Người nuôi tôm mỏi mòn chờ hóa chất xử lý môi trường
Theo thống kê của UBND huyện Vĩnh Linh, năm 2023, toàn huyện thả nuôi gần 270ha tôm, đến cuối tháng 8 có tới 263ha tại các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Lâm, Hiền Thành, Vĩnh Giang, Vĩnh Hòa bị chết.
Các hộ nuôi tôm ở đây đều lấy nguồn nước ở hạ nguồn sông Sa Lung. Nhiều thời điểm, dù cơ quan chức năng đã khuyến cáo chất lượng nước sông Sa Lung không đảm bảo nhưng vì thời vụ gấp gáp, nhiều hộ vẫn tiếp tục lấy nước vào hồ, xử lý và thả nuôi.
Một số hộ dân, sau nhiều lần thả tôm bị chết đã khánh kiệt, không còn dám vay tiền tái đầu tư. Chỉ một số rất ít trong đó thả nuôi lại nhưng tỷ lệ thành công rất thấp. Nhiều hồ tôm bỏ không, người nuôi tôm bất an vì môi trường nước sông Sa Lung, nguồn nước lấy vào các hồ nuôi tôm liên tục bị ô nhiễm, không biết đến khi nào mới trở lại bình thường. Các khoản nợ ngân hàng, vay nóng cứ thế lớn dần lên khiến người dân đứng ngồi không yên.
Ông Phan Trọng Sáng, xã viên HTX nuôi tôm Vĩnh Thành, xã Vĩnh Sơn cho biết, vụ 1 năm 2023, gia đình ông thả nuôi 1,6ha tôm thẻ chân trắng, nhưng chỉ được 20 ngày tôm chết sạch, lỗ 180 triệu đồng. Đến vụ thứ 2, ông thả 1,3ha, nhưng cũng chỉ được 20 ngày tôm nổi lên chết đồng loạt. Đuối sức vì không đủ tiền đầu tư, nợ ngân hàng chồng chất, ông Sáng đành phơi hồ, không dám thả nuôi vụ 3.
Ông Trần Lưu, một hộ nuôi tôm tại Hợp tác xã Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn cho hay, diện tích tôm tại HTX gần như chết hết. Tuy nhiên, đến thời điểm này chỉ một số diện tích được nhận hỗ trợ hóa chất cloramin để dập dịch, tiêu độc khử trùng. Nhiều hộ không còn tiền để mua hóa chất, tiêu độc khử trùng thả nuôi vụ mới.
“Diện tích tôm chết rất nhiều nhưng không hiểu vì sao chỉ một số diện tích được nhận hỗ trợ cloramin. Nhiều hộ đang ngóng chờ nguồn hỗ trợ từ Nhà nước để xử lý môi trường triệt để, tiếp tục thả nuôi. Chúng tôi cũng mong cơ quan chức năng sớm kết luận, nếu nguyên nhân tôm chết là do xả thải của các nhà máy ở thượng nguồn sông Sa Lung phải có chính sách đền bù thỏa đáng cho người dân”.
Cũng theo ông Lưu, chi phí mua hóa chất xử lý hồ nuôi rất lớn. Nếu không được Nhà nước hỗ trợ, nhiều hộ dân sẽ phải xả nguồn nước từ hồ tôm bị chết ra môi trường chưa qua xử lý, môi trường sẽ càng bị ô nhiễm.
Do mong ngóng cơ quan chức năng sớm làm sáng tỏ nguyên nhân tôm chết, đầu tháng 10, đại diện 5 hợp tác xã nuôi tôm tại xã Vĩnh Sơn đã lên gặp và làm việc với Huyện ủy, UBND và các phòng ban chức năng huyện Vĩnh Linh.
Tại đây, các hộ dân nhận được câu trả lời là sẽ được nhận hỗ trợ cloramin để tiêu độc khử trùng. Tuy nhiên, người dân đang ngóng chờ, không biết đến lúc nào mới nhận được hỗ trợ trong khi môi trường vùng nuôi tôm những tháng qua đã bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị, lũy tiến từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 361ha tôm nuôi bị chết nhưng cơ quan chức năng chỉ xác định được 38ha bị chết do bị bệnh hoại tử gan tụy.
