| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình lập đỉnh mùa vàng

Thứ Hai 20/06/2011 , 10:51 (GMT+7)

Mặc dù chưa có con số năng suất bình quân của toàn tỉnh, nhưng hầu hết các địa phương đều có năng suất vượt hơn vụ đông xuân năm ngoái từ 2- 5 tạ/ha.

Trong chuyến đi thăm đồng tại huyện Quảng Ninh vụ đông xuân, ông Nguyễn Hữu Hoài - Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: “Quảng Bình được mùa lớn. Nhiều địa phương đã đạt năng suất lúa lập đỉnh cao nhất trong vòng mấy chục năm qua. Cho dù vào đầu vụ, người nông dân đã phải hứng chịu những khó khăn bất thường của thời tiết”.

Được mùa lớn

“Vào đầu vụ mưa dầm, nước lênh láng các cánh đồng làm chậm việc gieo cấy. Khi cây lúa chưa kịp bén rễ, rét đậm, rét hại làm cả mấy ngàn ha lúa chết rét phải gieo lại. Tiếp đó là nhiệt độ xuống thấp trong thời gian dài làm cây lúa sinh trưởng chậm, có thời gian như đứng yên, kéo theo là vụ mùa chậm gần 1 tháng, điều xưa nay ít có” - ông Chủ tịch tỉnh cho biết.

Nhưng lúc này, đến giữa tháng 6, trên cánh đồng xã An Ninh (huyện Quảng Ninh) lúa trĩu hạt, vàng ươm, nông dân xuống đồng gặt rộ. Cả cánh đồng phẳng lì như sân phơi thóc, nông dân gặt đến đâu cày ải đến đó. Ông Hồ Văn Miến - Chủ tịch UBND xã An Ninh cho biết: “Giống lúa mới thể hiện khá rõ sự nổi trội trong năng suất, như TBR1, XT28... Nhiều hộ nông dân ở Thống Nhất, Hoành Vinh năng suất lúa đạt xấp xỉ 80 tạ/ha, chỉ riêng vụ đông xuân mỗi hộ thu vài chục tấn thóc”.

Không chỉ có An Ninh mà nhiều xã khác như Xuân Ninh, Tân Ninh, Vạn Ninh… đều được mùa. Ông Nguyễn Viết Ánh - Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho hay: “Huyện Quảng Ninh đã thắng lợi lớn trong sản xuất đông xuân, năng suất lúa bình quân 57 tạ/ha, cao hơn năm 2010 đến 2 tạ/ha. Để có kết quả phấn khởi như hôm nay, cả huyện đã trải qua những tháng ngày đầy nỗ lực. Không chỉ rét, vụ này cây lúa đối mặt với nhiều loại dịch hại, nhất là nạn chuột. Nếu huyện không làm quyết liệt thì khó vẹn tròn hạt lúa”.

Không khí vào vụ ở huyện Lệ Thuỷ rất rộn ràng. Trên đường, xe ô tô chở lúa chạy mướt ga qua đoạn đường bê tông thẳng tắp. Dưới sông Kiến Giang cũng tấp nập thuyền khẳm lúa vàng, tiếng nói cười lao xao hỏi nhau hôm nay giá thóc bao nhiêu. Toàn huyện có diện tích gieo cấy 9.600ha, theo đánh giá bước đầu, năng suất lúa bình quân đạt 62 tạ/ha, cao hơn vụ đông xuân năm ngoái. Các địa phương có năng suất vượt lên như An Thủy, Lộc Thủy, Phong Thủy…

Tại HTX Thượng Phong (xã Phong Thủy), ông Võ Văn Khinh, Chủ nhiệm HTX cho biết năng suất bình quân trên diện tích 250 ha lúa của HTX đạt 66 tạ/ha, tức cao hơn năm ngoái 2 tạ/ha. Cánh đồng xã Liên Thuỷ rực vàng trong nắng. Trên 25 ha lúa giống XT28 như đang tạo điểm nhấn về năng suất. Dù bông lúa đã chín vàng nhưng lá đang xanh. Ông Phạm Hữu Thảo - Phó Chủ tịch UBND huyện nhổ một bụi lúa ven bờ dùng tay đo, hồ hởi bảo tôi: “Lúa cao 1,3 m, thân chắc, năng suất này cũng đạt trên 70 tạ/ha”.

Tương tự, bên huyện Bố Trạch cũng đang tưng bừng trước vụ lúa bội thu. Tất cả các xã, HTX trong huyện đều có năng suất lúa cao hơn năm trước, đặc biệt là các xã có chân ruộng cao. Ông Nguyễn Cẩm Lâm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện hồ hởi: “Năng suất lúa bình quân toàn huyện đạt trên 52 tạ/ha, tăng trên 4 tạ/ha so với vụ đông xuân trước”.

 Cũng theo ông Lâm, Bố Trạch có trên 2.000 ha lúa phải gieo lại. Mặc dù gặp khó khăn về giống, nhưng các địa phương đã rất dứt khoát trong việc động viên bà con nông dân không sử dụng các giống đã bị thoái hóa, đó cũng là điều then chốt làm nên mùa vàng.

Lúc gian khó càng quyết liệt

Nông dân Bùi Văn Hải (xã Lộc Thuỷ - Lệ Thuỷ) có diện tích lúa 5,3 ha, năng suất đạt 65 tạ/ha, cho tổng sản lượng trên 35 tấn. Ông Hải cho hay: Với giá lúa bán như hiện nay thì mỗi ha lãi khoảng 20 triệu đồng.

Mặc dù chưa có con số năng suất bình quân của toàn tỉnh, nhưng hầu hết các địa phương đều có năng suất vượt hơn vụ đông xuân năm ngoái từ 2- 5 tạ/ha. Để có được một vụ bội thu sau những khó khăn tưởng khó vượt qua là sự chỉ đạo quyết liệt của ngành Nông nghiệp.

Theo ông Hoàng Văn Mịn - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình thì: “Cần phải có những phản ứng nhanh nhạy, kịp thời trước diễn biến bất thường của thời tiết. Bằng các nguồn ngân sách, tỉnh đã hỗ trợ hàng chục tỷ đồng mua giống để nông dân gieo lại trên những diện tích bị hư hại do rét đậm, đảm bảo đạt kế hoạch đề ra”.

Nhiều địa phương đã áp dụng biện pháp gieo thẳng trong diện tích phải gieo lại, rút ngắn thời gian sinh trưởng của lúa. Tất cả các địa phương đều bám sát tình hình thực tế, động viên bà con nông dân cố gắng phủ kín diện tích, không được để ruộng bị bỏ hoang do thiếu giống, thiếu mạ. Mặt khác, nhiều địa phương đã mạnh dạn đổi mới chất lượng giống, đưa các loại có năng suất, chất lượng cao như XT28, QS2, lúa lai... vào sản xuất thay thế dần các giống bị thoái hoá.

Điều đáng nói nữa là vụ đông xuân năm nay, nhiều địa phương Quảng Bình đã dốc “hầu bao” hỗ trợ nông dân phòng trừ sâu bệnh và chuột phá hại. Như huyện Lệ Thuỷ đã chi 500 triệu đồng cho các xã mua thuốc diệt chuột sinh học Biorat về sử dụng. Ông Phạm Hữu Thảo - Phó Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh: “Với việc hỗ trợ cho tất cả các địa phương trong huyện đồng loạt đánh bả sinh học diệt chuột đã có hiệu quả cụ thể, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do chuột. Đây là tiền đề quan trọng để bước vào vụ hè thu đảm bảo tiếp tục thắng lợi”.

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm