| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình: Vừa tái đàn vừa chống dịch bệnh

Thứ Sáu 14/08/2020 , 07:11 (GMT+7)

Tỉnh Quảng Bình vừa tập trung chỉ đạo tái đàn, đồng thời phòng chống dịch bệnh trên đàn lợn…

 Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Quảng Bình cho hay, đến giữa tháng 8 năm nay, các địa phương trong tỉnh đã tập trung tái đàn lợn theo đúng kế hoạch. Cùng với việc tái đàn, nhiều biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cũng được gấp rút triển khai.

Tái đàn bảo đảm an toàn sinh học

 Trong năm 2019, trang trại lợn của ông Hoàng Văn Long ở xã Quảng Tiên, TX Ba Đồn bị dính dịch tả lợn Châu Phi, nên toàn bộ số lợn buộc phải bị tiêu hủy. Qua năm nay, khi công bố hết dịch, ông Long đã tích cực thực hiện các giải pháp an toàn sinh học và nhanh chóng tái đàn.

Trang trại Vũ Trung (huyện Lệ Thủy) nhập giống lợn bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh. Ảnh: N. Lan.

Trang trại Vũ Trung (huyện Lệ Thủy) nhập giống lợn bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh. Ảnh: N. Lan.

Thực hiện chương trình chăn nuôi sạch, ông liên kết với Công ty Quế Lâm tiến hành nuôi 11 con lợn nái theo quy trình hữu cơ. Hiện đàn lợn đã bắt đầu sinh sản lứa đầu tiên.

Ông Long cho biết, trang trại đã áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, thức ăn, quản lý nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc giữa vật nuôi và mầm bệnh. Khu vực chuồng trại luôn được phun tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột… để làm sạch môi trường.

“Chúng tôi luôn tuân thủ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn Châu Phi”, ông Long cho hay.

Gia trại của bà Nguyễn Thị Hồng (huyện Quảng Ninh) cũng đã bắt nhịp vào việc tái đàn. Trước dịch, nhà bà có 3 lợn nái được bà “bảo vệ” nghiêm ngặt nên không bị nhiễm bệnh. Đến nay, bà đã xuất bán 2 lứa với gần 80 con lợn giống.

Bà Hồng bảo, lợn nhà nuôi nên xuất giống cho bà con rất yên tâm. Giá lợn giống cao mà cũng không đủ cung cấp cho bà con. Bà nói: “Mặc dù không có điều kiện đầu tư chuồng kín nuôi lợn nhưng gia đình luôn chú trọng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn lợn, bảo đảm nguồn thức ăn chất lượng, chuồng trại sạch sẽ”.

Để việc tái đàn thành công, các trang trại đã quyết liệt từ khâu mua lợn giống bảo đảm nguồn gốc rõ ràng. Ngoài ra, phải xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn Châu Phi và được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin trước khi thả nuôi.

Trên thực tế, việc chăn nuôi lợn vẫn được nhiều trang trại thực hiện có hiệu quả trong bối cảnh bệnh dịch dần được kiểm soát và khống chế. Ngay từ đầu năm 2020, các trang trại được công nhận an toàn dịch bệnh vẫn tiếp tục duy trì đàn lợn nái và tái đàn lợn thương phẩm với số lượng lớn.

Trong đó, trang trại Vũ Trung (huyện Lệ Thủy) nhập giống lợn bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh, duy trì đàn lợn nuôi thịt với quy mô khoảng 1.200 con, góp phần tăng đàn lợn của tỉnh hơn 11.000 con ngay sau 2 tháng công bố hết dịch tả lợn Châu Phi.

Tăng cường phòng chống dịch bệnh

Trước nguy cơ tái phát bệnh dịch tả lợn Châu Phi còn khá cao, Sở NN-PTNT Quảng Bình luôn xác định công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm. Theo ông Mai Văn Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Bình thì từ đầu năm đến nay, Sở đã chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng tại những khu vực có nguy cơ phát tán dịch bệnh.

Chi cục Chăn nuôi - Thú y  Quảng Bình yêu cầu các đơn vị tiếp tục thông tin, tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng về tính chất nguy hiểm của bệnh dịch, nguy cơ dịch tái phát, lây lan trên diện rộng. Khuyến khích người dân thực hiện các biện pháp phòng dịch trong chăn nuôi lợn…

“Chúng tôi phối hợp với các chính quyền cấp xã, phường tăng cường giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm ổ dịch, khống chế, không để dịch bệnh lây lan. Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp cố tình không khai báo dịch bệnh, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra ngoài môi trường”, ông Trần Công Tám nhấn mạnh.

Thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi - Thú y Quảng Bình đã cùng các địa phương tổ chức phun tiêu độc khử trùng đại trà, thực hiện tiêm phòng đàn lợn, đặc biệt là vùng có nguy cơ cao, ổ dịch cũ.

Đến nay, Chi cục đã phối hợp cùng các huyện, thành phố triển khai tiêm vaccine dịch tả lợn được gần 150.000 liều. “Tuy nhiên, so với kế hoạch chưa đạt cao. Vì vậy, chúng tôi phải tăng cường nhằm mục tiêu tiêm phòng và ngăn chặn dịch bệnh”, ông Tám cho hay.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi - Thúy y Quảng Bình tăng cường tiêm phòng dịch bệnh trên đàn lợn. Ảnh: N.Lan.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi - Thúy y Quảng Bình tăng cường tiêm phòng dịch bệnh trên đàn lợn. Ảnh: N.Lan.

Xem thêm
Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.