| Hotline: 0983.970.780

Người nuôi tôm nước lợ phải tuân thủ lịch thời vụ

Chủ Nhật 30/01/2022 , 15:14 (GMT+7)

Phú Yên Để vụ nuôi tôm nước lợ năm 2022 thắng lợi, Sở NN-PTNT Phú Yên yêu cầu người nuôi thực hiện đúng khung lịch thời vụ, áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi phù hợp.

Cùng với đó, người nuôi phải đăng ký và kê khai nuôi trồng thủy sản ban đầu khi thả giống mới.

Nuôi trồng thủy sản gặp khó

Ông Đào Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phú Yên cho biết, trong năm 2021, dịch bệnh trên các đối tượng thủy sản nuôi ít xảy ra và giảm khoảng 51% so với năm trước. Công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi và giám sát dịch bệnh thủy sản được thực hiện tương đối tốt, các ngành chức năng và địa phương thường xuyên hướng dẫn người nuôi biện pháp xử lý môi trường, phòng trị bệnh và chăm sóc thủy sản nuôi.

Năm 2021, người nuôi tôm nước lợ gặp khó do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 khiến giá có tôm có thời điểm giảm mạnh. Ảnh: AN.

Năm 2021, người nuôi tôm nước lợ gặp khó do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 khiến giá có tôm có thời điểm giảm mạnh. Ảnh: AN.

Với diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh khoảng 2.650 ha, tăng 0,3% so với năm 2020, trong đó nuôi tôm nước lợ hơn 2.110 ha. Tổng sản lượng đạt khoảng 14.110 tấn, trong đó sản lượng tôm nước lợ khoảng 9.700 tấn.

Thế nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-9 nên tình hình tiêu thụ và xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn, nhiều hộ nuôi thủy sản ao đìa không có lãi. Ông Trần Minh Chánh, người nuôi tôm ở phường Hòa Hiệp Nam (TX Đông Hòa) xác nhận, năm vừa qua có thời điểm giá tôm chỉ còn từ 70.000 - 75.000 đồng/kg (loại 100 con/kg) nhưng lại tiêu thụ khó khăn. Do đó, nhiều hộ nuôi tôm ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch chỉ đầu tư cầm chừng, giảm lượng thức ăn cho tôm và các khoản chi phí khác nên tôm nuôi chậm phát triển.

Ao nuôi tôm nhà ông Chánh cũng vậy, dù tôm không dịch bệnh nhưng thời gian nuôi kéo dài hơn 3 tháng mới thu hoạch. Do đó, 3 vụ nuôi năm vừa qua, sau khi trừ chi phí ông chỉ lãi khoảng 30 triệu đồng.

Ông Võ Thanh, Phó Trưởng phòng Kinh tế TX Đông Hòa cho biết, trong năm 2021, tổng diện tích thả nuôi tôm nước lợ trên địa bàn thị xã khoảng 935 ha, năng suất bình quân 5,18 tấn/ha, sản lượng khoảng 4.830 tấn. Trong năm có khoảng 48,5ha tôm nuôi trên địa bàn thị xã bị bệnh (giảm 42,16% so với năm 2020), chủ yếu bệnh hoại tử gan tụy cấp. Tuy nhiên do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, sản phẩm nuôi trồng tiêu thụ khó khăn, giá tôm thấp nên người nuôi gặp khó khăn.

Cần tuân thủ lịch thời vụ

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, để vụ nuôi tôm nước lợ năm 2022 thắng lợi, ngành nông nghiệp đã hướng dẫn lịch thời vụ thả giống. Theo đó, đối với nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, thả giống từ tháng 2-8/2022. Các cơ sở nuôi thâm canh, nuôi công nghệ cao, có hạ tầng cơ sở nuôi đảm bảo, không bị ảnh hưởng bởi mưa, lụt, bão có thể thả giống quanh năm.

Người nuôi tôm nước lợ cải tạo ao nuôi để thả giống. Ảnh: KS.

Người nuôi tôm nước lợ cải tạo ao nuôi để thả giống. Ảnh: KS.

Nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến, mật độ nuôi từ 5-20 con PL15/m2 đối với tôm sú và 15-60 con PL12/m2 đối với tôm thẻ chân trắng. Có thể nuôi luân canh các đối tượng khác như cá rô phi, cá măng, hải sâm, cua biển, rong biển hoặc nuôi ghép tôm nước lợ với một số đối tượng khác để giảm ô nhiễm hữu cơ, hạn chế dịch bệnh.

Nuôi bán thâm canh, thâm canh, nuôi công nghệ cao, mật độ hơn 20 con PL15/m2 đối với tôm sú, hơn 60 con PL12/m2 đối với tôm thẻ chân trắng. Sau khi kết thúc vụ nuôi tôm nước lợ, thời gian còn lại, tùy theo điều kiện cơ sở vật chất ao, đìa, thời tiết… người nuôi có thể nuôi một số đối tượng khác để tăng thu nhập.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên yêu cầu các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh cần thực hiện đúng khung lịch thời vụ, áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi phù hợp và đăng ký, kê khai nuôi trồng thủy sản ban đầu khi thả giống mới.

Khi phát hiện thủy sản nuôi có dấu hiệu bất thường hoặc bị nhiễm bệnh, người nuôi cần báo cáo cho chính quyền địa phương hoặc trạm Chăn nuôi và thú y biết để có biện pháp xử lý kịp thời, tuyệt đối không xả nước, chất thải chưa qua xử lý hoặc xác thủy sản chết, bị bệnh ra môi trường.

Khuyến khích các hộ nuôi trong cùng một vùng tổ chức sản xuất theo tổ cộng đồng, áp dụng các quy trình thực hành nuôi tốt, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và an toàn vùng nuôi.

Đối với các địa phương có nuôi trồng thủy sản cần thông báo khung lịch thời vụ đến từng chủ cơ sở nuôi, từng vùng nuôi; triển khai cho các hộ gia đình, cá nhân nuôi trồng thủy sản tiến hành kê khai, đăng ký ngay từ đầu vụ nuôi; hướng dẫn các cơ sở nuôi trồng thủy sản thực hiện đăng ký, ký bản cam kết sản xuất, kinh doanh an toàn thực phẩm theo quy định.

Liên quan vấn đề trên, ông Phương cho biết, Sở NN-PTNT Phú Yên đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản triển khai Luật Thủy sản và các quy định liên quan trong nuôi trồng thủy sản và hướng dẫn các địa phương thực hiện đăng ký nuôi trồng thủy sản, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực cho các hộ nuôi, cấp phép nuôi trồng thủy sản...

Cùng với đó, kiểm tra việc thực hiện điều kiện sản xuất, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn tỉnh; điều kiện sản xuất, kinh doanh thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Từ đó, xử lý các cơ sở vi phạm các quy định về điều kiện sản xuất, không có báo cáo sản xuất. Cũng như phối hợp hợp các đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ quan trắc, cảnh báo diễn biến môi trường các vùng nuôi, khuyến cáo các giải pháp xử lý phù hợp.

Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, thời gian qua, việc ứng dụng khoa học công nghệ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh theo hướng VietGAP và tương đương đối với các sản phẩm chủ lực thủy sản (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm hùm) chưa có nhiều chuyển biến. Trừ một số vùng nuôi được đầu tư theo dự án, phần lớn cơ sở nuôi trồng thủy sản của tỉnh được hình thành từ lâu, mang tính tự phát nên cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được các chỉ tiêu đối với nuôi thương phẩm.

Xem thêm
Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.