| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ninh khẩn trương phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục

Thứ Năm 13/05/2021 , 18:06 (GMT+7)

Quảng Ninh chỉ đạo khẩn trương tổ chức tiêm phòng vacxin phòng bệnh viêm da nổi cục trâu, bò đạt trên 90% tổng đàn tại địa phương, thời gian hoàn thành xong trước ngày 20/5/2021.

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh): Trên địa bàn tỉnh đã có 5 địa phương xuất hiện bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu bò. Tuy số lượng nhiễm bệnh chưa lớn (48 con), nhưng theo khuyến cáo, nếu không có giải pháp ngăn chặn và phòng, chống kịp thời, bệnh có thể lây lan trên diện rộng, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi.

Đầu năm 2021, bệnh này được phát hiện tại huyện Bình Liêu vào ngày 12/1 tại thôn Nà Sa, xã Hoành Mô. Từ ngày 14/4 đến 27/4, tại xã Lục Hồn của địa phương này cũng đã có 11 con bò nghi mắc bệnh VDNC. Sau khi xuất hiện các ổ dịch, chính quyền các cấp, ngành chức năng đã vào cuộc quyết liệt để dập dịch, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Bệnh viêm da nổi cục trên bò của một hộ gia đình huyện Bình Liêu (Quảng Ninh). Ảnh: Anh Thắng.

Bệnh viêm da nổi cục trên bò của một hộ gia đình huyện Bình Liêu (Quảng Ninh). Ảnh: Anh Thắng.

Bà Chu Thị Thu Thủy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh cho hay: Để đảm bảo chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh, Chi cục đã trực tiếp đến các ổ dịch, phối hợp với chính quyền các địa phương chỉ đạo phòng chống.

Bên cạnh đó, tổ chức cách ly toàn bộ gia súc chưa có biểu hiện của bệnh VDNC; thực hiện nuôi nhốt trâu, bò, dê tại các khu vực có gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh, khuyến cáo người dân không chăn thả gia súc...

Các địa phương có dịch đã chủ động tổ chức tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng, thuốc diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng… liên tục trong vòng 3 tuần tại các hộ chăn nuôi có gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh; thực hiện tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng toàn bộ các vùng có nguy cơ cao, xung quanh hộ chăn nuôi có gia súc bị bệnh. Xử lý toàn bộ các con vật có xét nghiệm dương tính với bệnh theo quy định... 

Tuy nhiên, vào cuối tháng 4/2021, bệnh VDNC trên trâu, bò tiếp tục phát sinh mới tại các địa phương trong tỉnh Quảng Ninh. Đặc biệt, bệnh đã xuất hiện trên bò sữa có giá trị kinh tế cao tại một số hộ nuôi tại xã Bình Khê, Thị xã Đông Triều.

Để nhanh chóng dập tắt ổ dịch, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành ra văn bản chỉ đạo các địa phương triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh kịp thời theo đúng quy định của Luật Thú y.

Theo đó, tổ chức thông tin, tuyên truyền, tập huấn kiến thức nhận biết và cách phòng tránh bệnh VDNC cho người chăn nuôi, cán bộ thú y. Đẩy mạnh thực hiện vệ sinh, sát trùng, tiêu độc hàng ngày đối với nơi nuôi, nhốt gia súc và khu vực xung quanh; có biện pháp ngăn chặn, tiêu diệt vật chủ trung gian truyền bệnh.

Người dân xã Bình Khê, Thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) chủ động thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Ảnh: Anh Thắng.

Người dân xã Bình Khê, Thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) chủ động thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Ảnh: Anh Thắng.

Các địa phương có tổng đàn gia súc lớn phải chủ động giám sát, sàng lọc các cá thể nghi nhiễm bệnh, kịp thời phát hiện, báo cáo chính quyền, cơ quan thú y để triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Rà soát, tổng hợp nhu cầu vacxin VDNC, bố trí kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách để mua vacxin và tổ chức tiêm phòng vacxin phòng bệnh VDNC đạt trên 90% tổng đàn tại địa phương, thời gian hoàn thành xong trước ngày 20/5/2021.

Cán bộ thú y các địa phương nhanh chóng tổ chức xử lý, tiêu hủy trâu, bò có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh VDNC, hoặc gia súc trong cùng địa bàn cấp xã (đã có kết quả xét nghiệm dương tính) có biểu hiện lâm sàng của bệnh VDNC bị gầy yếu, không có khả năng hồi phục; hướng dẫn người dân nuôi nhốt, cách ly toàn bộ trâu, bò bệnh; tiêu diệt, không để các vật chủ trung gian truyền bệnh (côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng...) tiếp cận trâu bò bị bệnh gây lan truyền bệnh.

Bệnh viêm da nổi cục, còn được gọi là bệnh da sần, là bệnh truyền nhiễm do một loại virus thuộc họ Poxviridae gây ra trên trâu, bò (không lây nhiễm và không gây bệnh trên người). Đường truyền lây chủ yếu qua côn trùng đốt như muỗi, ruồi, ve hoặc do vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh, sử dụng chung máng uống, khu vực cho ăn, sữa và qua tiếp xúc trực tiếp.

Xem thêm
Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Trồng thành công giống sâm quý trên núi Kim Nọi

YÊN BÁI Mô hình trồng sâm Ngọc Linh và một số cây dược liệu ở Mù Cang Chải thành công bước đầu đang mở ra hi vọng tạo sinh kế mới cho người dân vùng cao.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.