Đó là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến sau khi kiểm tra và làm việc với tỉnh Quảng Nam trong công tác triển khai các biện pháp phòng chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo theo quy định (IUU) trong ngày 15/9.
Quản lý chặt, xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm
Theo Sở NN-PTNT Quảng Nam, những năm qua, trong công tác phòng chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo theo quy định (IUU), tỉnh Quảng Nam đã có sự vào cuộc rất quyết liệt của chính quyền các cấp. Nhờ đó mà nhận thức của người dân dần được nâng lên, ngư dân ý thức hơn và dần thích nghi, chấp hành theo quy định về khai thác IUU.
So với đợt kiểm tra lần trước của Bộ NN-PTNT vào tháng 7/2022 thì hiện nay, kết quả triển khai công tác phòng chống IUU trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến rõ rệt. Hiện, 100% tàu cá Quảng Nam đã thực hiện sơn màu cabin tàu để đánh dấu tàu cá đúng quy định tại Thông tư 23. Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên đã được Chi cục Thủy sản thẩm định và cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm gần 640 tàu, chiếm tỷ lệ 98,4%.
Toàn tỉnh có 641 tàu cá từ 15m trở lên đã lắp giám sát hành trình, đạt 99%. 7 tàu còn lại chưa lắp đặt là các tàu nằm bờ, ở tỉnh khác hoặc có công suất dưới 90CV, không hoạt động vùng khơi. Ngoài ra, Quảng Nam đã thực hiện phân quyền quản lý khai thác, sử dụng, xử lý dữ liệu giám sát tàu cá cho các đơn vị liên quan để phục vụ công tác theo dõi hoạt động tàu cá, xác nhận thủy sản, phòng chống thiên tai, xử lý tranh chấp trên biển và ngăn ngừa tàu vi phạm vùng biển nước ngoài...
Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, cho hay, trong công tác xử phạt hành chính, từ năm 2022 đến nay, tỉnh này đã tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chuyên ngành nghề cá. Qua đó xử phạt hành chính 244 vụ vi phạm với tổng số tiền xử phạt hơn 3 tỷ đồng.
“Với việc quản lý chặt, xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm, 2 năm trở lại đây, Quảng Nam không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt và bị xử lý. Tuy nhiên nguy cơ tàu vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài khá cao, đặc biệt là nghề câu mực khơi”, ông Tấn thông tin.
Mặc dù vậy, trong các khuyến nghị của EC, thì hiện nay, tỉnh Quảng Nam vẫn còn 1 số tồn tại, hạn chế. Do tỉnh này chỉ có 1 cảng cá chỉ định là cảng Tam Quang (huyện Núi Thành) nên việc giám sát sản lượng hải sản khai thác tại cảng chưa đạt 100%. Ở khu vực phía Bắc, do chưa có cảng chỉ định dẫn đến tình trạng ngư dân vào bán hải sản ở các bến cá, cảng cá tư nhân, sản lượng không được kiểm soát.
“Thêm nữa là tỷ lệ tàu cá hoạt động vùng bờ được cấp đăng ký, giấy phép rất thấp, do hồ sơ các tàu hiện đang lưu trữ tại UBND cấp huyện, phần lớn các tàu đã bị hư hỏng không thể hoạt động, chìm, xả bản, chủ tàu đã sang tên nhưng không làm các hồ sơ, thủ tục theo quy định... gây khó khăn cho công tác quản lý. Ngoài ra, một số địa phương vẫn còn bị động, chưa tổ chức hoặc phối hợp với cơ quan chức năng triển khai các nhiệm vụ chống khai thác IUU trên địa bàn”, ông Tấn nói.
Nhanh chóng khắc phục bất cập
Trước những khó khăn nói trên, tỉnh Quảng Nam kiến nghị Bộ NN-PTNT tham mưu Chính phủ có cơ chế hỗ trợ cho những tàu cá đang hoạt động khai thác thủy sản trong vùng ranh giới cho phép khai thác thủy sản trên biển của tàu cá Việt Nam mà bị nước ngoài bắt giữ để giúp ngư dân yên tâm bám biển.
Đồng thời, xem xét đầu tư xây dựng cảng cá Hồng Triều, tại xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên trở thành cảng cá loại II để đáp ứng nhu cầu lên sản phẩm, giám sát sản lượng khai thác thủy sản của tàu cá các huyện, thị xã, thành phố phía Bắc của tỉnh; quan tâm công tác đào tạo, nâng cao nghiệp vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát tàu cá cho lực lượng tham gia công tác phòng chống khai thác IUU.
Qua kiểm tra, ghi nhận thực tế, ông Nguyễn Quang Hùng, Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN-PTNT) cho rằng, hiện nay, nghề cá ven bờ Quảng Nam chiếm đến 76% là quá lớn. Do đó, tỉnh cần căn cứ vào đề án chuyển đổi nghề cho ngư dân được Bộ NN-PTNT xây dựng để chuyển đổi nghề thành công, giảm thiểu khai thác ven bờ, bảo vệ nguồn lợi hải sản.
Cùng với đó, hạ tầng nghề cá cần được đầu tư, nâng cấp, tỉnh tập trung cho các cảng cá loại 3, Trung ương sẽ hỗ trợ đầu tư các cảng cá loại 1, loại 2. Ngành thủy sản, các địa phương ven biển cần khẩn trương thống kê, kiểm tra hiện trạng để thực hiện đăng ký tàu cá. Đối với 7 tàu chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình thì tuyệt đối không cho phép ra khơi. Các tàu vượt ranh giới cho phép trên biển phải xử lý nghiêm theo quy định để răn đe”, ông Hùng nói.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến ghi nhận những cố gắng của tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, với những bất cập còn tồn tại thì cần phải cố gắng hơn nữa để có những chuyển biến tích cực, căn bản và toàn diện để khi đợt thanh tra lần thứ 4 của EC vào tháng 10 tới sẽ không lúng túng, bị động.
Đặc biệt là công tác quản lý tàu cá phải giám sát chặt chẽ. Sâu sát chỉ đạo, hướng dẫn ngư dân ghi nhật ký khai thác đầy đủ, chính xác, không đối phó; Kiểm tra, rà soát lại việc đăng kiểm tàu cá, mất kết nối chủ động. Đảm bảo việc xử phạt hành chính đúng hành vi, đúng mức phạt và đúng người phạt.
“Đối với tỉnh, ngoài nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, du lịch thì nhiệm vụ IUU cũng là cấp bách, ảnh hưởng đến vị thế, kinh tế của nước ta trên trường quốc tế. Do đó, cần quan tâm và có cơ chế đầu tư cho hệ thống hạ tầng thủy sản. Phải có hạ tầng thủy sản thì mới có thể quản lý được đội tàu, truy xuất nguồn gốc cũng như kiểm soát, xử lý hành chính đảm bảo đúng quy định. Không có hạ tầng thì không có ngành thủy sản bền vững”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Tỉnh Quảng Nam có 6 huyện, thị xã, thành phố ven biển có nghề khai thác hải sản trên biển với tổng số 2.715 tàu cá. Trong đó tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động vùng khơi là 648 chiếc. Nghề khai thác thủy sản ở tỉnh này đã giải quyết việc làm cho khoảng 15.000 lao động, trong đó 13.000 người khai thác trực tiếp trên biển và khoảng 2.000 lao động trên bờ làm nghề dịch vụ, thu mua. Tổng sản lượng thủy sản khai thác trong hơn 8 tháng đầu năm 2023 ở Quảng Nam đạt hơn 74.000 tấn.