Gà bản Đầm Hà là sản vật nổi tiếng của địa phương, nếu so sánh về giống gà chất lượng ở Quảng Ninh, gà bản Đầm Hà được định hướng phát triển song song với giống gà Tiên Yên.
Ông Nguyễn Văn Tuyền, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, cho biết: "Khi gà bản Đầm Hà được công nhận thương hiệu, số người đăng ký mua gà giống rất đông, đến nay đã có khoảng 200 hộ nuôi từ 1.000 - 3.000 con/hộ. Hiện HTX của tôi đang sản xuất gà giống cung cấp cho nhiều hộ chăn nuôi trong và ngoài huyện".
Nhằm hỗ trợ bà con địa phương chăn nuôi giống gà bản địa này, ông Tuyền không chỉ cung cấp con giống, tiêm phòng, cung cấp thức ăn mà còn bao tiêu đầu ra cho bà con. Chỉ đến khi bà con bán gà thương phẩm, ông Tuyền thu chi phí từ các hộ tham gia HTX.
Ông La Trường Thọ, Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện Đầm Hà chia sẻ: Thời gian đầu, chúng tôi cũng đã hỗ trợ cho ông Tuyền vay vốn qua "Quỹ hỗ trợ nông dân huyện Đầm Hà" và ngân hàng khoảng 1 tỷ để đầu tư vào trang trại nuôi gà. Đồng thời, tư vấn cho HTX ông Tuyền vận động các hộ dân xung quanh cùng chăn nuôi.
Đây là mô hình "nông dân dạy nông dân" từ phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" đã được các cấp hội nông dân tỉnh Quảng Ninh triển khai tích cực ở nhiều địa phương. Từ đó, hội viên nông dân đã tích cực giúp đỡ nhau vươn lên trong lao động sản xuất, cũng như trong cuộc sống, tạo việc làm ổn định, nhiều hộ có mức thu nhập cao đạt từ vài trăm triệu đến 1 tỷ đồng/năm.
Qua phong trào đã góp phần thúc đẩy sự hình thành và liên kết giữa các hộ và giữa nông dân với doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Nhiều nông hộ đã không còn sản xuất theo kiểu “đèn nhà ai người nấy rạng” mà chủ động thành lập các nhóm hộ, câu lạc bộ, tổ hợp tác, HTX để chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau cùng làm giàu.
Ở Quảng Ninh, mô hình “nông dân giúp nông dân” ngày càng phát huy hiệu quả, tạo bước chuyển biến rõ nét khu vực kinh tế nông thôn. Dựa vào tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, người dân đã tự sáng tạo, vận dụng một cách linh hoạt các mô hình chăn, nuôi, canh tác, để cùng nhau vươn lên thoát nghèo.
“Một mình làm giàu không vui bằng cả thôn, cả xã mình cùng làm giàu” là chia sẻ của ông Ân Văn Kim, thôn Đồng Đặng, xã Sơn Dương, TP Hạ Long (Quảng Ninh). Năm 2011, ông Ân Văn Kim được nhận hỗ trợ của tỉnh Quảng Ninh để phát triển kinh tế thông qua mô hình trồng ổi lai lê. Sau hơn 2 năm, 700 cây ổi của gia đình ông đã cho thu hoạch và mang lại giá trị kinh tế cao.
Nhận thấy lợi ích của trồng cây ổi thương phẩm, nhiều hộ trong thôn cũng bắt đầu tìm hiểu và đề nghị ông Kim cung cấp giống cây, hướng dẫn chăm sóc để nhân rộng mô hình này. Đến năm 2016, ông Kim bàn bạc với các hộ dân trồng ổi trong thôn thành lập Hội Làm vườn thôn Đồng Đặng. Từ 30 hội viên ban đầu, hiện Hội đã có khoảng 80 hội viên với hàng chục ha trồng ổi và cây ăn quả khác.
Ông Kim cho biết: “Là người đi trước, có kinh nghiệm hơn nên tôi luôn cố gắng hướng dẫn cho bà con từ việc cắt cây tỉa cành, bón phân theo kỳ, rồi chăm sóc quả, thậm chí cả kết nối đầu ra cho sản phẩm… Không những thế, các hộ cũng chủ động hỗ trợ nhau từ ngày công, cây giống, chăm sóc để các vườn cây đạt năng suất cao nhất. Ngoài trồng ổi, đến nay các hội viên còn trồng thêm các loại cây ăn quả khác như: Xoài, cam, bưởi da xanh…”.
Mô hình "nông dân dạy nông dân" ở Quảng Ninh đã lôi cuốn, khích lệ hàng trăm hộ dân cùng nhau phát huy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo. Cũng kể từ dây, đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, là tấm gương sáng của tinh thần bền bỉ vượt khó, quyết chí làm giàu cho chính mình và giúp đỡ người khác cùng vươn lên.