Tỉnh Quảng Ninh có 176 hồ chứa nước đang hoạt động, trong đó có 7 hồ có dung tích trên 10 triệu m3; 5 hồ dung tích lớn hơn 5 triệu m3, 11 hồ dung tích lớn hơn 1 triệu m3, 102 trạm bơm tưới, tiêu các loại và 460 đập dâng cấp nước cho sinh hoạt, công nghiệp, du lịch và sản xuất nông nghiệp, với dung tích hữu ích khoảng 323,12 triệu m3.
Những năm gần đây, do thời tiết diễn biến cực đoan, hạn hán kéo dài, nên mực nước nhiều hồ chứa ở Quảng Ninh thường xuyên ở tình trạng dưới mực nước chết, gây thiếu nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho các địa phương. Điển hình như năm 2020, các hồ chứa ở Quảng Ninh rơi vào tình trạng khô hạn, gây thiếu nước nghiêm trọng cho các địa phương.
Để có những giải pháp mang tính dài hạn, Quảng Ninh đã xây dựng và ban hành "Đề án đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030".
Theo đánh giá hiện trạng về nguồn nước của Đề án này thì Quảng Ninh hiện có khoảng 30 sông, suối với chiều dài trên 10km. Trong đó có 4 con sông lớn: Đá Bạc (đoạn hạ lưu của hệ thống sông Thái Bình), sông Ka Long, sông Tiên Yên và sông Ba Chẽ.
Mặc dù tổng lượng nước mặt của Quảng Ninh trung bình vào khoảng 8.146 triệu m3/năm, nhưng do đặc điểm địa hình chia cắt làm mất cân đối nguồn nước theo mùa và khu vực, gây khó khăn cho việc đáp ứng nguồn nước cho các mục tiêu phát triển. Không những vậy, tình trạng khai thác nước ngầm quá mức có thể dẫn đến nguy cơ cạn kiệt.
Do đó, để đảm bảo nguồn cung cấp nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất trong tương lai, một trong những phương án được đề ra là từ nay đến năm 2025, Quảng Ninh sẽ đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng xây mới các hồ chứa nước. Cụ thể, tại khu vực huyện Ba Chẽ đầu tư xây dựng hồ Khe Tâm (dung tích 1,2 triệu m3); huyện Hải Hà đầu tư xây dựng, nâng cấp hồ Tài Chi (dung tích 7 triệu m3) và hồ Quảng Thành (dung tích 5 triệu m3); khu vực Cô Tô xây dựng hồ chứa nước C22 (dung tích 0,3 triệu m3); khu vực Vân Đồn hoàn thiện việc xây dựng hồ Đồng Dọng.
Riêng khu vực Tây TP Hạ Long - TP Uông Bí - TX Quảng Yên dự kiến đầu tư nâng công suất Nhà máy nước Hoành Bồ thêm 10.000 m3/ngày đêm, xây dựng tuyến ống hòa với mạng lưới cấp nước của Nhà máy nước Đồng Ho.
Ngoài ra, khu vực phía đông TP Hạ Long và TP Cẩm Phả đề xuất triển khai xây dựng nhà máy sản xuất nước sạch từ nguồn nước thải mỏ khu vực Cẩm Phả. Bên cạnh đó, để bảo đảm an toàn và phát huy hiệu quả các công trình hiện có giai đoạn này, Quảng Ninh sẽ sửa chữa, nâng cấp 37 hồ chứa, 36 đập dâng, 5 trạm bơm. Giai đoạn 2026-2030, Quảng Ninh tiếp tục đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng cho các dự án thủy lợi.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Để nâng cao năng lực quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn, Sở NN-PTNT cũng đã có văn bản đề xuất Bộ NN-PTNT ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết bị quan trắc công trình và quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng; ban hành định mức dự toán cho công tác lập quy trình vận hành công trình thủy lợi; định mức dự toán xây dựng phương án ứng phó với trường hợp khẩn cấp.
Sở cũng kiến nghị tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị theo chức năng nhiệm vụ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án nâng cao năng lực quản lý an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2018-2025; chỉ đạo thực hiện các quy định của pháp luật, xử lý kiên quyết đối với các tổ chức, cá nhân không thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý an toàn công trình thủy lợi, đặc biệt đối với đập, hồ chứa thủy lợi; quan tâm, bố trí nguồn vốn để triển khai các dự án sửa chữa, nâng cấp các đập, hồ chứa nước đã bị xuống cấp...