| Hotline: 0983.970.780

Quảng Nam: Đầu nậu thuê dân phá rừng

Thứ Hai 21/11/2011 , 08:50 (GMT+7)

Nhiều diện tích rừng phòng hộ ở huyện miền núi Hiệp Đức (Quảng Nam) bị người dân địa phương đốn hạ để lấy đất trồng cao su và keo. Tình trạng này ngày càng diễn ra nghiêm trọng khi phía sau những hộ dân địa phương còn có sự “tiếp tay” của nhiều “ông chủ lớn”.

* Được trả từ 200.000- 500.000đ/công

Ngành chức năng kiểm tra những diện tích rừng phòng hộ bị phá

Khi gỗ nguyên liệu giấy tăng giá và cây cao su cho lợi nhuận cao, lập tức nhiều diện tích rừng phòng hộ ở huyện miền núi Hiệp Đức (Quảng Nam) bị người dân địa phương đốn hạ để lấy đất trồng cao su và keo. Tình trạng này ngày càng diễn ra nghiêm trọng khi phía sau những hộ dân địa phương còn có sự “tiếp tay” của nhiều “ông chủ lớn”.

Đua nhau phá rừng chiếm đất

Tan hoang! Những ai được tận mắt chứng kiến cảnh hoang tàn của những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn ở huyện Hiệp Đức (Quảng Nam) trong thời điểm này đều phải thốt lên như vậy. Không tan hoang sao được khi nạn phá rừng ở đây không còn diễn ra trong lén lút mà công khai. Nhiều nơi, những đối tượng phá rừng còn điều cả phương tiện cơ giới, thuê hàng chục nhân công làm ào ạt cứ như đã được cấp phép.

Tại tiểu khu 509 thuộc rừng phòng hộ Nà Riềng nằm trên địa bàn thôn 4- xã Quế Lưu, chúng tôi được biết đã có đến 19 ha rừng đã bị “khai tử”. Theo các cán bộ địa phương, vùng rừng này trước đây xanh bạt ngàn, cây to đến mấy người ôm giờ đã bị “cạo” đến trọc. Trong đó có nhiều vùng bị phá trắng. Con số thống kê sơ bộ của ngành chức năng cho biết tại đây đã có ít nhất 650 cây gỗ lớn có đường kính từ 20cm đến 50cm đã bị đốn hạ.

Vùng rừng Cà Xay thuộc thôn 2 xã Sông Trà cũng đang lâm tình trạng tương tự. Ông Huỳnh Năm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hiệp Đức cho biết: “Mấy năm gần đây, giá gỗ nguyên liệu giấy tăng cao, người trồng rừng có thu nhập bình quân 50 triệu đồng/ha, lãi ròng khoảng 25 triệu/ha nên bị đồng tiền làm cho “mờ mắt”, ào ạt phá rừng phòng hộ để lấy đất trồng keo. Chỗ bị phá ít cũng một vài hecta, có nơi bị phá mạnh đến hàng chục hecta. Tập trung nhiều nhất ở các xã: Hiệp Thuận, Thăng Phước, Quế Lưu, Phước Trà, Sông Trà”. Tính đến nay, tại huyện Hiệp Đức đã có đến 13.000 ha keo và 3.100 ha cao su, trong đó có không ít là đất của rừng phòng hộ trước đây.

Theo báo cáo của Phòng TN-MT huyện Hiệp Đức, tình trạng lấn chiếm, xâm hại đất đai, phá rừng phòng hộ mục đích lấy đất trồng keo ở các địa phương hầu hết là trái phép. Tại xã Quế Lưu có 5 điểm phá rừng phòng hộ Nà Riềng đang được kiểm lâm huyện xử lý. Đặc biệt, ở xã Thăng Phước có đến 18 trường hợp, trong đó UBND xã chuyển hồ sơ 2 trường hợp để kiểm lâm huyện xử lý. Vụ vi phạm tại xã Sông Trà đang được ngành kiểm lâm, Phòng NN-PTNT và Phòng TN-MT huyện cùng kiểm tra làm rõ.

Các “ông chủ lớn” thao túng

Theo giải thích của những hộ dân vi phạm thì do không có đất canh tác nên mới phá rừng để chiếm đất. Thế nhưng nếu chỉ là những bức xúc về đất canh tác thì nạn phá rừng ở đây không ào ạt và diễn ra quy mô đến thế. Theo chúng tôi được biết, phía sau những hộ dân địa phương luôn có các “ông chủ lớn”, lắm tiền. Với chiêu bài “2 bên cùng có lợi”, những “ông chủ” này mồi chài người dân địa phương ra tay phá rừng chiếm đất, sau đó họ sẽ đầu tư trồng rừng SX, đến khi thu hoạch sẽ được ăn chia.

Mặc dù lợi nhuận từ trồng keo cao là vậy nhưng dân địa phương thì không đủ lực để đầu tư trồng diện tích lớn. Do vậy, những diện tích rừng bị phá nhất định sau này sẽ thuộc 1 “đầu nậu” nào đó bao trọn. Hành vi phá rừng của người dân địa phương đa số là làm thuê. Hiện nay, công phá rừng tạo rẫy ở đây được trả từ 200.000- 500.000đ/ngày tùy vùng rừng xa, gần và tùy tính chất công việc nên nhiều người tham gia.

Ông Lê Văn Dũng, Bí thư Huyện uỷ Hiệp Đức kiên quyết: “Huyện vừa tổ chức kiểm điểm đối với Bí thư, Phó Bí thư Đảng uỷ và Chủ tịch UBND các xã đã để xảy ra tình trạng phá rừng. Đồng thời chỉ đạo UBND huyện cùng các cơ quan chức năng huyện kiểm tra cụ thể từng trường hợp, đủ điều kiện thì khởi tố, điều tra làm rõ cán bộ liên quan và đầu nậu tổ chức xúi giục dân”.

"Rừng phòng hộ có sẵn, nhân công cũng sẵn nên các “ông chủ” mặc sức thao túng. Rừng SX thu lợi nhuận cao là thế nhưng thực chất tiền dồn cả vào túi của các đầu nậu chứ người dân địa phương chẳng có gì. Thậm chí các đầu nậu còn mồi chài nông dân mang sổ đỏ đất rừng “cầm cố” cho họ gọi là để góp vốn làm ăn. Chúng tôi đang theo dõi, quản chặt việc này để không xảy ra nạn cả làng dồn sổ đỏ giao nộp cho các đầu nậu”, ông Huỳnh Năm- Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hiệp Đức bức xúc.

Ông Năm cũng nêu ra những trường hợp cụ thể để minh chứng. Như vụ 7 ha ở xã Sông Trà xảy ra cả tháng rồi ngành chức năng huyện mới biết sau khi có "thông tin mật" của dân địa phương. Khi ngành chức năng đến kiểm tra thì hiện trường chỉ có người làm thuê. Hỏi mãi họ mới cho biết là đang làm thuê cho ông Kh. ở thị trấn Tân An cùng một “cán bộ” khác.

Hoặc như 19 ha rừng phòng hộ Nà Riềng, người dân cũng cho biết là có “ông chủ lớn” đứng sau tổ chức. Đáng quan ngại hơn, vụ phá rừng Nà Riềng không đơn thuần là chỉ để lấy đất trồng rừng SX mà còn để lấy cây rừng. Đến nay đã khởi tố vụ án với 3 bị can, trong đó có đối tượng là người đến từ thị trấn Tân An.

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đề xuất xây cầu 3.500 tỷ đồng nối Bến Tre và Trà Vinh

Trà Vinh Dự án cầu Cổ Chiên 2 với vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2030.