| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình nỗ lực vượt qua đợt rét

Thứ Năm 09/02/2012 , 09:52 (GMT+7)

Vụ ĐX năm nay, Quảng Bình gieo trồng trên 27.000 ha lúa. Qua đợt rét kéo dài vừa qua, hơn 300 ha diện tích lúa bị thiệt hại phải gieo lại...

Nông dân Tuyên Hóa gieo lại diện tích lúa chết
Đứng bên bờ mương sát cạnh cánh đồng ngoài, ông Cao Ngọc Uyên- Chủ tịch UBND xã Minh Hóa (huyện Minh Hóa) cho hay, theo kinh nghiệm của bà con thì gặp khi rét kéo dài cần cố gắng tháo nước còn 2- 3 cm để cây mạ non khỏi bị ngâm trong nước giá buốt, khỏi chết.

Sau đó bón cho lúa tro hay thúc supe lân để củng cố rễ cho cây. Trên diện tích có mật độ lúa bị ảnh hưởng do rét khoảng 30% thì nên giữ nguyên. Sau khi cây lúa qua đận rét phát triển lên thì chịu khó tỉa dặm là đảm bảo tốt, mùa chắc ngay.

Nông dân đừng ngại khổ

Khác với năm trước, vào vụ ĐX năm nay, huyện Minh Hóa bị rét đậm bổ sung kéo dài hơn tháng. Tuy trời không rét đậm nhưng mưa lạnh kéo dài khiến cây lúa gieo trên đồng cứ trân lại không chịu phát triển. Theo ông Đinh Hữu Niên- Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa báo cáo với đoàn công tác của Sở NN-PTNT tỉnh thì huyện có trên 460 ha gieo trồng theo kế hoạch, đã thực hiện gieo cấy 280 ha và bị thiệt hại trong đợt rét 177 ha...

Đoàn công tác cùng lãnh đạo huyện Minh Hóa thực tế tại các địa phương có diện tích gieo cấy lớn nhất. Tại xã Minh Hóa, ông Cao Ngọc Uyên- Chủ tịch UBND xã đưa đoàn ra kiểm tra cánh đồng rộng. Những vạt ruộng còn màu đất nâu. Mầm lúa đang bật lên khỏi mặt nước ruộng nhìn khá yếu ớt.

Ông Uyên cho hay: “Xã có gần 70 ha đã gieo xong trước tết với các loại giống như Khang Dân, Xi 23, P6 đột biến... Do rét lạnh kéo dài nên cây lúa nẩy mầm yếu. Những chỗ bị thiệt hại nặng thì khoảng 30%. Những nơi khác cũng vậy thôi. Trừ trường hợp những mảnh ruộng nào do bà con không chịu tháo bớt nước, không chịu khó trong giá rét thăm ruộng điều tiết nước thì thiệt hại nặng phải gieo lại. Làm nông dân mà không chịu khổ thì thiệt hại là cái chắc”.

Huyện Tuyên Hóa có kế hoạch gieo cấy 1.500 ha, bà con đã xuống đồng trên 1.400 ha, số diện tích còn lại đang được triển khai xuống giống. Ông Nguyễn Tri Phương, Trưởng phòng NN- PTNT huyện cho hay: “Mưa kéo dài và lạnh đã làm ảnh hưởng lớn đến vụ ĐX. Toàn huyện có 230 ha bị ảnh hưởng do rét, trong đó có khoảng 70 ha phải gieo lại. Tuy nhiên, bà con ở các xã đã chủ động gieo lại để kịp thời vụ”.

Qua đò Sảo Phong, chúng tôi về thôn Mã Thượng (xã Phong Hóa- Tuyên Hóa), nơi được xem là bị thiệt hại nặng. Cánh đồng rộng với vài bóng người đang đi lại trên bờ. Ông Nguyễn Văn Tâm, một nông dân ở đây than: “Rét kéo dài gần 40 ngày rồi, lúa má chịu không sao phát triển được. Mấy hôm rét, bà con phải tranh thủ ra đồng xem cây lúa phát triển đến đâu và tiết nước cho phù hợp. Cả thôn có khoảng 30 ha lúa phải gieo lại thì bà con cũng đã làm xong hết rồi”.

