| Hotline: 0983.970.780

Để mảnh đất ‘Chín Rồng’ giàu lên từ con tôm

Cải thiện hạ tầng vùng nuôi tôm

Thứ Ba 17/08/2021 , 12:49 (GMT+7)

ĐBSCL Hiện chỉ có 40% diện tích các vùng nuôi tôm được đầu tư hệ thống cung cấp điện 3 pha, hạ tầng thủy lợi phục vụ cấp nước, tiêu thoát nước rất yếu kém.

Tại hội nghị trực tuyến bàn về giải pháp phát triển ngành tôm bền vững và triển khai thực hiện Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT đã đưa ra nhiều giải pháp để nâng giá trị ngành tôm, nhất là tại ĐBSCL.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến. Ảnh: Võ Việt.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến. Ảnh: Võ Việt.

Vấn đề môi trường còn bức xúc

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, diện tích nuôi tôm của Việt Nam hiện nay khoảng 740.000 ha. Muốn tăng diện tích nuôi trồng để tăng sản lượng tôm thương phẩm là rất khó. Thậm chí, diện tích nuôi tôm năm 2021 có xu hướng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2020.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, ngành tôm cần nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành con giống, thức ăn, kiểm soát môi trường nuôi và thú y phòng bệnh, đẩy mạnh chế biến gắn với ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, cần phải có nguồn lực để hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật các vùng nuôi tôm, nhất là ở các tỉnh vùng ĐBSCL.

“Hiện nay, chỉ có 40% diện tích các vùng nuôi tôm được đầu tư hệ thống cung cấp điện 3 pha, hạ tầng thủy lợi phục vụ cấp nước, tiêu thoát nước thì yếu kém nên cần phải tập trung vào”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Ông cũng cho biết, thời gian tới Bộ NN-PTNT sẽ huy động nguồn vốn từ ngân sách Trung ương cho đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới và các nguồn vốn khác để đầu tư hạ tầng các vùng trọng điểm sản xuất tôm giống, vùng nuôi trồng ứng dụng công nghệ cao các tỉnh ven biển ĐBSCL.

Cơ sở hạ tầng phục vụ cho nuôi tôm hiện nay vẫn còn yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Ảnh: Võ Việt.

Cơ sở hạ tầng phục vụ cho nuôi tôm hiện nay vẫn còn yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Ảnh: Võ Việt.

Bên cạnh đó, sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, Bộ NN-PTNT sẽ tổ chức hội nghị tại khu vực phía Nam, mời Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước để bàn về việc huy động nguồn vốn tín dụng và hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản tại ĐBSCL.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho rằng, muốn phát triển ngành tôm một cách bền vững, chắc chắn phải có giải pháp để xử lý môi trường tại vùng nuôi. “Hiện nay để sản xuất 1kg tôm thì phải thải ra môi trường mấy trăm gram bùn thì rất khó kiểm soát môi trường, kiểm soát nguồn gây bệnh”.

Ông đề nghị Tổng cục Thủy sản phải nghiên cứu để xây dựng một đề án xử lý môi trường cho vùng nuôi tôm gắn với phát triển hạ tầng để xử lý triệt để vấn đề này, không thể để chất thải từ ao này chảy sang ao khác.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng chỉ đạo Cục Thú y tăng cường kiểm soát dịch bệnh và có giải pháp xử lý phù hợp, hạn chế thiệt hại cho người nuôi thông qua tăng cường xây dựng và phát triển vùng nuôi an toàn dịch bệnh. “Cái này chúng ta đã làm rất công phu ở Bạc Liêu và Tập đoàn Việt – Úc, do đó cần quan tâm hơn nữa. Phải coi trọng công tác phòng, chống dịch bệnh đối với vật nuôi dưới nước như vật nuôi trên cạn”, ông Phùng Đức Tiến nói.

Ảnh: Võ Việt.

Ảnh: Võ Việt.

Cấp mã số vùng nuôi còn chậm, nhiều vướng mắc

Để nâng cao chất lượng và thương hiệu của tôm Việt, Thứ trưởng yêu cầu Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản kiểm soát tốt an toàn thực phẩm tôm nguyên liệu, kiểm soát tốt tạp chất, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm tôm. Bên cạnh đó, muốn xuất khẩu được, Cục cần hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ sản xuất tôm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn của từng thị trường.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản chủ động thường xuyên đánh giá diễn biến của thị trường để đề xuất giải pháp, kịp thời thông tin tuyên truyền giúp các địa phương và người sản xuất lập kế hoạch sản xuất phù hợp.

“Không để đến lúc doanh nghiệp, bà con xuống giống rồi mới dự báo. Phải tổng kết cả quá trình, dự báo các thị trường lớn để tránh tình trạng được mùa mất giá. Vì thị trường quyết định tái cơ cấu”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Đối với đề xuất của các tỉnh Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau nhằm giải quyết các vướng mắc trong quá trình cấp mã số ao nuôi tôm, mã số vùng nuôi, cấp giấy đăng ký cơ sở nuôi tôm theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và Nghị định 26 của Chính phủ, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định: Hiện nay bình quân chỉ có 10% diện tích ao nuôi tôm được cấp mã số là không đáp ứng được yêu cầu.

Do đó, Bộ NN-PTNT sẽ bàn với Bộ Tài nguyên và Môi trường để trình Chính phủ sửa Nghị định 26, tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn để các địa phương thực hiện cấp mã số ao nuôi, vùng nuôi. Bởi thị trường đòi hỏi sản phẩm phải truy xuất được nguồn gốc xuất xứ. Mà mã số vùng trồng, mã số vùng nuôi là một trong những yếu tố quan trọng để truy xuất nguồn gốc.

Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, từ thực tiễn kết quả xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm cá tra (hiện nay 80% hộ sản xuất đều tham gia vào chuỗi với sự dẫn dắt của doanh nghiệp), có thể khẳng định giá trị sản phẩm của các chuỗi bao giờ cũng cao hơn những hộ đứng ngoài.

Do đó, việc đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến, thương mại hóa trong chuỗi giá trị ngành tôm là rất quan trọng.

Xem thêm
Người nuôi biển Vân Đồn làm lớn, xây chuỗi liên kết rong - hàu 5 sao

QUẢNG NINH Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam tin tưởng Chi hội Nuôi biển Vân Đồn sẽ đem lại thành công cho dự án chuỗi liên kết rong - hàu 5 sao.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.