| Hotline: 0983.970.780

Quản kháng sinh chăn nuôi: Tay không bắt giặc?

Thứ Sáu 01/07/2016 , 07:41 (GMT+7)

Trong khi việc quản lí kháng sinh trong thú y, thủy sản đang lộ nhiều kẽ hở, thì trong chăn nuôi, ngành chức năng như đang “tay không bắt giặc” trong cuộc chiến với kháng sinh, khi còn thiếu những cây gậy pháp lí cần thiết.


Cần sớm đầu tư cho hệ thống phân tích, giám sát dư lượng kháng sinh
 

Việc quản lí kháng sinh kháng sinh trong chăn nuôi hiện nay của ngành nông nghiệp đang dựa trên một số văn bản pháp luật như: Thông tư số 28/2014/TT-BNNPTNT năm 2014 của Bộ NN-PTNT về việc ban hành danh mục 22 hóa chất, KS cấm NK, sản xuất, kinh doanh và sử dụng trong thức ăn chăn nuôi (TĂCN). Đến năm 2015, Bộ NN-PTNT tiếp tục ban hành Thông tư số 42/2015/TT-BNNPTNT bổ sung thêm 5 hóa chất khác (gồm nhóm các chất vàng ô, Uramin) vào danh mục cấm.

Từ 1/7/2016, khi Bộ luật Hình sự có hiệu lực, các tổ chức, cá nhân có hành vi SX, buôn bán, sử dụng chất cấm (hóa chất, kháng sinh cấm) trong chăn nuôi sẽ bị khép vào tội phạm hình sự, có thể phạt tù tới 20 năm. Như vậy, việc sử dụng kháng sinh cấm trong chăn nuôi đã có chế tài xử lí rõ. Thế nhưng một vấn đề đang đặt ra: Ngoài 27 hóa chất, kháng sinh đã có trong danh mục cấm, ngành chăn nuôi, và cả ngành thú y hiện nay đang cho phép sử dụng vô số các loại kháng sinh khác với mục đích kích thích sinh trưởng (KTST), phòng và chữa bệnh.

Với mục tiêu từng bước hạn chế việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, Bộ NN-PTNT đang tăng cường công tác quản lí, trong đó cơ bản là cắt bớt dần số lượng kháng sinh (nhất là loại KTST) và kiểm soát tồn dư kháng sinh trên sản phẩm chăn nuôi. Mới đây, Bộ NN-PTNT đã ban hành Thông tư 06/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 (Thông tư 06) quy định về Danh mục, hàm lượng kháng sinh được phép sử dụng trong TĂCN gia súc, gia cầm với mục đích KTST, với 15 loại được phép sử dụng. Việc ban hành thông tư này được xem là một biện pháp hữu hiệu nhằm kiểm soát ngay “đầu vào” trong chăn nuôi, nhất là với các DN sản xuất TĂCN công nghiệp. Tuy nhiên, thông tư này chưa có quy định cụ thể về hình thức xử lí đối với các cơ sở sản xuất TĂCN nếu bị phát hiện đưa kháng sinh vào TĂCN vượt mức cho phép. Bên cạnh đó đối với “đầu ra” của ngành chăn nuôi như các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ chế biến, cơ chế quản lí dư lượng ra sao cũng đang là vấn đề hóc búa.

NNVN đã nhận được một số ý kiến băn khoăn về vấn đề này.

-----------------------------------------------------------------------

GS.TS Vũ Duy Giảng, chuyên gia dinh dưỡng vật nuôi: Chưa có chế tài xử lí tồn dư kháng sinh

Thông tư 06 của Bộ NN-PTNT mới ban hành sẽ tạo điều kiện tốt để quản lí việc đưa kháng sinh vào TĂCN, theo đó đã loại bỏ nhiều loại KTST. Đồng thời, một số kháng sinh KTST sẽ bị kiểm soát ngặt nghèo, với hàm lượng cho phép rất thấp trong TĂCN, ví dụ: Bambermycins chỉ cho phép hàm lượng tối đa tới 4 mg/kg thức ăn (đối với lợn dưới 60kg thể trọng); Lincomycin và Nosiheptide chỉ cho phép hàm lượng tối đa tới 4 mg/kg thức ăn (đối với gà, chim cút từ 1 - 28 ngày tuổi)… Bên cạnh đó, thông tư mới cũng quy định chi tiết một số loại trong danh mục sẽ không được phép sử dụng trên một số đối tượng vật nuôi nhất định, ví dụ: Narasin không được phép sử dụng trên gà, chim cút và bê dưới 6 tháng tuổi; Enramycin không được dùng cho gà, chim cút đẻ và bê dưới 6 tháng tuổi… Với những quy định chặt chẽ này, có thể nói kháng sinh ở “đầu vào” trong TĂCN sẽ dần được siết chặt.

Tuy nhiên với đặc thù chăn nuôi còn rất nhỏ lẻ, nhất là chăn nuôi nông hộ, cộng với việc quản lí NK, buôn bán kháng sinh còn lỏng, việc sử dụng lén lút, bữa bãi, dẫn tới tồn dư cao trên sản phẩm chăn nuôi vẫn rất khó kiểm soát trong ngày một ngày hai. Trong khi đó, các quy định về mức tồn dư kháng sinh trên sản phẩm chăn nuôi, cũng như chế tài xử lí thế nào khi phát hiện cơ sở chăn nuôi có tồn dư vượt mức cho phép hiện vẫn chưa đầy đủ.

