Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình cho biết: “Hiện Quảng Bình đã lắp đặt được gần 800 (trong tổng số 1.043 tàu vùng biển xa được cấp hạn ngạch) thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá”. Riêng đối với tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải luôn mở thiết bị giám sát hành trình. Trước khi tàu về cảng, chủ tàu thông báo cho Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá cũng như Ban quản lý cảng cá và báo cáo sản lượng, nộp nhật ký.
Cùng với việc khẩn trương lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, Chi cục Thủy sản tỉnh cùng lực lượng biên phòng và chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền về Luật Thủy sản, về hướng dẫn khai thác không vi phạm vùng biển nước ngoài cho bà con ngư dân.
Chi cục Thủy sản đã tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn thanh tra, kiểm tra nghề cá cho cán bộ quản lý các xã, phường, ban quản lý cảng cá và các tổ hợp tác, tổ đoàn kết, tổ biển xa và nghiệp đoàn nghề cá. Cấp phát gần 5.000 tờ rơi, 500 sổ tay pháp luật tuyên truyền cho ngư dân. Tổ chức cho hơn 1.000 chủ tàu khai thác xa bờ ký cam kết không vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Qua đó, ngư dân hiểu rõ và chấp hành đúng quy định khi ra khơi.
Ngư dân Nguyễn Tiến Kềm (phường Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn), chủ tàu cá QB 98995 TS nói với chúng tôi: “Bữa nay, ngư dân đã thực hiện không vi phạm vùng biển nước ngoài, phải khai thác đúng với ngành nghề hoạt động được ghi trong giấy phép. Thuyền trưởng phải cập nhật, phải ghi chép nhật ký khai thác theo từng chuyến biển cụ thể về tọa độ, kinh độ, ngư cụ, sản lượng khai thác. Có như vậy mới làm ăn bền vững trên biển được”.
Trước đây, Quảng Bình cũng là một trong những địa phương có nhiều tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Nhưng nhờ công tác tuyên truyền và quản lý giám sát tàu cá nên tình trạng này gần như được ngăn chặn.
UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các sở, ngành, địa phương xử phạt nghiêm các tàu cá vi phạm khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển nước ngoài và buộc các chủ tàu ký cam kết không tái phạm.
Trong năm 2019 và 3 tháng đầu năm nay, chưa có thông báo tàu cá Quảng Bình vi phạm vùng biển nước ngoài. Ông Lê Văn Thảo, Trưởng phòng Thanh tra Pháp chế, Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết thêm: “Ngoài ra, tình trạng khai thác bất hợp pháp như dùng điện, thuốc nổ, khai thác giã cào…cũng đã được đẩy lùi. Trong năm qua và thời gian đầu năm nay các vụ vi phạm đã cơ bản giảm xuống”.
Tại Quảng Bình, công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác cũng được quan tâm thực hiện. Bộ Nông nghiệp-PTNT công bố chỉ định Cảng cá Nhật Lệ và Cảng cá Sông Gianh đủ tiêu chuẩn xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác và thành lập Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá.
Đến nay, Văn phòng đã kiểm tra hàng nghìn lượt tàu, trong đó có tàu xuất bến và tàu cá cập cảng với sản lượng lên cảng hơn 5.000 tấn.
Bên cạnh đó, lực lượng Thanh tra Chi cục Thuỷ sản chủ động phối hợp với bộ đội Biên phòng và các địa phương đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về khai thác bất hợp pháp tại vùng biển.
Trong thời gian qua, lực lượng chức năng đã tổ chức kiểm tra, kiểm soát gần 1.000 lượt tàu cá, phát hiện và lập biên bản xử lý 82 trường hợp vi phạm, xử phạt hành chính gần 500 triệu đồng.
Chi cục Thủy sản Quảng Bình cũng đã chuyển dữ liệu của trên 1.000 tàu cá xa bờ cho Tổng cục Thủy sản cập nhật trên hệ thống dữ liệu quản lý tàu cá Quốc gia VNFishbase.
Theo ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình thì đơn vị cũng đã thực hiện 9 giấy chứng nhận nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác xuất khẩu sang Châu Âu. Lượng thủy sản xuất khẩu trên 155 tấn, bảo đảm trình tự, thủ tục theo đúng quy định của pháp luật. “Đây cũng là tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp cũng như hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm chất lượng cao cho bà con ngư dân”- ông Linh nói thêm