Ngày 22/4/2022 UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt Đề án Khuyến khích phát triển dược liệu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2022-2026, tầm nhìn đến năm 2030 (đề án). Đề án được Hợp phần Quản lý rừng bền vững thuộc Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ xây dựng.
Đề án được xây dựng dựa trên nhu cầu, tiềm năng phát triển của tỉnh Quảng Trị và phù hợp với mục tiêu thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp thân thiện với bảo tồn tại các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng của Dự án.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, cây dược liệu được xác định là 1 trong 6 cây trồng chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của tỉnh và đã có nhiều chính sách phát triển. Tại tỉnh Quảng Trị, bước đầu đã hình thành nhiều mô hình trồng, sản xuất và chế biến dược liệu thành công.
Trước hiệu quả cây dược liệu mang lại, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và ngành Nông nghiệp đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới theo hướng chuyển từ số lượng sang chất lượng, giá trị theo chuỗi liên kết, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất thông qua doanh nghiệp… Điều đó sẽ góp phần tạo sản phẩm có quy mô lớn, đồng nhất về chất lượng, nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho người dân, tạo thêm nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới. Nhiều sản phẩm đã có thương hiệu, giá trị cao và có chổ đứng trên thị trường trong và ngoài nước.
Đến nay, tỉnh Quảng Trị đã có 34 sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ dược liệu được công nhận và thị trường đón nhận.
“Quan điểm của tỉnh Quảng Trị là phát triển dược liệu phải gắn với khai thác hợp lý và bền vững nguồn dược liệu tự nhiên, quý hiếm, nhằm giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và cảnh quan rừng. Dựa trên lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, thị trường, giá trị gia tăng và nâng cao hiệu qủa, hợp tác kinh tế, Quảng Trị đang chuyển hướng từ sản xuất dược liệu sang kinh tế thảo dược” – ông Hà Sỹ Đồng chia sẻ.
Về Hợp phần Quản lý rừng bền vững thuộc Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC), TS. Vũ Văn Hưng, Phó trưởng Ban quản lý các dự án lâm nghiệp (MBFP), Giám đốc Ban quản lý dự án VFBC Trung ương đánh giá, bên cạnh các hoạt động trồng rừng gỗ lớn, gỗ có chứng chỉ, Hợp phần Quản lý rừng bền vững còn hướng đến mục tiêu giảm phát thải thông qua việc hạn chế sự phụ thuộc của cộng đồng vào rừng và giảm áp lực lên tài nguyên rừng.
Dự án khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp thân thiện với bảo tồn nhằm thúc đấy, phát triển các chuỗi giá trị dựa vào thị trường như dược liệu, cafe, trẩu, keo… Dự án sẽ tạo cơ hội nâng cao thu nhập bền vững cho cộng đồng. Điều này rất có ý nghĩa trong tiến trình thực hiện Chiến lược Phát triển ngành Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030.
Tại Hội thảo Công bố Đề án phát triển dược liệu gắn với Chương trình OCOP và xúc tiến đầu tư vào sản xuất, chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị diễn ra sáng 21/6, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và chấp thuận nhà đầu tư cho 2 doanh nghiệp sản xuất dược liệu trên địa bàn tỉnh; ký kết 9 biên bản ghi nhớ giữa các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ hợp tác về hỗ trợ kỹ thuật, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Tại Hội thảo đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do USAID tài trợ với 7 công ty và hợp tác xã trong ngành hàng dược liệu, trẩu, cà phê và keo.
Quảng Trị phấn đấu có 4,5 nghìn ha cây dược liệu vào năm 2026
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2026, Quảng Trị phấn đấu trồng mới thêm 200 ha dược liệu tập trung; 800 ha dược liệu dưới tán rừng với 14 loại dược liệu; nâng tổng diện tích cây dược liệu trên địa bàn lên 4.500 ha. Địa phương này cũng sẽ có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư trong lĩnh vực trồng và chế biến dược liệu; xây dựng, nâng cấp 10 cơ sở, nhà máy chế biến, 5 vườn ươm…