| Hotline: 0983.970.780

Quảng Trị: Bảo vệ vật nuôi sau lũ

Thứ Năm 29/10/2020 , 10:35 (GMT+7)

Đợt mưa lũ lớn vừa qua tại Quảng Trị gây ngập lụt sâu trên diện rộng ở hầu hết các địa phương, ảnh hưởng lớn đến tài sản, tính mạng và sản xuất nông nghiệp.

Nhiều địa phương xảy ra hiện tượng gia súc, gia cầm chết hoặc trôi mất do nước lũ và ngập úng. Sau khi nước rút công tác vệ sinh các khu chăn nuôi, phòng trị bệnh cho đàn vật nuôi rất quan trọng.

Hiện nước lũ đã rút dần, tuy nhiên, nguy cơ lây lan bùng phát dịch bệnh từ gia súc, gia cầm chết là mối quan tâm của nhiều người dân, đặc biệt là hộ chăn nuôi. 

Gia đình chị Phan Thị Nhạn ở xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị có 11 ô chuồng nuôi lợn, trong đó có 8 ô lợn nái và 3 ô lợn thịt với tổng đàn gần 50 con. Khi nước lũ dâng cao gia đình chị đã dùng ghe, xuồng đưa lợn lên vùng cao hơn, trong lúc di chuyển có 5 con bị thương, 1 con nái trọng lượng lớn không vận chuyển được nên bị chết.

Sau khi nước lũ rút, được sự hỗ trợ của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị, chị Nhạn cùng các thành viên trong gia đình đã tập trung vệ sinh, tiến hành đẩy bùn đất ra khỏi các ô chuồng, vệ sinh, khử trùng các ô chuồng trại vận chuyển lợn về cho lợn ăn, ổn định khu chăn nuôi.

“Tôi mong muốn các ban ngành và chính quyền các cấp quan tâm, hỗ trợ thêm thuốc sát trùng, vôi bột, các chất tẩy khử chuồng trại và kinh phí để sửa sang chuồng trại để ổn định sản xuất sau lũ”, chị Nhạn mong muốn.

Phun thuốc tiêu độc khử trùng khu vực chuồng nuôi.

Phun thuốc tiêu độc khử trùng khu vực chuồng nuôi.

Theo thống kê trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 5.862 con gia súc các loại bị chết, cuốn trôi; 547.868 con gia cầm các loại bị chết. Để chủ động triển khai các biện pháp nhằm khắc phục hậu quả mưa lũ và tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh động vật sau mưa lũ, Sở NN-PTNT Quảng Trị đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thị, thành phố xuống cơ sở để hướng dẫn bà con biện pháp bảo vệ đàn gia súc, gia cầm.

Kiểm tra, hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ, xử lý tốt môi trường, xây dựng phương án chủ động phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm để hạn chế tối đa thiệt hại và ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh.

Tiến hành rà soát, tổng hợp thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp, gửi Sở NN-PTNT tổng hợp để tham mưu UBND tỉnh trình Chính phủ hỗ trợ.

Hướng dẫn cách vệ sinh chuồng trại.

Hướng dẫn cách vệ sinh chuồng trại.

Kỹ sư Nguyễn Quang Dương, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Trị khuyến cáo: Khi nước rút người dân cần thực hiện vệ sinh cơ giới trước khi phun hóa chất sát trùng. Nước rút đến đâu quét dọn, vệ sinh chuồng trại, bãi chăn, thu gom rác thải đến đó. Tiến hành phun khử trùng tiêu độc bằng các chất sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh trong nền chuồng và bãi chăn thả.

Tổ chức quét dọn, thu gom toàn bộ bùn, đất, phân, chất thải, rác thải tại khu vực chuồng nuôi gia súc, gia cầm và khu vực tiếp giáp xung quanh, rắc vôi, đóng vào bao kín để gọn một nơi, đào hố ủ làm phân, đảm bảo vệ sinh môi trường. Sửa chữa, cải tạo chuồng trại bị hư hỏng do bão và ngập nước. Nạo vét, dọn bùn đất, khơi thông cống rãnh bên trong chuồng nuôi và khu vực xung quanh. Đặt túi vôi bột tại các rãnh thoát nước. Cọ rửa sạch sẽ bề mặt nền chuồng, tường chuồng, dụng cụ chăn nuôi trước khi phun thuốc sát trùng.

Sử dụng các loại hóa chất thông dụng để phun tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực xung quanh bằng các loại hóa chất như Navet-Iodine hoặc Benkocid bằng cách: Pha 20-50ml hóa chất nói trên trong 10 lít nước sạch; 1 lít dung dịch pha phun  3-5m2 nền chuồng nuôi.

Ngoài ra, có thể sử dụng thuốc Hantox-200 để phun diệt ruồi, muỗi tại khu vực chuồng nuôi và khu vực xung quanh để tiêu diệt vật trung gian truyền bệnh. Để chuồng nuôi khô ráo, sạch sẽ mới đưa vật nuôi trở lại chuồng nuôi.

Với những gia súc có biểu hiện rối loạn tiêu hóa hoặc bệnh đường hô hấp thì phải cách ly và điều trị kịp thời. Mở bạt chuồng nuôi để cho ánh nắng chiếu sáng vào khu vực chuồng để tăng hiệu quả diện khuẩn. Định kỳ 1-2 lần/1 tuần thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng nuôi để chủ động phòng dịch.

"Khi có gia súc, gia cầm ốm, chết, phương pháp hiệu quả nhất là đốt xác vật chết, phun thuốc diệt côn trùng hoặc thuốc sát trùng hoặc tưới dầu hỏa lên xác vật chết để chống các loài ăn thịt và côn trùng xâm nhập, đợi khi nước rút thì đem chôn lấp; phải đào hố, chôn sâu và rắc vôi bột. Tuyệt đối không giết mổ, vận chuyển, bán chạy, vứt xác chết bừa bãi ra môi trường xung quanh", KS Nguyễn Quang Dương chia sẻ.

Xem thêm
Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Thời cơ thuận lợi để phát triển cây ca cao

Sau nhiều thăng trầm, giảm mạnh diện tích, cây ca cao vẫn có chỗ đứng ở Bà Rịa – Vũng Tàu và đang mang lại niềm vui cho nông dân nhờ giá tăng cao.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.