| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ninh lên phương án đảm bảo nông sản phục vụ Tết

Thứ Sáu 07/01/2022 , 17:17 (GMT+7)

UBND tỉnh Quảng Ninh đã rà soát, chỉ đạo các sở, ngành lên phương án đảm bảo việc tiêu thụ, cung cấp nông sản, thực phẩm dịp cuối năm, nhất là dịp Tết Nhâm Dần.

Để bảo đảm nguồn cung hàng hóa nông sản thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến thời tiết, dịch bệnh.

Tăng năng lực sản xuất

Trước nhu cầu tiêu thụ của thị trường đối với các sản phẩm nông nghiệp của nhân dân trên địa bàn và các tỉnh, thành lân cận, UBND tỉnh đã giao Sở NN-PTNT là cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm về thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, đảm bảo đầy đủ các sản phẩm nông nghiệp.

Theo đó, Sở NN-PTNT đã phối hợp với một số sở, ngành, địa phương liên quan làm việc với các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh để rà soát chính xác, đầy đủ về sản lượng thủy sản, số lượng, quy mô đàn gia súc, gia cầm; hỗ trợ nâng cao năng lực chế biến nông sản đạt tiêu chuẩn vệ sinh ATTP.

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ninh cho biết, vừa qua Sở đã trực tiếp làm việc với Công ty TNHH Đầu tư sản xuất Phát triển nông nghiệp Vinneco, Công ty Cổ phần Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường, Công ty Cổ phần Đầu tư nông nghiệp Phú Lâm, Công ty TNHH Việt - Úc Quảng Ninh, Công ty TNHH Sản xuất Hạ Long (BIM); Công ty Cổ phần Thủy sản Tân An và một số HTX.

Dự kiến trong dịp Tết, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Long sẽ cung cấp ra thị trường trung bình 2 - 4 tạ rau, củ/ngày. Ảnh: Nguyễn Thành.

Dự kiến trong dịp Tết, Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Long sẽ cung cấp ra thị trường trung bình 2 - 4 tạ rau, củ/ngày. Ảnh: Nguyễn Thành.

Sở NN-PTNT khuyến khích doanh nghiệp, HTX tăng cường năng lực sản xuất trong điều kiện thích ứng, an toàn, đảm bảo hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19. Về cơ bản, các doanh nghiệp, HTX đều đã chuẩn bị đủ mọi điều kiện sản xuất trong trạng thái bình thường mới và cam kết đảm bảo các sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu thụ của thị trường.

Khác với những năm trước đây, khi chưa có dịch Covid-19, các doanh nghiệp gần như không phải lo lắng về kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong dịp cuối năm, nhưng năm nay, khi dịch Covid-19 có dấu hiệu phức tạp, khó lường, các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã phải tính toán, lên phương án thật kỹ vừa duy trì, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, đồng thời phải bảo vệ sức khỏe của công nhân, người lao động trong đơn vị.

Tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Long, hiện đã xây dựng, cải thiện lại phương án sản xuất nhằm đảm bảo số lượng, chất lượng các loại rau, củ, quả trước thị trường tiêu thụ ngày càng cao dịp cuối năm. Hiện tại, đơn vị đang duy trì hoạt động gieo trồng, canh tác, sản xuất các loại rau, củ, quả an toàn bằng việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt trên diện tích gần 40 ha tại phường Cộng Hòa (Thị xã Quảng Yên).

Sản phẩm đến kỳ thu hoạch sẽ được đơn vị thu gom, xử lý, tiêu thụ ra thị trường. Dự kiến trong dịp trước, trong và sau Tết, mỗi ngày đơn vị sẽ cung cấp ra thị trường trung bình 2 - 4 tạ rau, củ, quả các loại, tăng khoảng 50% so với ngày thường.

