| Hotline: 0983.970.780

Thứ Bảy 09/05/2020 , 05:30 (GMT+7)
Dạ Ngân

Dạ Ngân

Nhà văn 05:30 - 09/05/2020

Quanh chiếc khẩu trang

Thịnh hành ở Việt Nam chừng hai mươi năm, chiếc khẩu trang ấy. Cho chị em giữ gìn dung nhan trước tia cực tím và ô nhiễm môi trường.

Còn nhớ, khi đó đi làm ở Hà Nội, nó, chiếc khẩu trang ấy xuất hiện trên mặt phụ nữ trẻ trong cơ quan.

Nhìn thấy đã ngộp và cũng thấy tiêng tiếc, da sáng thế kia, che đi, mất phần thưởng được nhìn của người đi đường hoặc người đối diện. Nghĩ thêm, thấy thôi thì, ai da đẹp thì họ cần giữ, mình già, sần sạm xấu, kệ đi.

Nhưng rồi không biết từ bao giờ, hầu như phụ nữ cả nước chung thân với khẩu trang. Có thật nhiệt độ hung hiểm hơn không, ngày xưa nắng dịu hơn, đúng không?

Có thật ô nhiễm nặng lắm rồi, đúng không, do xây dựng liên hồi kỳ trận, do nhà máy nhiệt điện, do phá rừng, phá rừng cũng khiến đô thị ô nhiễm ư, vì sao? À, vì những lá phổi của đại ngàn trống hoác đi, lũ lụt thê thảm đã đành mà phổi đã lỗ chỗ thì chắc chắn hơi thở của thiên nhiên sẽ không lành mạnh được nữa.

Bắt đầu những dây khẩu trang lủng lẳng ở các ki-ốt ven đường, cạnh những chiếc áo mưa xài một lần rồi vứt. Vào các sạp hàng trong các chợ truyền thống, khẩu trang bán hàng tá, hàng xấp, muốn cả thùng cũng có.

Đa dạng, cải tiến, mốt miết, từ giá bèo đến giá cao, có cả loại rất “đẳng cấp” nếu người con gái cưỡi chiếc xe tay ga đẳng cấp.

Rồi có thứ đồng bộ tông-suyệt-tông với áo khoác, váy trùm, kín mít mà cũng rất ….gợi cảm! Không mấy khi thấy đàn ông đeo khẩu trang, với họ, chắc chắn là phong trần, sần sùi, sạm đen, bụi bặm đều là những tiểu tiết cho thấy tháo vát, giỏi giang, menly.

Thi thoảng có vài cậu chàng đeo khẩu trang lại thấy, chao ơi, điệu đàng, loại này chắc nắng không ưa, mưa không chịu, ghét gió, kỵ mù sương!

Chiếc khẩu trang không choán hết gương mặt nhưng nếu không chú ý loại xe và biển xe, sẽ không biết người kia là người quen và người thân. Trừ khi đó là người ruột rà, sực nhìn thấy do linh cảm.

Nói để biết, dù nó là một mảnh vải nhỏ nhưng nó che được gần như mọi biểu hiện của gương mặt. Nếu trên mắt là đôi kính râm đi đường nữa, thì với người ruột thịt, cũng khó đoán biết người đó đang vui hay đang buồn, đang đăm chiêu hay đang hưng phấn. Chịu.

Đại dịch yêu cầu người người phải khẩu trang. Tưởng rằng đã quen với nó bởi khí hậu nhiệt đới và đô thị ô nhiễm vào loại nhất nhì thế giới, bỗng thấy rất khó chịu với nó, chiếc khẩu trang không xa lạ ấy.

Sao vậy? Có phải vì đi bộ vào chợ cũng dán nó trên mặt khi giao tiếp mua bán, rồi đi bộ về nhà, cho tới khi đã bước vào nhà mới được tháo nó ra. Chao ơi, ngộp và bực bội, cứ muốn hét lên.

Nhưng đã là gì, y bác sĩ tuyến đầu, người phục vụ ở khu cách ly, họ cũng ngộp và viêm hết khe vành tai nhưng họ có thể tháo ra và hét lên không? Nghĩ lại, vừa nghĩ lại vừa thấy tĩnh tâm khi đứng giặt chiếc khẩu trang ấy hoặc lấy kéo cắt bỏ nó trước khi cho vào thùng rác.

Nhưng hôm sau, nếu muốn thể dục để khỏi tù chân và sau khi vào nhà, đã là cảm giác của hôm qua, toát hết mồ hôi, ngộp và bực rồi lại muốn rủa sả một cái gì và hét lên.

Con gái đưa các thứ lên cho mẹ, găng tay và khẩu trang kín mít, để những gói thực phẩm ngoài cửa rồi đưa tay lên bye bye mẹ.

Không một cái ôm, quá khó chịu khi không thể ôm con dù cả hai không ai bị nhiễm, chỉ vì giữ cho nhau. Không nhìn thấy môi miệng và mũi thì một đôi mắt không nói lên được gì nhiều, nếu cần, đôi mắt ấy phải được tập luyện để bày tỏ nhiều hơn, đủ nhiều, cho các thang biểu cảm xúc.

Thì ra, môi miệng mới là thứ quan trọng, thậm chí nó là thứ quan trọng nhất của con người để bày tỏ và giao tiếp. Một người mù không sao, nhưng người bị khâu cái miệng thì bi đát đến mức nào.

Có lẽ vậy mà đôi mắt mới chỉ là cửa sổ, còn đôi môi, khuôn miệng, tiếng nói, giọng nói mới cho con người sự tiếp xúc trọn vẹn người nhất. Không áp vào con được, không thấy cái khóe miệng nó để biết con đang buồn, đang vui, hay đang tuyệt vọng và đang già đi, đó là sự bứt rứt mà lần đầu riên mình cảm nhận từ tình mẹ con bị ngăn cách bởi khẩu trang và đại dịch.

Với đứa con Mỹ cũng vậy, lấy thức ăn mom mang đến, khẩu trang nghiêm, một đôi mắt lấp lánh cảm ơn rồi bye bye mom.

Không thể một cái ôm vì phải giữ cho nhau, nhưng có chạm vào nhau mới san sẻ được chiều sâu của nỗi niềm, chúng ta thương nước Mỹ của con, thương cho muôn người và thương nhau cái tình thương quá đỗi ngậm ngùi này.

Ở các nước tự do, con người lồng lộn khi bị ngăn cách. Và chiếc khẩu trang là biểu tượng của giám sát. Không thể nói là miễn cưỡng, họ đau khổ, họ thực sự đau khổ và nếu phải chung sống với nó, có thể họ phát điên, thậm chí họ không hào hứng để sống nữa.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm