Chủ trì hội nghị có Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn dự.
DN lớn là đầu tàu
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh có diện tích mặt nước biển trên 6.000km2 và lĩnh vực nông nghiệp có tiềm năng rất quan trọng mà tỉnh chưa khai thác hết.
“Cơ cấu GDP trong nông nghiệp chưa đến 6% nhưng lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp lên đến 40%. Tỉnh xác định chuyển dịch cơ cấu mạnh mẽ, trong đó tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, và chú trọng đến ngành nông nghiệp”, ông Long cho hay.
Về thị trường, theo ông Long, toàn bộ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh trên 60% là nhập từ tỉnh ngoài và nơi khác đến. Ngoài ra, với dân số 1,2 triệu người, Quảng Ninh có nhiều khu công nghiệp, Cty khai thác than, DN lớn, với khoảng 4.000 - 5.000 công nhân. Quảng Ninh mỗi năm đón khoảng 7,5 triệu khách du lịch, trong đó khách quốc tế khoảng 2,7 triệu người và có xu hướng tăng. “Đây là tiềm năng vô cùng lớn cho các sản phẩm nông nghiệp”, ông Long nói.
Trong lĩnh vực thủy sản, tiềm năng là rất nhiều nhưng chưa khai thác hết được. Đây là vấn đề mà Quảng Ninh hướng tới trong việc vừa tiêu thụ tại chỗ, vừa XK sang Trung Quốc và trên thế giới.
“Nếu không có gì thay đổi thì đến hết quý I/2017, tuyến đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng sẽ kết nối Hải Phòng - Hà Nội, chỉ mất 1 giờ 30 phút đường bộ từ Hạ Long đến Hà Nội. Sân bay Cát Bi (Hải Phòng) về Hạ Long khoảng 30km, sân bay do SunGroup đang triển khai, có thể xong sớm. Do đó, việc đầu tư vào nông nghiệp Quảng Ninh có nhiều lợi thế về giao thông”, người đứng đầu chính quyền Quảng Ninh so sánh.
Ông Long cũng cho biết thêm về lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Quảng Ninh đã kêu gọi các nhà đầu tư và kết quả là ngày càng nhiều nhà đầu tư đến với tỉnh. Có thể kể đến như Vingroup đầu tư về thủy sản, khu công nghệ cao về nông nghiệp với quy mô 100ha và tương lai mở rộng lên 200ha.
Một số DN khác đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, tiêu biểu Cty Phú Lâm đầu tư vào chăn nuôi bò XK, hiện đang triển khai. Bên cạnh đó là Cty Việt Úc phát triển nuôi tôm.
“Chúng tôi xác định rằng đầu tư vào nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, đưa các DN lớn làm đầu tầu dẫn dắt đầu tư. Tỉnh còn triển khai hợp tác đầu tư công - tư và có các chính sách khuyến khích đầu tư vào các vùng khó khăn, trong đó có hỗ trợ ngân sách cho các vùng này”, ông Long khẳng định.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn cho rằng, đây là hội nghị đầu tiên do địa phương tổ chức sau khi Thủ tướng Chính phủ gặp mặt cộng đồng DN tại TP.HCM ngày 29/4 vừa qua, và cũng ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 về việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Quảng Ninh cũng là tỉnh thứ 2 tổ chức hội nghị này kể từ Đại hội 12 của Đảng. “Vài ngày nữa Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết cùng với Nghị quyết 19 sẽ thổi một làn gió mới, niềm tin mới để DN vững tin đầu tư vào nông nghiệp”, ông Tuấn chia sẻ. |
Theo ông Long, Quảng Ninh đang mong muốn các nhà đầu tư sẽ lựa chọn đầu tư để phát triển thương hiệu nông sản, SX quy mô lớn cung cấp cho thị trường.
Sẽ có những cơ chế đột phá
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch HĐQT TCty CP Giống cây trồng Thái Bình cho biết, Quảng Ninh tổ chức hội nghị mà rất ít tỉnh làm, ông cảm kích khi nhận được giấy mời.
Tuy nhiên, ông Báo cũng cho rằng, Quảng Ninh nói riêng, nhiều địa phương khác nói chung cần hiện thực hóa cơ chế chính sách vào thực tiễn, chứ không chỉ “kêu gọi các DN đầu tư” trên giấy. “DN đầu tư vào nông nghiệp phải có đất, nhưng ai cho thuê, ai ký thời hạn 10 - 20 năm cho 100ha bằng văn bản? Chúng tôi chứng kiến UBND tỉnh đồng ý nhưng Sở KH-ĐT lại không, vì sai luật”, ông Báo nói.
Ngoài ra, về công nghệ, doanh nhân này cho biết đã đi tham quan ở hầu hết các nước có nền công nghệ phát triển. Tuy nhiên, ở Việt Nam thời tiết thay đổi thất thường “sáng nắng chiều mưa“, nên không phải không phải đưa công nghệ nào ở nước ngoài cũng có thể áp dụng. Công nghệ canh tác chế biến nông sản ở nước nào phù hợp nhất với sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam?
Trả lời câu hỏi trên, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, vấn đề nông nghiệp liên quan rất nhiều đến nông dân và tiêu thụ nông sản. Để thu hút vốn đầu tư, Quảng Ninh phải chọn lọc những DN có tâm huyết, điều kiện, làm ăn lâu dài, có lãi chứ không phải vì nhiệm vụ chính trị… thì tỉnh luôn tạo điều kiện tối đa nhất, và không có bất cứ trở ngại nào về thủ tục hành chính.
Ông Hậu cũng nhấn mạnh, chính sách của tỉnh Quảng Ninh được đề ra trên cơ sở chính sách của nhà nước kết hợp chính sách riêng của tỉnh. “Quảng Ninh cực kỳ cầu thị và sẵn sàng ngồi với DN để giải quyết những khó khăn trong quá trình triển khai”, ông Hậu quả quyết.
Đồng quan điểm trên, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long cho biết, tỉnh đã chuẩn bị hồ sơ để đầu tư và mời gọi nhiều DN lớn vào đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp. Khuyến khích cơ chế đầu tư theo "4 nhà", tập trung quỹ đất cho các DN sản xuất tập trung, đồng thời thuê lại nông dân làm công nhân cho mình. “Các bạn thành công thì chúng tôi cũng thành công”, vị Chủ tịch gửi lời nhắn tới cộng đồng DN.
Tại hội nghị, UBND tỉnh Quảng Ninh đã trao các Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, các quyết định phê duyệt chủ truơng đầu tư, ký kết biên bản đầu tư cho 5 dự án; trao quyết định hỗ trợ đầu tư cho 3 dự án. Tổng mức đầu tư các dự án trên 700 tỷ đồng. Trong đó, Cty CP Thủy sản Việt Úc thực hiện dự án nuôi tôm thương phẩm siêu canh công nghệ cao trong nhà kính tại xã Tân Lập và xã Đầm Hà (huyện Đầm Hà) với tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng; Cty TNHH Đầu tư SX phát triển nông nghiệp VinEco (Tập đoàn Vingroup) thực hiện dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao xã Hồng Thái Tây, TX Đông Triều, tổng vốn đầu tư 128 tỷ đồng... |