| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ninh đẩy nhanh tiến độ giao biển

Thứ Tư 15/05/2024 , 09:19 (GMT+7)

Thành phố Cẩm Phả và huyện Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) đang tập trung hướng dẫn các tổ chức, cá nhân làm thủ tục cấp phép giao mặt biển để nuôi trồng thủy sản.

Nuôi cá giò tại đảo Ông Cụ, phường Cẩm Đông, TP Cẩm Phả. Ảnh: Cường Vũ.

Nuôi cá giò tại đảo Ông Cụ, phường Cẩm Đông, TP Cẩm Phả. Ảnh: Cường Vũ.

Dành hơn 1.400ha thu hút đầu tư vào nuôi biển

Trên địa bàn thành phố Cẩm Phả hiện đang có 396 hộ tham gia hoạt động nuôi biển, trong đó có 286 hộ có hộ khẩu thường trú tại địa bàn, chiếm 72%; số hộ từ địa phương khác là 110 hộ, chiếm khoảng 28%. UBND thành phố đã chỉ đạo Phòng Kinh tế, Phòng Tài nguyên và Môi trường căn cứ vào hướng dẫn liên ngành của tỉnh hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thủ tục cấp phép, hồ sơ đánh giá tác động môi trường bằng phương pháp trực tiếp đến các đối tượng có nhu cầu và hướng dẫn trên hội nghị công bố công khai phương án nuôi trồng thủy sản và bản đồ quy hoạch cho 396 hộ dân và 19 doanh nghiệp, hợp tác xã có nhu cầu nuôi biển.

Đến nay, có 8 doanh nghiệp và 9 hợp tác xã đã gửi lên tỉnh đề nghị được giao mặt biển nuôi trồng thủy sản. Đối với 3 hộ có đơn đề nghị UBND thành phố Cẩm Phả giao khu vực biển (nằm ngoài danh sách 396 hộ đã tạm bố trí ô nuôi), thành phố sẽ xem xét bố trí sau khi đã sắp xếp xong cho các trường hợp trong 396 hộ.

Ông Phạm Văn Kính, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cẩm Phả, cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 13 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, đến hết ngày 31/3/2023, thành phố Cẩm Phả đã hoàn thành việc tháo dỡ, di dời 175 hộ vi phạm nuôi ngoài vùng quy hoạch; đã tháo dỡ tiêu hủy 42.667/82.275 quả phao xốp.

Đến hết ngày 5/4/2024 đã chuyển đổi được 39.418 quả phao xốp sang phao hợp quy, đạt 99,5%. Hiện thành phố vẫn đang tiếp tục chỉ đạo duy trì các lực lượng chức năng, các phường, xã thường xuyên kiểm tra tuyến biển, tiếp tục tổ chức các đợt ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường biển hằng tuần.

"Để không tái diễn tình trạng nuôi trồng thủy sản trái phép, thành phố giao cho đơn vị quản lý và chính quyền các xã quản lý chặt chẽ khu vực biển; thành lập tổ kiểm trả kiểm soát tuyến biển; tạm giao Đồn Biên phòng phòng cửa khẩu cảng Cẩm Phả làm tổ trưởng, phối hợp với công an, ban chỉ huy quân sự, Đội kiểm tra trật tự và môi trường kiểm tra kiểm soát hàng ngày trên khu vực biển quản lý.

Nếu phát hiện các hộ nuôi phát sinh trái phép sẽ báo cáo thành phố, các cơ quan chức năng xử lý ngay, không để xảy ra tình trạng nuôi trồng trái phép thủy sản trên biển", Phó Chủ tịch thành phố Cẩm Phả quả quyết.

Cũng theo ông Kính, thành phố Cẩm Phả đã quy hoạch và thiết lập Phương án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045 gồm 21 khu vực nuôi biển thuộc 7 phường với tổng diện tích 2.476,1ha.

Trong đó, thành phố dành trên 1.433ha cho thu hút đầu tư ở các phường Cẩm Thạch, Cẩm Thủy, Cẩm Trung. Tổng diện tích nuôi phân tán là hơn 1.042ha nằm ở các phường Cẩm Thành, Cẩm Bình, Cẩm Đông, Cẩm Sơn.

"Còn một số vướng mắc trong quá trình giao mặt biển, thành phố đã chỉ đạo Phòng Kinh tế hướng dẫn cho các xã, phường về quy trình, nội dung thẩm định, xác nhận tác động môi trường đối với hồ sơ của các cá nhân, tổ chức về cấp phép nuôi biển, nhằm tháo gỡ và đẩy nhanh tiến độ giao biển", ông Kính cho hay.