Đẩy mạnh hoạt động tiêu thụ

Hiện Sở Công Thương Quảng Ninh đã phối hợp chặt chẽ với Sở NN-PTNT tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó tập trung vào tiêu thụ các sản phẩm nông sản; hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản cho người dân, doanh nghiệp thông qua các hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại, các chợ đầu mối, các cửa hàng giới thiệu bán sản phẩm OCOP, các sàn giao dịch thương mại điện tử (Tiki, Sendo, Voso, Shopee, Lazada...); bán hàng online qua website, facebook, điện thoại, zalo để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh cho biết, để kích thích tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp dịp cuối năm, trên địa bàn tỉnh đã tổ chức thành công Hội chợ OCOP Quảng Ninh 2021. Tại hội chợ, đã có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp của Quảng Ninh và một số tỉnh, thành phố khác được tiêu thụ. Qua đánh giá, các sản phẩm nông nghiệp được bán tại hội chợ đều đảm bảo về số lượng, chất lượng, mẫu mã sản phẩm được cải thiện phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng.

Hiện nay nhiều địa phương của tỉnh, nơi có những sản phẩm nông nghiệp chủ lực cũng đang tích cực rà soát, kiểm đếm, xác định cụ thể sản lượng các loại nông, thủy sản trên địa bàn cần phải tiêu thụ trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, từ đó báo cáo các sở, ngành liên quan để kết nối tiêu thụ.

Hàng trăm tấn cá song sẵn sàng cung cấp cho thị trường Tết. Ảnh: Nguyễn Thành.

Hàng trăm tấn cá song sẵn sàng cung cấp cho thị trường Tết. Ảnh: Nguyễn Thành.

Ông Phạm Văn Dương (huyện Vân Đồn) cho biết, hiện tại cơ sở của ông có khoảng 200 tấn cá song các loại, với trọng lượng mỗi con từ 5 - 8 kg. Thời điểm chưa có dịch Covid-19, số cá này sẽ được ký hợp đồng bán hết trong khoảng 2 tuần. Mặc dù các mối tiêu thụ hiện vẫn còn nhưng lượng mua không đáng kể. 

Được biết thời gian qua, trước những khó khăn của người dân trong tiêu thụ sản phẩm thủy sản nuôi trồng, huyện Vân Đồn đã tổ chức 2 cuộc họp, mời các doanh nghiệp và sở, ngành liên quan bàn các biện pháp hỗ trợ tiêu thụ cho người dân.

Đến nay, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hà Trang đã ký kết hợp đồng với HTX Thắng Lợi có địa chỉ tại Thị trấn Cái Rồng bao tiêu sản phẩm cá song cho người dân Vân Đồn có nhu cầu. Hiện cứ 2 đến 3 ngày, lại có một đơn hàng từ 2 - 3 tấn cá song được 2 đơn vị đưa đi tiêu thụ. 

Ông Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, dự báo tình hình thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh sẽ có những biến động trong khoảng thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán 2022. Trong đó, một số sản phẩm thực phẩm tươi sống như hải sản, thịt lợn, gia cầm, rau xanh các loại sẽ có nhu cầu tiêu thụ lớn, nhất là tại các khu đô thị lớn của tỉnh.

Ngoài việc chỉ đạo các sở, ngành, địa phương hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, UBND tỉnh còn căn cứ nhu cầu tiêu thụ ở từng địa bàn cụ thể, chỉ đạo các đơn vị cung ứng, phân phối tăng cường đưa các sản phẩm lương thực, thực phẩm đến được với người tiêu dùng, tuyệt đối không được để khan hiếm các mặt hàng, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ trong dịp Tết.

Để đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hoá, đặc biệt là hàng nông sản dịp Tết Nguyên đán, hiện nay UBND tỉnh Quảng Ninh đang tích cực chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá mẫu mã, giá thành, chất lượng vệ sinh ATTP đối với các mặt hàng, tuyệt đối không để tổ chức, cá nhân nào lợi dụng nhu cầu tiêu thụ tăng cao đối với mặt hàng nông, thủy sản để trà trộn sản xuất, chế biến những mặt hàng kém chất lượng, gây nhiễu loạn thị trường, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Xem thêm
Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Nam Ngư cùng bà con đảo Lý Sơn đón Tết

Hơn 80.000 chai Nam Ngư Ớt Tỏi Lý Sơn đã cập bến để chung vui đón Tết cùng bà con huyện đảo Lý Sơn, gửi gắm cho mùa vụ tỏi mới bội thu.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.