| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ninh lập 'kỷ lục', 4 năm liền dẫn đầu PCI cả nước

Thứ Năm 15/04/2021 , 11:43 (GMT+7)

Tỉnh Quảng Ninh đã vượt qua chính mình và xác lập vững chắc vị trí “quán quân” trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh (PCI) trong 4 năm liên tiếp.

"Xin chúc mừng tỉnh Quảng Ninh, năm nay, một lần nữa, đã vượt qua chính mình và xác lập vững chắc vị trí “quán quân” trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực canh tranh cấp tỉnh (PCI) trong 4 năm liên tiếp. Quảng Ninh cũng là tỉnh duy nhất trong 63 tỉnh thành, thành phố vượt qua điểm mốc 75 điểm trong kết quả PCI từ năm 2010 trở lại đây.

Xin chúc mừng các tỉnh, thành phố đã xuất sắc đứng trong top 10 của “cuộc đua” PCI 2020 là Đồng Tháp, Long An, Bình Dương, Đà Nẵng, Vĩnh Long, Hải Phòng, Bến Tre, Hà Nội và Bắc Ninh", Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, Trưởng Ban chỉ đạo PCI phát biểu tại công bố Báo cáo PCI, diễn ra sáng 15/4 tại Hà Nội.

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, Trưởng Ban chỉ đạo PCI trò chuyện cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: VCCI

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, Trưởng Ban chỉ đạo PCI trò chuyện cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: VCCI

Theo Tiến sỹ Vũ Tiến Lộc, PCI góp phần tạo ra sự thay đổi tư duy, giúp các địa phương nhận ra tầm quan trọng của cải cách hành chính, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế trong thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp. PCI cũng đem lại những chuyển biến tích cực về thái độ của chính quyền đối với khu vực kinh tế tư nhân.

Quan hệ "chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp" được khởi động; Khẩu hiệu "Doanh nghiệp phát tài - địa phương phát triển" được đề ra. Phương châm hành động: "Trong thành công của doanh nghiệp có nghĩa vụ của chính quyền, trong thất bại của doanh nghiệp có trách nhiệm của chính quyền" được lan toả...

Quan trọng hơn, PCI là thước đo hành động của chính quyền. PCI thúc đẩy những hoạt động thực chất nhằm cải thiện chất lượng điều hành và kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi dựa trên những thực chứng từ kết quả PCI. PCI truyền cảm hứng, giúp tìm tòi và phát triển những ý tưởng cải cách, những thực tiễn cải cách tốt từ cơ sở.

Mô hình "Cà phê doanh nhân" khởi nguồn từ Đồng Tháp, mô hình trung tâm phục vụ hành chính công, trung tâm xúc tiến và hỗ trợ đầu tư, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, quận, huyện (DDCI) được triển khai rất thành công tại tỉnh Quảng Ninh, Tuyên Quang… đã được nhân rộng trên 40 - 50 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Kết quả PCI trong những năm qua cũng cho thấy, trong vòng 5 năm trở lại đây, doanh nghiệp Việt Nam có xu hướng đánh giá tích cực hơn về sự năng động, tinh thần tiên phong và sự cầu thị của chính quyền. Cũng trong khoảng thời gian này, gánh nặng chi phí không chính thức tiếp tục được giảm thiểu - một xu hướng nhất quán kể từ năm 2016.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đặt niềm tin lớn hơn vào các thiết chế pháp lý và tình hình an ninh trật tự tại các địa phương. Vấn đề phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế đã từng gây nhức nhối nhiều năm trước, nay đã giảm đáng kể và môi trường kinh doanh trở nên bình đẳng hơn trước rất nhiều.

Gánh nặng thanh, kiểm tra của doanh nghiệp đã nhẹ bớt

Khảo sát PCI của VCCI, cho biết năm 2020, số doanh nghiệp cho biết đã tiếp đón đoàn thanh, kiểm tra của một số cơ quan như hải quan, công an kinh tế, môi trường giảm khoảng 50% so với năm 2016.

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Giám đốc dự án PCI 2020, ngay cả những cơ quan thường kiểm tra doanh nghiệp nhất như thuế, an toàn phòng chống cháy nổ cũng có xu hướng giảm tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra. Năm 2016, có 34,4% doanh nghiệp cho biết phải đón tiếp đoàn thanh, kiểm tra về an toàn phòng chống cháy nổ, năm 2020 chỉ còn 26,1%. Tương tự, năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp bị cơ quan thuế thanh kiểm tra là 35,5%, trong khi năm 2016 con số này ở mức 43,6%.

Những con số như trên đã cho thấy rõ ràng gánh nặng thanh, kiểm tra của doanh nghiệp đã nhẹ bớt. Tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh, kiểm tra trùng lặp giảm đáng kể xuống còn 8,3% năm 2020 từ con số 14,1% của năm 2016. Tỷ lệ doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra từ 5 cuộc/năm trở lên giảm từ 11,9% năm 2016 xuống còn 3% năm 2020. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết cán bộ lợi dụng công tác thanh, kiểm tra để nhũng nhiễu doanh nghiệp đã giảm từ con số 18,9% của năm 2017 xuống còn 14,3% năm 2020.

Lễ Công bố Báo cáo PCI thu hút sự tham dự của đông đảo các tỉnh thành. Ảnh: VCCI

Lễ Công bố Báo cáo PCI thu hút sự tham dự của đông đảo các tỉnh thành. Ảnh: VCCI

Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp/chế tạo cho biết vẫn chịu gánh nặng thanh, kiểm tra tương đối đáng kể. Hai lĩnh vực này cũng là nhóm doanh nghiệp phản ánh về hiện tượng thanh, kiểm tra quá mức (hơn 5 cuộc/ năm) và thanh, kiểm tra trùng lặp cao nhất.

Do đó, điều tra PCI 2020 đã nhấn mạnh rằng công tác thanh, kiểm tra doanh nghiệp cần phải tiếp tục có những cải cách mạnh mẽ hơn trong thời gian tới nhằm đảm bảo gánh nặng thanh, kiểm tra được giảm thiểu hợp lý và phân bố công bằng.

Thanh kiểm tra đảm bảo giám sát tuân thủ quy định có vai trò quan trọng trong việc hạn chế tối đa các nguy cơ và rủi ro về an ninh, an toàn, sức khỏe, môi trường… cho doanh nghiệp, người lao động, khách hàng của doanh nghiệp và xã hội.

Việc thanh kiểm tra cần thực hiện một cách hợp lý và phù hợp với các mục tiêu về sức khỏe và an toàn cộng đồng, đồng thời không mang tính tùy tiện hoặc tạo kẽ hở cho tiêu cực.

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.