Theo Sở NN-PTNT Tuyên Quang, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh thực hiện trồng cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên 1.200 ha; giai đoạn 2021 - 2025 phấn đấu trồng được 300 ha. Mở rộng phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế, tỉnh đã thực hiện 10 đề tài, dự án khoa học công nghệ cấp tỉnh, cấp huyện về phát triển cây dược liệu, trong đó có nhiều dự án trồng cây dược liệu dưới tán rừng như thâm canh cây sa nhân, thảo quả, ba kích, xạ đen, cà gai leo. Tỉnh cũng đã hình thành được 11 mô hình liêu kết trồng cây dược liệu và bao tiêu sản phẩm…
Mô hình liên kết trồng cà gai leo của HTX Dịch vụ - Chế biến nông lâm nghiệp Hợp Hòa, huyện Sơn Dương là một điển hình trong phát triển hiệu quả cây dược liệu ở Tuyên Quang. Theo những hộ dân trồng cà gai leo ở xã Hợp Hòa, trung bình mỗi ha cà gai leo cho sản lượng 10 tấn sản phẩm khô/năm. Với giá bán bình quân 28 triệu đồng/tấn, mỗi ha cà gai leo cho thu nhập khoảng 280 triệu đồng/năm. Trừ hết chi phí, mỗi ha cà gai leo lãi trên 160 triệu đồng.
Anh Bùi Văn Hoàng, Giám đốc HTX Dịch vụ - Chế biến nông lâm nghiệp Hợp Hòa cho biết, phát triển sản phẩm từ cây cà gai leo dược liệu đang cho thấy những bước đi đúng đắn. Hiện nay, các sản phẩm chế biến từ gai leo của HTX với 100% thành phần tự nhiên. Nguồn nguyên liệu chính để chế biến là 3 loại thảo dược gồm cà gai leo, xạ đen và cỏ ngọt, mang lại hương thơm đặc trưng cho sản phẩm, tạo vị ngọt dịu nhẹ dễ uống, không gây tác dụng phụ đối với người bị tiểu đường, cao huyết áp, béo phì.
Sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ từ nguồn nguyên liệu tại địa phương do các thành viên trong HTX trồng và thu hoạch, cam kết 100% không sử dụng chất kích thích, thuốc hóa học trong quá trình trồng, sản xuất... Niềm vui lớn nhất đối với HTX là cuối tháng 12/2021, sản phẩm Trà cà gai leo của HTX được Hội đồng OCOP tỉnh Tuyên Quang công nhận đạt 4 sao OCOP.
Công ty Thảo dược Tuệ Tâm (Thành phố Tuyên Quang) của chị Bàn Thị Liên cũng là một đơn vị thành công trong việc liên kết phát triển vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm cây dược liệu. Hiện nay, Công ty của chị liên có 20 sản phẩm bảo vệ sức khỏe, trong đó có 1 sản phẩm đạt OCOP 4 sao, 2 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Sản phẩm mang thương hiệu Tuệ Tâm đã được tiêu thụ khắp các tỉnh thành trong cả nước.
Chị Bàn Thị Liên cho biết, hiện chị đang triển khai dự án liên kết, sản xuất trồng cây dược liệu theo chuỗi liên kết trên địa bàn Thành phố Tuyên Quang và các huyện Yên Sơn, Na Hang quy mô hơn 10 ha.
Dù bước đầu có những chuyển biến, song việc phát triển mô hình trồng cây dược liệu ở Tuyên Quang cũng có không ít những khó khăn. Bởi hiện nay nhà nước chưa có hướng dẫn cụ thể về cải tạo, trồng cây dược liệu dưới tán rừng tự nhiên; việc trồng, thu hoạch còn nhỏ lẻ, manh mún, mang tính tự phát; chưa có cơ chế chính sách đồng bộ và phù hợp để đẩy mạnh và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực trồng, sơ chế, chế biến và bảo quản dược liệu trên địa bàn tỉnh…
Bà Mai Thị Hoàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết, theo Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2035 thì giai đoạn 2021 - 2025 phát triển dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng của tỉnh đạt trên 2.000 ha; giai đoạn 2026 - 2030 duy trì và phát triển trên 3.500 ha cây dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng.
Tỉnh Tuyên Quang sẽ tập trung xác định chi tiết vùng trồng đối với một số loài cây dược liệu chủ lực, bổ sung cơ chế chính sách thu hút đầu tư trồng cây dược liệu; thực hiện tái cơ cấu các vùng trồng đã có theo các tiêu chuẩn của GACP-WHO; hình thành vùng trồng, thu hái dược liệu được công nhận đạt tiêu chuẩn GACP-WHO; đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tăng cường quản lý, giám sát sản phẩm bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm.