Trong năm 2020 tỉnh Quảng Ninh có 2 cơn bão (bão số 2, bão số 7) ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn. Tuy nhiên, số ngày có mưa ít hơn trung bình nhiều năm trước khoảng 12-15 ngày; cả mùa có khoảng 60 - 80 ngày mưa; có 7 đợt mưa lớn, lượng mưa lớn nhất 271mm tại huyện Hải Hà, thiên tai đã làm 1 người chết tại địa bàn thành phố Hạ Long, tổng thiệt hại về tài sản 2 tỷ đồng.
Qua so sánh với các năm trước đây, thiệt hại do thiên tai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã giảm nhiều, đây là tín hiệu đáng mừng trong khi địa phương này thường xuyên chịu ảnh hưởng trực tiếp của hầu hết các hình thái thiên tai.
Một phần, do tỉnh Quảng Ninh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác phòng chống thiên tai, bão lũ; ưu tiên bố trí kinh phí triển khai xây dựng các công trình và triển khai nhiệm vụ phòng chống thiên tai. Đặc biệt, phát huy hiệu quả trong công tác kiểm tra, kịp thời phát hiện, cảnh báo sớm, sát với tình hình thực tế nên đã hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
Ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh ghi nhận công sức cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phòng, chống thiên tai còn có mặt hạn chế, điển hình như trực ban tại một số địa bàn chưa nghiêm, việc xây dựng các phương án để thực hiện phương châm “4 tại chỗ” chưa thực sự được quan tâm đúng mức, phương tiện còn thiếu.
“Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện nay còn một số bãi đổ thải tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, hệ thống tiêu thoát lũ, nhất là ở một số khu vực trong khu dân cư, đô thị còn bất cập, thường xảy ra ngập lụt cục bộ, mất an toàn, nguy cơ xảy ra lũ, sạt lở đất đá, đặc biệt tại khu vực miền núi còn tiềm ẩn”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn nói thêm.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, năm 2021 tình hình thời tiết tiếp tục có chiều hướng khốc liệt, trái quy luật, tác động tiêu cực ngày càng phức tạp của thiên tai. Do vậy, để ứng phó hiệu quả với diễn biến này, tỉnh Quảng Ninh đã đề ra giải pháp, triển khai nhiệm vụ.
Cụ thể, quán triệt thực hiện nghiêm túc Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013, các Nghị định của Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và các văn bản pháp luật liên quan.
Xác định, việc phòng chống thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên, các đơn vị, lực lượng, địa phương cần chủ động có giải pháp phòng ngừa là chính, kết hợp với các biện pháp thích ứng phù hợp.
Đại tá Phạm Hải Châu, Phó Cục trưởng Cục cứu hộ cứu nạn, Bộ Quốc Phòng đưa ra ý kiến về công tác triển khai nhiệm vụ PCTT và TKCN năm 2021 tại Quảng Ninh: Với đặc thù là địa bàn có địa hình ven biển, nhiều đồi núi, nhiều tuyến đảo, nên việc ứng cứu từ các địa bàn khác là rất khó khăn, có những thời điểm không thể thực hiện được. Do vậy, yêu cầu Quảng Ninh phải xây dựng phương án phòng chống thiên tai phù hợp, sát với điều kiện thực tế của từng khu vực, từng địa bàn. Đặc biệt đối với địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn.
“Các địa phương phải rà soát kỹ các vị trí, khu vực có nguy cơ sạt lở, sớm có các giải pháp phòng chống, cảnh báo nguy hiểm. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho cộng đồng, tổ chức, cá nhân về các loại hình thiên tai, giáo dục cập nhật kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, tính chủ động đến các tổ chức, cơ quan, đơn vị, tầng lớp nhân dân về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, phù hợp điều kiện, tập quan từng vùng”, Đại tá Châu nói.
Quảng Ninh đặt yêu cầu phòng ngừa, ứng phó thiên tai ở vị trí quan trọng trong kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, địa phương này đã hoàn thành xây dựng và thực hiện 2 đề án để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, đó là “Đề án Bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biển đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” và “Đề án Đảm bảo an ninh nguồn nước giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.