| Hotline: 0983.970.780

Nông dân xuống đồng trong mưa lạnh

Thứ Hai 26/12/2022 , 09:35 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Những ngày này, trời mưa và rét buốt nhưng nông dân Quảng Bình vẫn hối hả xuống đồng gieo cấy cho kịp thời vụ…

Ông Lê Xuân Tứ, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Quảng Bình cho hay: Vụ đông xuân năm nay, các địa phương trong tỉnh thực hiện gieo cấy 29.500ha theo kế hoạch. Lịch gieo cấy bắt đầu từ cuối tháng 12 này và kết thúc vào thời gian đầu tháng 2 năm sau. Hiện nay, thời tiết mưa, rét kéo dài nên bà con nông dân phải tranh thủ đội mưa rét gieo sạ để đảm bảo thời vụ.

1

Những cánh đồng đã đổ ải, sẵn sàng gieo cấy vụ đông xuân. Ảnh: Tâm Phùng.

Trên cánh đồng hút tầm mắt một màu nâu của đất ruộng đã được cày ải của xã Hàm Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), gió vẫn thổi hun hút. Trời vẫn vần vũ mây và mưa lúc thưa, lúc nhặt hạt. Bà Nguyễn Thị Lài quấn áo mưa kín người, tay run run vì lạnh đổ thóc giống đã ngâm ủ nứt nanh ra thúng để gieo. Vốc nắm thóc giống đã bật chân rễ trắng muốt lên xem, bà hài lòng vì thóc nứt nanh, phát rễ đều, đẹp. “Tui phải tranh thủ cho nhanh xong chứ cứ ngâm lạnh trên đồng lâu quá cũng không được”, nói xong, bà Lài tất tả bê thúng giống lúa xuống xuộng, quay người đi giật lùi và cánh tay gieo giống cứ đưa lên, hạ xuống đều đặn trong màn mưa lạnh.

4

Mặc dù những ngày này tại Quảng Bình trời mưa rét, nhưng bà con vẫn tranh thủ xuống giống cho kịp khung thời vụ. Ảnh: Tâm Phùng.

Cuối cánh đồng, gió lạnh vẫn bủa từng cơn không dứt. Ông Lê Văn Long và mấy người nữa chân lội ngập bùn sâu hăng say làm việc như quên cả cái lạnh se sắt. Người dùng cuốc, bừa kéo cho phẳng thêm mảnh ruộng, người bê thúng giống đi gieo cho kịp với thời gian. Vừa làm, ông Long vừa cho hay, vụ đông xuân năm nay do nhuận hai tháng 2 nên lịch gieo bị chậm. Nhà làm có 10 mẫu ruộng thì nửa diện tích dùng giống trúng ngay phải mưa lạnh vẫn phải xuống ruộng. “Theo nông lịch thì giống lúa VNR 20 này đã bị chậm 2 ngày rồi. Mấy hôm trước thấy mưa lạnh, sợ giống dột nên không đi gieo. Không ngờ, lạnh giá vẫn kéo dài nên phải ra đồng chứ không thể trễ hơn được nữa. Chủ quan là mất mùa như chơi đó”, ông Long nói.

3

Đè mưa lạnh, nông dân huyện Quảng Ninh ra đồng chuẩn bị cho vụ đông xuân. Ảnh: Tâm Phùng.

Vụ đông xuân năm nay, huyện Quảng Ninh gieo trên 5.200ha lúa. Ông Trần Đức Thuận, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Quảng Ninh cho biết, toàn bộ diện tích sẽ được gieo sạ chứ không cấy như trước đây. Những ngày mưa lạnh, bà con vẫn tất bật ra đồng cho kịp thời vụ. “Do thời tiết mưa lạnh nên chúng tôi chỉ đạo các địa phương chủ động trong việc tiêu úng. Nếu vùng nào đã gieo xong mà bị mưa lớn gây úng ngập cục bộ thì phải khẩn trương bơm, tát tiêu úng ngay để cứu giống”, ông Thuận trao đổi.

2

Nông dân làm đất, cuốc bờ, góc ruộng chuẩn bị gieo cấy. Ảnh: Tâm Phùng.

Vụ đông xuân năm nay, vựa lúa Lệ Thủy vẫn đảm bảo diện tích gần 10.200ha. Để động viên bà con, UBND huyện đã có chính sách hỗ trợ trên 300 triệu đồng cho các địa phương mua thuốc diệt chuột. Đầu vụ, các địa phương đã phát động tuần lễ diệt chuột để ngăn chặn chuột phát triển, hạn chế mùa màng bị thất bát do chuột phá hại.

Vụ đông xuân này, Lệ Thủy đưa vào cơ cấu sản xuất các giống chủ lực như VN20, P6, Nhị Ưu 838, VNR20, Hà Phát 3, PC6, HN6, Thái Xuyên 111... Một số giống lúa mới có triển vọng như ĐB6, LTH31, ST25, DT80, Hương Bình, NĐ502, Bắc Thịnh… cũng đã được ưu tiên đưa vào trên đồng ruộng. Phòng NN-PTNT Lệ Thủy cũng đã chỉ đạo các địa phương căn cứ vào từng loại chân đất và định hướng mùa vụ để bố trí cơ cấu giống lúa cho phù hợp.

6

Không quản mưa lạnh, người dân vẫn miệt mài trên cánh đồng. Ảnh: Tâm Phùng.

Đối với những vùng làm lúa đông xuân - hè thu thì vụ đông xuân cơ cấu giống lúa trung ngày, ngắn ngày để thu hoạch sớm nhằm kịp triển khai vụ hè thu. Ông Lê Văn Tân, Trưởng phòng NN-PTNT Lệ Thủy cho hay, mỗi xã, thị trấn tập trung cơ cấu từ 2 - 3 giống lúa chủ lực. Trên một xứ đồng bố trí từ 1 - 2 giống lúa để thuận tiện cho việc cơ giới hoá, theo dõi chỉ đạo sản xuất và liên kết với đầu mối thu mua.

“Các giống mới có triển vọng và giống sản xuất thử nghiệm nếu không có hợp đồng cam kết bao tiêu sản phẩm thì chỉ đưa vào sản xuất với diện tích vừa phải, bố trí nhiều vùng, trên các chân đất khác nhau để đánh giá mức độ phù hợp, báo cáo cơ quan quản lý chuyên môn làm căn cứ xem xét khuyến cáo cho các năm sau”, ông Tân cho biết.

Nông dân Quảng Bình chạy đua với thời tiết để mong có vụ mùa bội thu. Ảnh: T.P

Nông dân Quảng Bình chạy đua với thời tiết để mong có vụ đông xuân bội thu. Ảnh: Tâm Phùng.

Mấy ngày qua, nông dân Lệ Thủy đã ra đồng không kể thời tiết giá lạnh. Nhiều bà con chủ động be bờ, dọn cỏ ở các góc ruộng hay tiết nước cho phù hợp gieo sạ giống.

Ông Lê Văn Tân cũng cho hay: “Đến 28/12, các địa phương trong huyện sẽ đồng loạt xuống đồng cho toàn bộ những trà sớm. Những trà muộn sẽ hoàn thành gieo cấy vào sau Tết Nguyên đán. Chúng tôi cũng đã đưa ra các biện pháp đề phòng các đợt không khí lạnh mạnh gây rét đậm, rét hại trong thời kỳ từ nửa cuối tháng 12/2022 đến nửa đầu tháng 02/2023 để ổn định sản xuất”.

Xem thêm
Kon Tum khẩn trương di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư

Di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực dân cư là hướng đi đúng đắn của tỉnh Kon Tum nhằm bảo vệ môi trường, vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.

Nghệ An tiêu hủy gần 5.000 con lợn do nhiễm dịch tả lợn Châu Phi

Dịch tả lợn Châu Phi đang chuyển biến khó lường trên địa bàn Nghệ An, một số huyện đang lo ngay ngáy khi vật nuôi nhiễm bệnh với số lượng khá lớn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.