Bộ Y tế hiện đã có Thông tư số 24/2013/TT-BYT ban hành Mức giới hạn tối đa (MRL) dư lượng thuốc thú y trong thực phẩm. Theo đó, đã có gần 60 loại thuốc, trong đó đa số là kháng sinh được Bộ Y tế quy định về MRL trong các sản phẩm chăn nuôi. Tuy nhiên, thông tư này chỉ quy định chung chung là: Tổ chức, cá nhân chỉ được phép SX, kinh doanh, NK thực phẩm lưu thông tại Việt Nam khi kết quả kiểm tra đạt yêu cầu về MRL, và “Cục An toàn thực phẩm có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tổ chức triển khai thực hiện quy định này”.

Như vậy, thông tư này chưa có chế tài xử lí cụ thể đối với các trường hợp phát hiện dư lượng kháng sinh vượt quá mức cho phép. Bên cạnh đó, hiện ngành thú y và chăn nuôi vẫn còn rất nhiều loại kháng sinh mà Bộ Y tế chưa đưa vào danh mục quy định về MRL, nên chưa thể xác định được toàn diện những loại nào thì phải kiểm soát dư lượng, và dư lượng ở mức nào thì bị xử lí... (LB ghi)

----------------------------------------------------------------------------

TS Nguyễn Viết Không, Phó Viện trưởng Viện Thú y: Đầu tư gấp thiết bị giám sát dư lượng

Nguy cơ của việc sử dụng kháng sinh thiếu kiểm soát trong chăn nuôi không chỉ gây hệ lụy kháng thuốc cho ngành y tế, mà về lâu dài sẽ là nguy cơ cho chính ngành chăn nuôi nếu muốn vươn ra XK, mà bài học bị các thị trường cảnh báo là nhãn tiền. Một số nước hiện nay thậm chí đã bắt đầu áp dụng việc kiểm soát cả với vi khuẩn kháng thuốc trên sản phẩm chăn nuôi, theo đó các sản phẩm chăn nuôi XK sẽ phải đảm bảo không được mang các vi khuẩn kháng thuốc.

Đối với việc quản lí kháng sinh, ở các nước phát triển có hệ thống quản lí ngành chăn nuôi tốt, chỉ cần phát hiện một mẫu sản phẩm chăn nuôi trên thị trường có dư lượng vượt mức cho phép là có thể truy ra được sản phẩm ấy thuộc cơ sở chăn nuôi nào, nguyên nhân vì sao, ở khâu nào… Tuy nhiên với đặc thù chăn nuôi và hệ thống quản lí giết mổ, tiêu thụ sản phẩm trôi nổi như nước ta, việc giám sát và quản lí dư lượng sẽ là điều rất nan giải. Khác với chất cấm trong chăn nuôi có số lượng hạn chế, và chỉ cần phát hiện có chất cấm là đã có đủ chế tài xử lí, số lượng kháng sinh được phép sử dụng hiện nay rất nhiều.

Bên cạnh việc chưa có chế tài xử lí đối với hành vi sử dụng kháng sinh vượt mức cho phép, vấn đề làm thế nào để giám sát dư lượng, nhất là hệ thống thiết bị phân tích dư lượng hiện nay cũng chưa thể đáp ứng được yêu cầu. Bởi để phân tích được định lượng về dư lượng kháng sinh với số lượng lớn, sẽ phải cần tới các phòng phân tích khá hiện đại, chi phí cũng rất tốn kém. Vì vậy để quản được kháng sinh trong chăn nuôi, trước hết nhà nước cần phải có đầu tư, hoặc có cơ chế xã hội hóa nhằm tăng cường năng lực cho các phòng phân tích. Bên cạnh đó, cũng phải có phân công cụ thể trách nhiệm đầu tư thiết bị, giám sát, phân tích và xử lí vi phạm thuộc ngành nông nghiệp hay ngành y tế, ngành nào làm việc gì…

Trước mắt, theo tôi cần sớm có cơ chế đặt hàng cho các đơn vị khoa học nghiên cứu để trang bị các thiết bị test nhanh dư lượng kháng sinh, tương tự như các thiết bị test nhanh chất cấm để thí điểm thực hiện đối với một số loại kháng sinh cấm, hoặc kháng sinh có tồn dư cao tại các vùng chăn nuôi có nguy cơ. Bên cạnh đó, cần thường xuyên rà soát, rút dần số lượng kháng sinh, nhất là loại nhằm mục đích KTST bởi số lượng càng ít thì chúng ta quản lí giám sát dễ, và thực tế cũng không cần quá nhiều loại kháng sinh KTST như hiện nay. (LB ghi)

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Đấu giá sâm Ngọc Linh để xóa nhà tạm cho đồng bào Xơ Đăng

Hai củ sâm Ngọc Linh được đấu giá 238 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này được dùng để xóa nhà tạm cho đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở huyện Nam Trà My.

Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc- Nam

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh ra công yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.