Lý giải cho điều này, đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị cho rằng, nguyên nhân là do 323ha tôm nuôi có hiện tượng tôm chết nhưng người nuôi không báo cáo và không phối hợp lấy mẫu nên không xác định nguyên nhân gây bệnh. Một số diện tích khi cơ quan chức năng phát hiện thì đã quá muộn nên không thể lấy được mẫu xét nghiệm.
Hóa chất được cấp phát thế nào khi không công bố dịch bệnh thủy sản
Trước tình hình tôm nuôi chết đồng loạt, ngành thú y Quảng Trị đã lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm và mẫu giám sát dịch bệnh lưu hành nhưng tất cả đều âm tính với bệnh đốm trắng; một số mẫu bệnh phẩm dương tính với bệnh hoại tử gan tụy. Tổng diện tích tôm nhiễm bệnh hoại tử gan tụy theo ghi nhận của cơ quan chức năng là 38ha. Trong đó, huyện Vĩnh Linh trên 20ha, Triệu Phong trên 5ha, Gio Linh trên 2,7ha và TP Đông Hà trên 10ha...
Trước thực tế trên, từ nguồn hóa chất dự trữ, UBND tỉnh Quảng Trị đã xuất cấp trên 17 tấn hóa chất cloramin để các hộ dân tiêu độc khử trùng. Thiếu hóa chất, diện tích tôm chết tăng theo cấp số nhân khiến người dân rơi vào cảnh khốn đốn.
Ông Nguyễn Trung Hậu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị cho biết, do ngân sách hạn hẹp, nguồn hóa chất dự trữ không đủ, tháng 7/2023, UBND tỉnh Quảng Trị đã gửi văn bản kiến nghị Bộ NN-PTNT trình Thủ tướng Chính phủ xuất cấp 76 tấn hóa chất để người nuôi tôm tiêu độc khử trùng, phòng chống dịch bệnh thủy sản.
Ngày 21/9, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký quyết định xuất cấp không thu tiền 76 tấn hóa chất cloramin từ nguồn dự trữ quốc gia cho tỉnh Quảng Trị để phòng, chống dịch bệnh thủy sản. Chính phủ giao Bộ NN-PTNT, Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao xử lý cụ thể theo quy định, chịu trách nhiệm về thông tin và số liệu báo cáo.
UBND tỉnh Quảng Trị chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu báo cáo; tổ chức hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, đảm bảo hiệu quả, đúng mục đích và thực hiện chế độ báo cáo theo đúng quy định.
Ông Hậu cho biết thêm, theo quy định, đối với thủy sản, địa phương có thể công bố dịch bệnh hoặc không. Diện tích thủy sản xác định được dịch bệnh hoại tử gan tụy đã được UBND tỉnh Quảng Trị hỗ trợ hơn 17 tấn hóa chất.
Diện tích còn lại, dù chưa xác định được nguyên nhân tôm chết nhưng cũng sẽ được hỗ trợ để xử lý môi trường. Hiện tại ngành thú y Quảng Trị đã làm việc với các địa phương để rà soát, thống kê và cấp phát đúng đối tượng trong thời gian sớm nhất để người nuôi xử lý môi trường. Tuy nhiên, việc hỗ trợ phải thực hiện đúng nguyên tắc, đúng đôi tượng, đúng diện tích.
Theo ông Hậu, những hộ có hồ nuôi tôm bị chết, nếu báo cho chính quyền thống kê thì sẽ được hỗ trợ đợt này. Đây là nguồn hỗ trợ để cải tạo, phục hồi môi trường nuôi, phòng chống chung cho cộng đồng nuôi trồng thủy sản. Nếu môi trường không được xử lý triệt để, người dân xả ra môi trường cũng sẽ gây thêm ô nhiễm.
“Hỗ trợ theo nguyên tắc này hoàn toàn đúng với quy định. Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Trị đã ủy quyền cho Sở NN-PTNT tiếp nhận nguồn hóa chất và sẽ cấp phát cho người dân trong thời gian sớm nhất”, ông Hậu cho biết thêm.
Ông Nguyễn Trung Hậu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Trị khuyến cáo, trong lúc chờ kết luận của cơ quan chức năng về nguyên nhân tôm chết, người nuôi tôm cần thực hiện các bước tiêu độc khử trùng và cẩn trọng khi lấy nước vào hồ nuôi. Khi lấy nước cần chọn thời điểm nước sông không có hiện tượng lạ, đưa vào hồ xử lý đúng quy trình, lắng lọc trước khi thả tôm nuôi.