Vân Đồn phát triển vùng nuôi bền vững

Huyện Vân Đồn có nhiều lợi thế nuôi trồng thủy sản, mở ra hướng phát triển an toàn, bền vững. Nghề nuôi trồng thủy sản ở huyện những năm gần đây khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế huyện, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Mô hình nuôi cá song ở xã đảo huyện Vân Đồn. Ảnh: Cường Vũ.

Mô hình nuôi cá song ở xã đảo huyện Vân Đồn. Ảnh: Cường Vũ.

Sau hơn 2 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 10/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh về tăng cường công tác quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thủy sản trên biển, đến nay huyện Vân Đồn đã cơ bản thực hiện thay thế xong vật liệu nổi đạt chuẩn nuôi trồng thuỷ sản thân thiện với môi trường, với số lượng trên 5,1 triệu phao.

Trong đó, các doanh nghiệp và người dân nuôi trồng thuỷ sản đã chuyển đổi được trên 3 triệu quả phao HDPE đạt quy chuẩn, toàn huyện không còn phát sinh mới những trường hợp nuôi thủy sản trái phép, cũng như sử dụng phao xốp để nuôi trồng thủy sản.

Hiện trạng nuôi trồng thủy sản dọc hai bên các tuyến luồng đường thủy nội địa, luồng hàng hải trên địa bàn được quản lý; hành lang an toàn luồng đã được các xã, thị trấn phối hợp với các ngành chức năng xử lý triệt để. Huyện Vân Đồn hiện không còn tình trạng nuôi trồng thủy sản vi phạm hành lang an toàn giao thông các tuyến luồng, các khu vực nuôi trồng thủy sản tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy hoặc lấn chiếm vào hành lang an toàn luồng.

Cùng với tập trung quyết liệt cắt bỏ, chuyển đổi phao xốp trong nuôi trồng thủy sản, huyện Vân Đồn cũng đã xây dựng và phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển huyện Vân Đồn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với diện tích trên 28.800ha gồm 91 khu vực biển, trong đó vùng 3 hải lý 12.385,06ha, từ 3 đến 6 hải lý là 8.360,26ha, ngoài 6 hải lý 3.075,68ha.

Về cấp phép, giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản, UBND huyện Vân Đồn đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng chuyên môn tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, phát 1.200 tờ rơi đến 1.260 lượt người ở 9 xã, thị trấn có hoạt động nuôi biển. Huyện đã tổ chức 9 hội nghị để trao đổi, thảo luận, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức, triển khai hướng dẫn, trình tự thủ tục hồ sơ theo Hướng dẫn 3325 ngày 25/7/2023 của liên sở: NN-PTNT và TN-MT.

Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 78 hợp tác xã đăng ký hoạt động nuôi trồng thuỷ sản với 1.006 thành viên. Hiện tại đã có 41 hợp tác xã đã thực hiện đo trích lục, lập dự án phát triển sản xuất để thực hiện các thủ tục đề nghị giao khu vực biển.

Theo ông Hà Văn Ninh, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Vân Đồn, việc thành lập hợp tác xã sẽ giúp các hộ liên doanh, liên kết trong phát triển nuôi trồng thủy sản, tạo ra nguồn cung cấp sản phẩm dồi dào, đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ của doanh nghiệp có nhu cầu, hạn chế được việc mạnh ai nấy làm, sản xuất manh mún, không theo thời vụ, quy hoạch, được mùa mất giá. Đặc biệt, việc thành lập hợp tác xã sẽ đảm bảo các yếu tố để nhận được sự hỗ trợ từ nguồn vốn chính sách Nhà nước, giúp các thành viên hợp tác xã có thêm nguồn lực để đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường.

Xem thêm
Nuôi cá chim vây vàng VietGAP 6 tháng, năng suất đạt 10,8 tấn/ha

Hà Tĩnh Sau 6 tháng thả nuôi, cá chim vây vàng đạt trọng lượng trung bình 0,6 kg/con, năng suất bình quân 10,8 tấn/ha, giá bán từ 130.000 - 140.000 đồng/kg.

Hiện đại hóa ngành thủy sản góp phần chống khai thác IUU

THANH HÓA Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật giúp nâng cao hiệu quả khai thác và bảo quản thủy sản trên tàu cá, góp phần tăng sản lượng, giảm tổn thất.

Điểm mặt rào cản chuyển đổi xanh trong chế biến tôm đông lạnh

Lượng phát thải trên mỗi kg tôm ở những cơ sở chế biến quy mô nhỏ sẽ nhiều hơn so với những cơ sở quy mô lớn.

Hợp tác xã làm 'bà đỡ' cho ngư dân

QUẢNG BÌNH Qua 6 năm hoạt động, Hợp tác xã Vương Đoàn đã trở thành 'bà đỡ' cho hàng trăm tàu cá của bà con ngư dân.