| Hotline: 0983.970.780

Quảng Nam: Nhiều diện tích tôm nuôi chết hàng loạt

Thứ Sáu 25/02/2022 , 10:03 (GMT+7)

Hàng chục ha nuôi tôm thẻ chân trắng chưa đến thời kỳ thu hoạch bất ngờ chết hàng loạt gây thiệt hại cho các hộ dân tỉnh Quảng Nam trong vụ tôm đầu năm.

Sau 1 thời gian ngắn, nhiều ao nuôi tôm ở Quảng Nam bất ngờ xuất hiện hiện tượng chết hàng loạt. Ảnh: L.K.

Sau 1 thời gian ngắn, nhiều ao nuôi tôm ở Quảng Nam bất ngờ xuất hiện hiện tượng chết hàng loạt. Ảnh: L.K.

Khoảng nửa tháng qua, các hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam như Tam Phú, Tam Thăng (TP Tam Kỳ), Duy Vinh, Duy Nghĩa, Duy Thành (Duy Xuyên) vô cùng lo lắng trước hiện tượng tôm bất ngờ chết hàng loạt. Theo các chủ hồ, hiện tượng tôm chết xảy ra nhất nhanh, chỉ sau vài ngày là đã “trắng hồ”.

Anh Trần Văn Nhật (trú xã Tam Phú, TP Tam Kỳ) cho biết, vụ nuôi này anh thả hơn 1 triệu tôm giống xuống 5 hồ nuôi của gia đình. Thế nhưng, vài ngày trước, tôm trong các hồ bất ngờ có biểu hiện chết, lúc đầu chỉ 1 số ít nhưng sau vài ngày thì toàn bộ số tôm nuôi đều chết sạch.

“Thấy là tôm chết nhưng không có cách nào để chữa trị cả. Vì tất cả ao nuôi tôi mới chỉ thả tôm được gần 1 tháng nên kích thước còn rất nhỏ, không thể vớt bán để hạn chế được thiệt hại. Tính ra, vụ này riêng tiền giống tôi đã mất hơn 100 triệu đồng, chưa tính tiền thức ăn và các chi phí đầu tư khác. Giờ chỉ còn cách xử lý ao rồi thả nuôi lại lứa khác”, anh Nhật nói.

Nhiều hồ nuôi tôm sau vài ngày đã chết sạch. Ảnh: L.K.

Nhiều hồ nuôi tôm sau vài ngày đã chết sạch. Ảnh: L.K.

Tại vùng nuôi tôm xã Tam Phú có đến hàng chục hộ làm nghề nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích hàng chục ha. Chỉ sau 1 thời gian ngắn, số lượng ao nuôi có tôm chết đã hơn 1 nửa. Đa số tôm bị chết trong các ao của người dân nơi đây đều có biểu hiện chung là hoạt động yếu, biếng ăn, lờ đờ tấp vào bờ, trên thân tôm xuất hiện màu hồng, ban đầu là đốm nhỏ rồi lan nhanh phủ khắp toàn thân.

Theo kinh nghiệm của các hộ nuôi tại đây, những biểu hiện trên là của bệnh đường ruột và hồng thân thường xuyên xuất hiện trên tôm, gây thiệt rất lớn cho họ trong nhiều năm gần đây. “Bệnh hồng thân này dù phát hiện sớm cũng không thể cứu chữa được. Vụ này, với diện tích 2.000m2 ao nuôi, gia đình tôi cũng thiệt hại mấy chục triệu đồng”, ông Nguyễn Mạnh Tiến (trú thôn Quý Ngọc, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ) chia sẻ.

Được biết, vụ tôm này hầu hết các hộ dân đều bắt đầu thả nuôi từ tháng 12 năm 2021 đến tháng 1 năm 2022. Thời gian thả chưa lâu kèm theo những đợt không khí lạnh kéo dài vừa qua khiến tôm chậm lớn. Do đó, đa số những ao nuôi có tôm chết đều có kích thước rất nhỏ, không thể bán “non” để vớt vát lại chút vốn nào. Chỉ có 1 số ít hồ thả sớm hơn nhưng chỉ bán được với giá rất rẻ từ 30.000 – 50.000 đồng/kg.

Các chủ hồ cho biết, thời gian qua dịch bệnh cũng như thời tiết lạnh đột ngột khiến cho tôm nuôi chậm lớn. Ảnh: L.K.

Các chủ hồ cho biết, thời gian qua dịch bệnh cũng như thời tiết lạnh đột ngột khiến cho tôm nuôi chậm lớn. Ảnh: L.K.

Ông Ngô Lê Hoàng Vũ, Cán bộ phụ trách nông nghiệp của UBND xã Tam Phú, TP Tam Kỳ cho biết, theo thống kê mới nhất thì vụ tôm đầu năm 2022, toàn xã có 80ha nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng triều ven sông Trường Giang. Đến nay đã có 50ha tôm bị chết hàng loạt, chủ yếu là bệnh hồng thân. “Bệnh hồng thân xuất hiện trên tôm do nhiều nguyên nhân như nhiễm khuẩn, môi trường và virus. Bệnh này chỉ có thể phòng chứ chưa chữa được nên khi nhiễm là tôm chết. Chúng tôi chờ ngành thủy sản cấp phát Sodium Chlorite 20% để xử lý”, ông Vũ nói.

Ngoài xã Tam Phú, nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng đã xảy ra hiện tượng tôm chết với diện tích tương đối lớn. Trong đó có thể kể đến như xã Tam Thăng (TP Tam Kỳ) với diện tích có tôm bị chết khoảng 42ha; tại huyện Duy Xuyên, 25ha tôm nuôi ở các xã Duy Vinh, Duy Nghĩa, Duy Thành cũng gặp chung tình trạng này.

Bà Hoàng Thị Kim Yến, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Nam cho biết, sau khi nắm thông tin về việc tôm nuôi trên địa bàn chết hàng loạt, đơn vị đã cử cán bộ đến các hồ nuôi để lấy mẫu. Qua kiểm tra, Chi cục chỉ xác định được 1 mẫu ở xã Duy Vinh là do bệnh đốm trắng. Còn ở các vùng khác thì theo bà Yến, tôm chết là do thời tiết thay đổi.

Xem thêm
Hướng đến nuôi biển bền vững: [Bài 3] Nhân rộng mô hình tiên tiến

Thời gian tới, Khánh Hòa sẽ nỗ lực mở rộng mô hình thí điểm phát triển nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến, mở rộng quy mô, khu vực thí điểm.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Cùng ngư dân Trà Vinh thắp sáng đèn trên biển

Trà Vinh Những suất quà tặng bà con ngư dân gồm bình ắc quy, đèn led, combo pin, túi thuốc, cuốn cẩm nang nhằm hỗ trợ, động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển