Tạo cú hích cho cơ giới hóa và cánh đồng lớn
Theo kế hoạch, vụ đông xuân 2022 - 2023, Quảng Trị gieo cấy 25,5 nghìn ha lúa. Đến thời điểm này, nông dân Quảng Trị đang tập trung cày bừa để xuống giống đúng lịch thời vụ.
Hải Lăng là huyện có diện tích lúa lớn nhất tỉnh Quảng Trị. Vụ đông xuân 2022 - 2023, toàn huyện sẽ gieo cấy gần 6 nghìn ha lúa.
Đại diện Phòng NN-PTNT huyện Hải Lăng cho biết, hiện nay huyện đang chỉ đạo các địa phương tập trung tu sửa, nạo vét kênh mương; chuẩn bị sẵn sàng giống, phân bón, thuốc BVTV; ra quân làm vệ sinh đồng ruộng, diệt chuột... Hải Lăng sẽ cơ cấu chủ yếu là các giống lúa ngắn ngày, năng suất, chất lượng cao như HC95, Bắc thơm số 7, Thiên ưu 8, Bắc Thịnh…
Điểm mới trong sản xuất vụ đông xuân 2022 - 2023 tại Hải Lăng là địa phương này sẽ đẩy mạnh xây dựng cánh đồng lớn, tăng cường áp dụng cơ giới hóa như máy sạ hàng, phun thuốc bằng máy bay không người lái, máy gặt đập liên hợp. UBND huyện Hải Lăng yêu cầu các địa phương bám sát lịch thời vụ của huyện và tỉnh để bố trí gieo cấy, điều chỉnh lúa trỗ tập trung trong khung an toàn nhất.
Tại huyện Gio Linh, địa phương này sẽ gieo cấy khoảng 4,5 nghìn ha lúa. Xác định đông xuân là vụ sản xuất chính trong năm, giữ vai trò quan trọng đối với việc thực hiện kế hoạch sản xuất nông nghiệp cả năm, Phòng NN-PTNT huyện Gio Linh đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các địa phương chấp hành nghiêm lịch thời vụ và cơ cấu giống.
Hiện nay, nông dân Gio Linh đang triển khai cày vùi gốc rạ, xử lý vôi trên đồng ruộng để tiêu diệt mầm bệnh lùn sọc đen; tập trung diệt ốc bươu vàng, cây mai dương, diệt chuột hại; ra quân vệ sinh đồng ruộng, nạo vét, tu sửa kênh mương trước khi vào vụ sản xuất.
Với những chân ruộng cao, trồng lúa kém hiệu quả, Gio Linh thì sẽ chuyển đổi sang cây trồng khác như ngô sinh khối, dưa hấu, khoai lang, đậu đỗ các loại.
Cơ cấu 80% các giống lúa ngắn ngày, chất lượng
Ông Bùi Phước Trang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Quảng Trị cho hay, sản xuất vụ đông xuân 2022 - 2023 dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình diễn biến thời tiết thất thường, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị sẽ chỉ đạo các địa phương chuyển đổi 316ha đất lúa thiếu nước, hiệu quả thấp sang sản xuất cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao.
Để đảm bảo vụ đông xuân thắng lợi và đảm bảo khung lịch thời vụ cho vụ hè thu, trên cơ sở lịch thời vụ của ngành nông nghiệp, các địa phương cần chủ động bố trí cơ cấu giống và xây dựng lịch thời vụ cụ thể, linh hoạt, phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng loại cây trồng.
Đối với cây lúa, các địa phương cần bố trí gieo sạ tập trung trong khoảng thời gian từ ngày 5/1 - 20/1 và đảm bảo thu hoạch trước 15/5/2023 để kịp thời triển khai sản xuất vụ hè thu. Ngành nông nghiệp Quảng Trị cơ cấu 80% các giống lúa ngắn ngày, chất lượng như HN6, HC95, Bắc thơm 7, Dự hương 8, Đài thơm 8, Khang dân 18, Thiên ưu 8, Hà Phát 3… Mỗi hợp tác xã chỉ nên cơ cấu từ 3 - 4 loại giống lúa phù hợp với địa phương từ bộ giống lúa khuyến cáo của tỉnh để tập trung thâm canh.
Quảng Trị cũng đã ra phương án dự phòng nguồn giống để hỗ trợ nông dân gieo cấy lại đối với các diện tích lúa thiệt hại do mưa, rét gây ra; xây dựng kế hoạch tưới, tiêu hợp lý, đặc biệt là đấu úng khi có ngập úng xảy ra.
“Ngành nông nghiệp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn; cử cán bộ kỹ thuật bám sát, chủ động điều tra phát hiện, dự tính, dự báo sinh vật gây hại; hướng dẫn các địa phương và nông dân trong việc áp dụng cơ cấu giống, mùa vụ và các biện pháp chống úng, chống rét, phòng trừ sâu bệnh, bón phân trên các loại cây trồng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra. Quảng Trị quyết tâm hướng đến một vụ đông xuân thắng lợi toàn diện để bù đắp lại thiệt hại vụ hè thu vừa qua”, ông Trang cho hay.
Phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp 3,5 - 4%
Năm 2023, Quảng Trị gieo cấy 48,8 nghìn ha lúa, 3,5 nghìn ha lạc, 10,5 nghìn ha sắn...; phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 3,5 - 4%. Để đạt mục tiêu, ngành nông nghiệp chỉ đạo các địa phương tập trung tổ chức sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh liên kết, chuyển đổi sản xuất, phấn đấu đạt sản lượng cây lương thực có hạt đạt trên 26 vạn tấn; diện tích lúa sản xuất theo hướng cánh đồng lớn trên 11 nghìn ha, trong đó có trên 1.000 ha được liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm...