| Hotline: 0983.970.780

Quảng Ninh: Xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm H5N6

Thứ Ba 12/01/2021 , 16:15 (GMT+7)

Ngày 12/1, UBND huyện Hải Hà (Quảng Ninh) xác nhận, trên địa bàn huyện đã xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm H5N6 trên đàn gà của một hộ gia đình ở xã Quang Minh.

Xử lý dứt điểm các ổ dịch cúm gia cầm

Ngày 12/1, UBND huyện Hải Hà (Quảng Ninh) xác nhận, trên địa bàn huyện đã xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm H5N6 trên đàn gà của hộ gia đình ông Hoàng Văn Thành, trú tại thôn 7 xã Quang Minh. Nguyên nhân do ông Thành tái đàn nhưng không thực hiện khai báo nhập đàn với chính quyền xã để tiêm phòng dịch.

Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, xã Quang Minh nhanh chóng phong tỏa, tiêu hủy toàn bộ số lượng gia cầm gần 3.000 con gà của hộ gia đình ông Hoàng Văn Thành, tiến hành lập chốt chặn, tiêm phòng bao vây đối với tất cả các khu vực xung quanh. Theo đánh giá, ổ dịch cơ bản được xử lý dứt điểm, kiểm soát kịp thời và chưa phát hiện thêm trường hợp gia cầm khác nhiễm bệnh.

Huyện Hải Hà (Quảng Ninh) sử dụng hóa chất khử trùng, khoanh vùng dập dịch tai hộ gia đình ông Hoàng Văn Thành. Ảnh: Hoàng Nga.

Huyện Hải Hà (Quảng Ninh) sử dụng hóa chất khử trùng, khoanh vùng dập dịch tai hộ gia đình ông Hoàng Văn Thành. Ảnh: Hoàng Nga.

Chính quyền và ngành thú y huyện Hải Hà cũng đã huy động lực lượng, vật tư, phương tiện để triển khai ngay các biện pháp cách ly, giám sát, khống chế để dập dịch, yêu cầu các xã rà soát kiểm tra số lượng gia cầm đối với những hộ gia đình tái đàn. 

Đồng thời, phối hợp với Trung tâm dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp tập trung lực lượng tổ chức tiêm phòng vacxin cúm gia cầm bổ sung trước ngày 25/1/2021 và tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng ổ dịch, hố chôn gia cầm.

Theo báo cáo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh, trước ổ dịch ở huyện Hải Hà, ngày 17/12/2020 địa phương ghi cũng đã ghi nhận phát sinh ổ dịch cúm A/H5N6 tại thôn 7, xã Sông Khoai, thị xã Quảng Yên (buộc tiêu hủy 972 con).

Năm 2020, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm tại Quảng Ninh tiếp tục có diễn biến phức tạp, trong đó đã phát sinh 3 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6 tại huyện Đầm Hà, Tiên Yên và TP Móng Cái. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy gần 5.500 con.

Các ổ dịch cúm gia cầm ở Quảng Ninh không xuất hiện tập trung với quy mô lớn, mà xuất hiện nhỏ lẻ ở một, hai hộ trong khu vực. Điều này gây khó khăn rất lớn cho cơ quan chức năng khi rà soát, xác minh nguồn bệnh. Đáng nói, vẫn còn nhiều hộ chăn nuôi thờ ơ, không chủ động kiểm soát, phòng bệnh gia cầm. 

Sẽ xử lí nghiêm nếu dấu dịch

Để hạn chế nguy cơ bùng phát, lây lan dịch bệnh vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản, đề nghị UBND các địa phương có ổ dịch tập trung nguồn lực kiểm soát, xử lý tốt môi trường để tránh lây lan, phát sinh ổ dịch mới. Lên kế hoạch chi tiết, thống kê đàn gia cầm chưa tiêm phòng đợt II/2020 để thực hiên ngay việc tiêm phòng bổ sung cho số gia cầm phát sinh, nuôi mới.

Bên cạnh đó, tổ chức hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng dịch; áp dụng nghiêm các biện pháp kỹ thuật trong chăn nuôi an toàn sinh học; thực hiện tháng cao điểm vệ sinh khử trùng tiêu độc từ nay đến dịp Tết Nguyên đán. Lên phương án sẵn sàng xử lý tại các khu vực có ổ dịch cũ và các địa bàn có nguy cơ cao. Tại các địa phương có đường biên giới, cần tăng cường giám sát, ngăn chặn vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc.

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh tiến hành tiêu hủy gia cầm không rõ nguồn gốc. Ảnh: Thanh Tùng.

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh tiến hành tiêu hủy gia cầm không rõ nguồn gốc. Ảnh: Thanh Tùng.

Ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Ninh khuyến cáo người dân không nhập, nuôi mới và nuôi tái đàn trong thời gian có dịch, tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng đàn gia cầm nhằm nâng cao sức đề kháng của vật nuôi. Khi người dân phát hiện đàn gia cầm mắc bệnh, cần cảnh báo đến cơ quan chức năng. Trường hợp giấu bệnh, dẫn đến lây lan rộng, gây thiệt hại cho sản xuất chăn nuôi sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Hợp tác nông nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nông dân và hợp tác xã

Còn nhiều dư địa để phát triển hợp tác nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo tương thích với mô hình sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.