Trên con dốc nhỏ sát bến đò, chị Lê Thị Hà đang cố đẩy chiếc xe đạp chở bao tải nhỏ lên dốc. Chị đứng lại nghỉ lấy hơi và trò chuyện: “Nhà tôi có 4 sào, sát chân lèn núi đá nên lúa bị chết nhiều phải gieo lại. Ngay hôm mồng 3 tết, cả nhà đã phải ra đồng. Chi phí giống, thuốc trừ cỏ, công cũng hết ngót triệu đồng. Hôm nay, tôi tranh thủ ra huyện mua mấy thứ thuốc về để ra ruộng”. Chị Hà cũng cho biết thêm nhà có 3 sào ngô hiện chưa thể gieo được vì đất nhão do mưa, không thể làm gì được.

Tranh thủ lịch thời vụ

Theo ông Phương, toàn huyện Tuyên Hóa có gần 1.100 ha đất trồng ngô, nhưng mới chỉ gieo được 600 ha ở vùng đất tương đối cao, ráo nước. Những ngày bớt rét, các địa phương thúc giục bà con ra đồng tranh thủ làm đất. Tuy nhiên, việc chậm tiến độ gieo trồng là khó tránh khỏi.

Ông Phan Văn Khoa- GĐ Sở NN- PTNT Quảng Bình:

"Vụ ĐX năm nay, Quảng Bình gieo trồng trên 27.000 ha lúa. Qua đợt rét kéo dài vừa qua, hơn 300 ha diện tích lúa bị thiệt hại phải gieo lại. Tỉnh đã chủ động cung cấp giống cho bà con với các nguồn từ Cty CP TCty Nông nghiệp Quảng Bình và Trung ương hỗ trợ, sẽ được gieo trồng xong trước ngày 15/2”.

“Các địa phương phải cố gắng gieo trên những diện tích đã làm được đất. Còn lại những vùng không làm kịp thì chuyển đổi cây trồng sang loại khác. Huyện cũng khuyến cáo bà con thực hiện gieo mạ ngô trên sân nhà, vườn nhà. Khi làm đất xong có thể đưa mạ ngô ra trồng luôn. Như vậy sẽ tranh thủ được lịch thời vụ và có thể dặm được vào những luống ngô không nảy mầm, chất lượng kém mà không sợ bị lỗi về thời gian”- ông Phương nhắc nhở.

Vùng lúa Quảng Trạch cũng đang cố gắng chạy đua với thời tiết. Toàn huyện Quảng Trạch đã gieo cấy được 5.600 ha lúa. Do đợt rét đậm vừa qua, trên địa bàn huyện có khoảng 300 ha lúa bị bạc lá và đình trệ sinh trưởng. Trước tình hình này, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành liên quan, các xã, thị trấn tích cực động viên bà con chăm bón cho cây trồng, đặc biệt là gieo, dặm lại số diện tích lúa bị hư hại.

Ông Nguyễn Chí Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch cho biết: “Ngay sau tết, bà con đã đồng loạt xuống đồng, bón phân, dặm và gieo lại các diện tích cây trồng bị hư hại và phun các loại thuốc, hóa chất phòng chống sâu bệnh, nhằm bảo đảm cho một vụ mùa bội thu”.

Huyện Bố Trạch gieo cấy trên 4.800 ha lúa với các giống chủ lực X21, X23, NX30, IR 35366, X33. Ngay từ đầu vụ do rét đậm kéo dài nên một số diện tích lúa gieo thẳng phát triển kém, toàn huyện cũng đã tiến hành gieo lại trên 270 ha...

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cây mía quay quắt trong nắng nóng như thiêu đốt

GIA LAI Trong cái nắng nóng như thiêu đốt, vùng mía nguyên liệu trồng mới lẫn mía tái sinh của Nhà máy đường An Khê (Gia Lai) đang quay quắt trong ‘chảo lửa’…

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.