| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ninh có tỷ lệ che phủ rừng dẫn đầu cả nước

Thứ Năm 31/12/2020 , 09:04 (GMT+7)

Tính đến nay, tỷ lệ che phủ rừng của toàn tỉnh Quảng Ninh ước đạt 55%, là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về tỷ lệ che phủ rừng.

Quảng Ninh có diện tích tự nhiên là 617.772,64 ha, trong đó tổng diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 422.937 ha, chiếm 70,61% diện tích tự nhiên của toàn tỉnh.

Diện tích đất quy hoạch rừng đặc dụng: 29.835,9 ha, chiếm 7,05%; diện tích quy hoạch đất rừng phòng hộ 133.127,8 ha chiếm 31,48% (riêng diện tích rừng phòng hộ đâu nguồn là 77.164,6 ha); diện tích quy hoạch đất rừng sản xuất: 259.973,5 ha chiếm 61,47%.

Trong thời gian qua, lĩnh vực lâm nghiệp đã nhận được nhiều sự quan tâm lãnh chỉ đạo của các cấp chính quyền, các mục tiêu phát triển hiệu quả của cơ quan chuyên môn, kết quả là diện tích, năng suất và chất lượng rừng tỉnh Quảng Ninh ngày càng tăng, tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 là 55% tăng 0,2% so với năm 2019, tăng 8,8% so với năm 2010; là một trong các tỉnh có độ che phủ rừng cao, cao hơn 13% so với độ che phủ rừng toàn quốc (độ che phủ rừng năm 2020 đạt 42%).

Cây gỗ lớn là trọng tâm trong phát triển rừng phòng hộ ở Quảng Ninh. Ảnh: Anh Thắng.

Cây gỗ lớn là trọng tâm trong phát triển rừng phòng hộ ở Quảng Ninh. Ảnh: Anh Thắng.

Thực hiện rà soát quy hoạch 3 loại rừng, duy trì hợp lý diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng đặc dụng, phát triển rừng nguyên liệu tập trung và khai thác một cách có hiệu quả, bền vững; tiếp tục tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng rừng kinh tế, trồng rừng gỗ lớn được cấp chứng chỉ phục vụ chế biến, XK.

Có thể nói, thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ tốt đã giúp địa phương này hoàn thành các mục tiêu về bảo vệ môi trường, giữ nguồn sinh thủy đầu nguồn và ngăn ngừa biến đổi khí hậu. Hơn nữa, bằng việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó điều chỉnh 9.276,1 ha rừng sản xuất sang rừng phòng hộ để quản lý, bảo vệ theo quy chế rừng phòng hộ góp phần tạo nguồn sinh thủy cho các hồ, đập.

Theo báo cáo tổng kết cuối năm 2020 Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Quảng Ninh đã tích cực thực hiện khoán bảo vệ rừng phòng hộ theo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững. Diện tích khoán tăng đều qua các năm, đặc biệt là các diện tích rừng ở các vị trí phòng hộ xung yếu, rừng tự nhiên. Nếu như năm 2016, diện tích khoán chỉ là 28.950ha  thì đến năm 2020, diện tích rừng phòng hộ được cấp kinh phí khoán bảo vệ là 44.527ha/102.806,2 ha diện tích có rừng phòng hộ.

Quảng Ninh cũng tích cực thực hiện trồng rừng thay thế trên diện tích được quy hoạch phòng hộ từ nguồn kinh phí của “Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng” địa phương bằng các loài cây gỗ lớn, cây bản địa phù hợp với chức năng phòng hộ của rừng. Trong giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh đã trồng được 1.908,71 ha rừng phòng hộ tại một số địa phương then chốt có diện tích rừng lớn như : Bình Liêu 539,04ha, Móng Cải 194,48ha, Hải Hà 124,34ha, Tiên Yên 302,81ha, Vân Đồn 26,83 ha, Ba Chẽ 235,12 ha, Cẩm Phả 133,9 ha, Hạ Long 183,01 ha, Uông Bí  111,17ha, Đông Triều 36,4ha, Quảng Yên 21,61 ha.

Công tác quản lý bảo vệ rừng cơ bản được thực hiện tốt, đến nay đã lập hồ sơ xử lý lý 122 vụ (trong đó 9 vụ hình sự); tổng giá trị thu hồi 830,19 triệu đồng. Các biện pháp bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng được tăng cường, ngăn chặn và xử lý kịp thời.

Đội ngũ cán bộ kiểm lâm của tỉnh Quảng Ninh thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng. Ảnh: Anh Thắng.

Đội ngũ cán bộ kiểm lâm của tỉnh Quảng Ninh thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng. Ảnh: Anh Thắng.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tiếp tục phát huy hiệu quả, đến nay, thu dịch vụ môi trường rừng ước đạt 1.110,4 triệu đồng, đã kịp thời giãn thời gian thu nộp tiền dịch vụ môi trường rừng trong hoàn cảnh do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Nghị quyết về phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu tạo chuyển biến căn bản, sâu sắc trong nhận thức, trách nhiệm, hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội về vai trò quan trọng của rừng và đất lâm nghiệp.

Đồng thời, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả KT - XH và môi trường của từng loại rừng, tăng giá trị rừng sản xuất trên đơn vị diện tích; góp phần giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học; ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; phát triển bền vững du lịch sinh thái. Nghị quyết cũng đặt mục tiêu phải thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư theo chu trình khép kín, bền vững; tạo các sản phẩm theo chuỗi có giá trị kinh tế cao.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Tái thiết rừng Quảng Ninh sau bão Yagi: [Bài 1] Chờ chính sách để hồi sinh

Hơn 3 tháng bão Yagi đi qua, những cánh rừng tan hoang ở Quảng Ninh vẫn chết khô, chờ chính sách để được tái sinh, trồng mới.

Bình Thuận tăng cường bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng dịp giáp Tết

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình mà không có biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy rừng hiệu quả.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.