| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Thứ Ba 19/03/2024 , 10:02 (GMT+7)

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Mô hình sản xuất con giống gà bản Đầm Hà của HTX Tuyền Hiền (xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà). Ảnh: Nguyễn Thành.

Mô hình sản xuất con giống gà bản Đầm Hà của HTX Tuyền Hiền (xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà). Ảnh: Nguyễn Thành.

Qua kết quả kiểm tra, đánh giá vào cuối năm 2023 của Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Quảng Ninh, xã Quảng Tân (huyện Đầm Hà) đạt toàn bộ các chỉ tiêu, tiêu chí theo yêu cầu, bao gồm, kết quả giám sát thường xuyên, liên tục trong 6 tháng trên toàn bộ 2 cơ sở sản xuất giống, 15 trang trại và các hộ chăn nuôi lẻ tại 7 thôn của xã.

Đồng thời, xem xét kết quả lấy mẫu xét nghiệm mầm bệnh, đặc biệt là bệnh cúm gia cầm do Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện và Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh cùng thực hiện.

Bà Chu Thị Thu Thủy, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, từ năm 2012 đến nay, toàn xã Quảng Tân phát triển mạnh mô hình chăn nuôi gà bản Đầm Hà, nhưng không phát sinh ổ dịch nào. Đáng chú ý, qua kiểm tra cho thấy, công tác vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng môi trường, xử lý chất thải, nước thải của các hộ chăn nuôi đều được thực hiện tốt.

Được biết, gà bản Đầm Hà là sản vật nổi tiếng nhất của huyện Đầm Hà. Trước đây, giống gà này chỉ được một số ít hộ đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng cao của huyện nuôi theo phương thức chăn thả tự nhiên, quy mô nhỏ lẻ.

HTX Tuyền Hiền (thôn Tân Hòa, xã Quảng Tân) là đơn vị tiên phong trong việc phục tráng và đưa con giống gà bản Đầm Hà đến các hộ nông dân trên địa bàn xã. Từ đó, gà bản Đầm Hà đã trở thành sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng.

Theo ông Nguyễn Văn Tuyền, Giám đốc HTX Tuyền Hiền, để đạt yêu cầu trở thành vùng chăn nuôi an toàn, các mô hình liên kết chăn nuôi gà bản Đầm Hà thương phẩm được thực hiện theo quy trình khép kín từ con giống sản xuất tại chỗ bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, kiểm soát thức ăn trong chăn nuôi... đến tiêu thụ sản phẩm. 

Gà bản Đầm Hà có màu lông sặc sỡ, là sản phẩm OCOP chủ lực của địa phương. Ảnh: Nguyễn Thành.

Gà bản Đầm Hà có màu lông sặc sỡ, là sản phẩm OCOP chủ lực của địa phương. Ảnh: Nguyễn Thành.

Cụ thể, áp dụng nghiêm ngặt theo quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, quy trình phòng bệnh bằng vacxin, nhập con giống có nguồn gốc rõ ràng và được kiểm dịch theo quy định...

Các tác nhân gây bệnh từ con người cũng được lưu ý để có biện pháp kiểm soát chặt chẽ, hạn chế người tự ý ra vào khu chăn nuôi không theo hướng dẫn phòng dịch. Bên cạnh đó, người chăn nuôi phải sử dụng bảo hộ lao động, xe cơ giới chở hàng phải được đi qua hố vôi và sát trùng toàn thân xe.

"Hơn 10 năm nay, nhờ tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc, các hộ chăn nuôi gà bản Đầm Hà tại xã Quảng Tân chưa để xảy ra dịch bệnh, gà phát triển khỏe mạnh, bà con vì thế cũng yên tâm sản xuất", ông Tuyền cho biết.

Việc xã Quảng Tân được cấp chứng nhận “Vùng an toàn dịch bệnh” và là cơ sở đầu tiên của tỉnh đạt được thành tích này mang lại những ý nghĩa quan trọng với ngành kinh tế chủ lực của địa phương. Qua đó, góp phần khẳng định giá trị, mở rộng thêm tiềm năng phát triển kinh tế nông nghiệp tại đây. Hiện nay, nhiều hộ dân trong xã Quảng Tân cũng đã đầu tư chăn nuôi gà bản Đầm Hà theo hướng áp dụng khoa học kỹ thuật, mang lại thu nhập khoảng 200 triệu mỗi năm.

Đáng chú ý, đây sẽ là lợi thế để quảng bá thương hiệu nông sản sạch, an toàn, chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng chuỗi sản xuất, đặc biệt là chế biến sâu, nâng cao giá trị sản phẩm gà bản Đầm Hà.

Sản phẩm gà bản Đầm Hà hiện đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký thương hiệu từ tháng 6/2019, được công nhận đạt 4 sao OCOP và tôn vinh là một trong những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh Quảng Ninh.

Xem thêm
Cây dâu khỏa lấp cây tiêu ở vùng biên

BÌNH PHƯỚC Từng là thủ phủ hồ tiêu của tỉnh Bình Phước, sau thời kỳ hồ tiêu suy thoái, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.