| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ngãi lần đầu tiên xuất hiện ổ dịch cúm A/H5N8

Thứ Năm 02/12/2021 , 18:22 (GMT+7)

Đây là lần đầu tiên, tỉnh Quảng Ngãi xuất hiện ổ dịch cúm A/H5N8 với gần 1.000 còn gà bị mắc bệnh. Hiện tại, dịch vẫn chưa có dấu hiệu lây lan.

Cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy đàn gia cầm bị nhiễm Cúm A (H5N8). Ảnh: KĐ.

Cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy đàn gia cầm bị nhiễm Cúm A (H5N8). Ảnh: KĐ.

Giữa tháng 11/2021, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi nhận được báo cáo của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bình Sơn về việc hàng trăm con gà của gia đình ông Phạm Trung Phổ (thôn Đông Yên 1, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn) có biểu hiện bỏ ăn, xù lông, ho, sưng phù đầu, mặt, mào, xuất huyết ở chân, đi lại khó khăn…

Sau đó, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, chính quyền địa phương phối hợp với Chi cục Thú y vùng IV (Cục Thú y) tổ chức đến nơi xảy ra ổ dịch để kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm. Chủ trại nuôi cho biết, đàn gà của gia đình đã được tiêm vacxin ngừa dịch tả, Gumboro, H5N6.

Tại đây, cơ quan chức năng ghi nhận trong tổng số đàn gà 800 con (68 ngày tuổi, trọng lượng ước 1,5kg/con) có 300 con đã chết, 500 con con đang bị bệnh với các triệu chứng nói trên. Đến ngày 24/11, kết quả xét nghiệm của Chi cục thú y vùng IV cho thấy mẫu, mẫu bệnh lấy từ ổ dịch này dương tính với virus cúm A/H5N8.

Ông Ngô Hữu Hạ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi cho biết, sau khi có kết quả xét nghiệm mẫu bệnh, đơn vị này đã phối hợp với Chi cục Thú y vùng IV, UBND huyện Bình Sơn tiêu hủy 500 con gà nhiễm cúm A/H5N8.

“Để tránh dịch bệnh lây lan, chúng tôi cũng hướng dẫn đại phương thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng ổ dịch và môi trường xung quanh, hạn chế người ra vào ổ dịch. Hiện tại chưa phát sinh thêm hộ chăn nuôi nào có dịch A/H5N8”, ông Hạ cho hay.

Tiêu độc khử trùng khu vực hố chôn gia cầm bị nhiễm bệnh. Ảnh: KĐ.

Tiêu độc khử trùng khu vực hố chôn gia cầm bị nhiễm bệnh. Ảnh: KĐ.

Theo Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, đây là lần đầu tiên tỉnh này ghi nhận dịch cúm A (H5N8). Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mưa rét kéo dài tạo điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát sinh, lây lan, Sở đã yêu cầu UBND huyện Bình Sơn chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn, cơ quan chuyên môn tập trung thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về tính nguy hại của dịch bệnh và biện pháp phòng chống dịch, không chủ quan, lơ là. Đồng thời, thường xuyên giám sát, xử lý kịp thời các ổ dịch xảy ra trên địa bàn.

Ông Ung Đình Hiền, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết, huyện đã khẩn trương tổ chức rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vacxin phòng các bệnh trên gia súc, gia cầm, bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn, đặc biệt các dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, lở mồm long móng, viêm da nổi cục…

“Các địa phương cần chủ động giám sát, phát hiện dịch bệnh động vật nguy hiểm, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm ổ dịch mới phát sinh, xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo, dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây ảnh hưởng cho người dân và cộng đồng”, ông Hiền nói.

Xem thêm
Cảnh giác với dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết

Thái Nguyên tăng cường phòng chống dịch tả lợn Châu Phi, bảo đảm nguồn cung thực phẩm các tháng cuối năm 2024, đầu năm 2025, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.