước Đức bị vô hiệu hóa. Loại thẻ này cũng sẽ không hoạt động bên ngoài lãnh thổ Đức, hoặc thậm chí là sẽ chỉ sử dụng được ở một đô thị được chỉ định.
Tháng trước, Quốc hội Đức đã thông qua dự luật "bật đèn xanh" cho việc đẩy mạnh trục xuất những người xin tị nạn thất bại và trao thêm quyền hạn cho cảnh sát. Các quy định mới kéo dài đáng kể thời gian giam giữ trong khi chờ trục xuất, để ngăn những người không xin tị nạn thành công bỏ trốn.